Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Giới thiệu giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ IX năm 2010 - 2011
(Ngày đăng: 07/08/2012)
- Quản lý tổng hợp IPM và áp dụng quy trình IPM đồng bộ trên diện rộng bằng SOFRI PROTEIN 10DD, kết hợp với một số loại thuốc sinh học khác nhằm giảm thiệt hại ruồi đục trái và các loại côn trùng khác trên cây sơ ri tại vùng Gò Công. - Sử dụng Công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa.

1/ Quản lý tổng hợp IPM và áp dụng quy trình IPM đồng bộ trên diện rộng bằng SOFRI PROTEIN 10DD, kết hợp với một số loại thuốc sinh học khác nhằm giảm thiệt hại ruồi đục trái và các loại côn trùng khác trên cây sơ ri tại vùng Gò Công.

Tác giả: Lê Quốc Điền và các đồng tác giả

Năm sinh: 1972

Nghề nghiệp: Thạc sĩ

Địa chỉ: Viện cây ăn quả Miền Nam (xã Long Định, Châu Thành, Tiền Giang)

Nội dung giải pháp:

Ruồi đục trái và rệp sáp, rệp dính, rầy mềm hiện nay là một vấn nạn gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng trái, làm ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu trái sơ ri (kết quả điều tra cho thấy mức độ thiệt hại do ruồi đục trái và côn trùng khác có thể đến 80% năng suất). Nguyên nhân làm ảnh hưởng đến xuất khẩu là do nhà vườn chưa hiểu biết về các đối tượng dịch hại nên phun nhiều lần thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên vụ thu hoạch sơ ri ( thuốc có độ độc cao, phun định kỳ, không có thời gian cách ly…) làm cho dịch hại ngày càng phát triển mạnh.

Giải pháp dùng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM kết hợp sản phẩm sinh học (và là chất dẫn dụ ruồi đục quả) SOFRI PROTEIN 10DD nhằm giảm thiệt hại do ruồi đục quả gây ra và tuyển chọn một số loại thuốc an toàn áp dụng trong vùng sản xuất sơ ri; hạn chế thấp nhất dư lượng thuốc BVTV tồn lưu trong trái sơ ri trong giai đoạn thu hoạch trái; nâng cao tính cộng đồng trong việc quản lý dịch hại, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến tận người dân bằng mô hình thực hiện điểm trình diễn, từ đó nhân ra rộng rãi trong vùng.

Tính mới:

Năm 2006, qua kết quả phân tích dư lượng thuốc trên trái sơ ri của công ty CP Hiệp Phát, phát hiện 26 loại thuốc BVTV đã được sử dụng có tồn dư thuốc BVTV vượt mức cho phép cao ảnh hưởng đến đầu ra trái sơ ri, không xuất khẩu được. Giải pháp Quản lý tổng hợp IPM và áp dụng quy trình IPM đồng bộ trên diện rộng bằng SOFRI PROTEIN 10DD, kết hợp với một số loại thuốc sinh học khác nhằm giảm thiệt hại ruồi đục trái và các loại côn trùng khác trên cây sơ ri tại vùng Gò Công giúp nhà vườn tìm ra được giải pháp hạn chế sử dụng thuốc BVTV có độ độc cao ở mức thấp nhất, an toàn vệ sinh thực phẩm, được doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận và sơ ri xuất khẩu được sang Nhật Bản.

Tính hiệu quả:

- Kiểm soát được mật số ruồi gây hại và dịch hại khác, giảm thiệt hại của quả;

- Không gây ô nhiễm môi trường như đất đai, nguồn nước, không khí…;

- An toàn sức khỏe cho người tiêu dùng;

- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn góp phần tạo ra một nền nông nghiệp bền vững, an toàn cho con người và bảo đảm nhu cầu phát triển của xã hội;

- Thực hiện quản lý dịch hại cho toàn vùng sản xuất bền vững, nâng cao kỹ năng áp dụng sản phẩm hóa sinh của nhà vườn tham gia mô hình;

- Hiệu quả về mặt kinh tế: Mô hình thu lợi nhuận là 82,5 triệu đồng/Ha cao hơn so với đối chứng là 6,6 triệu đồng trong cùng 1 diện tích, tỷ suất lợi nhuận của mô hình cao hơn đối chứng gấp hai lần.

Khả năng áp dụng:

Giải pháp dễ áp dụng, đã nhân rộng các mô hình quản lý áp dụng thuốc hóa sinh trên cây sơ ri 300 Ha.

 


2/ Sử dụng Công nghệ sinh thái để  quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa.

Tác giả: Cao Văn Hóa và các đồng tác giả

Năm sinh: 1959

Nghề nghiệp: Kỹ sư nông học

Địa chỉ: Sở Nông nghiệp – PTNT Tiền Giang

Nội dung giải pháp:

Từ vụ Đông Xuân 2005 – 2006, rầy nâu tái bùng phát gây hại lúa trên diện rộng tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng thiệt hại không đáng kể, sau vụ bùng phát này đã dẫn đến sự trỗi dậy của bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá do virus gây ra và rầy nâu là môi giới truyền bệnh. Cuối vụ Hè Thu 2006, rầy nâu mang mầm bệnh di trú theo gió mùa Tây Nam đã phát tán rộng, lây nhiễm bệnh cho các trà lúa Mùa ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ, Bộ Nông nghiệp – PTNT công bố dịch rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trong phạm vi các tỉnh, thành phía Nam từ Đà Nẵng trở vào. Các giải pháp kỹ thuật đối phó với rầy nâu di trú được khuyến cáo áp dụng bao gồm: quản lý dịch hại tổng hợp IPM, giống chống chịu rầy nâu, phun thuốc trừ rầy, thuốc xử lý hạt giống, tiêu hủy ruộng bị nhiễm nặng … vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt ngăn chặn tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh.  Các giải pháp “xuống giống tập trung và né rầy trong từng khu vực, từng cánh đồng”,  thiết lập “hệ thống bẩy đèn” làm cơ sở cho việc dự báo các đợt rầy di trú để chỉ đạo phòng trừ rầy di trú mang mầm bệnh bước đầu có hiệu quả.

Đến vụ lúa Hè Thu năm 2011, dịch bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá tái bộc phát gây nhiễm trên 13.500 ha ở giai đoạn lúa đòng trổ - chín. Do vậy, rầy nâu luôn là mối đe dọa tiềm ẩn, chúng có khả năng truyền bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá ngay lập tức khi không gieo sạ “đồng loạt và né rầy”. Từ đó, vấn đề tạo nguồn thiên địch tại chỗ bằng biện pháp trồng hoa có mật và phấn hoa ngay trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch đến, nguồn thiên địch càng phong phú và càng dồi dào thì mật số của rầy nâu sẽ giảm, hạn chế một cách tốt nhất bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá. Đây chính là xây dựng lại hệ sinh thái đồng ruộng mà các nhà khoa học gọi là “Công nghệ sinh thái”; nguyên tắc cơ bản của công nghệ sinh thái là dựa vào sự đấu tranh sinh tồn giữa các loài sinh vật có cùng môi trường sống và phát huy vai trò của các loài sinh vật có ích tấn công dịch hại để bảo vệ mùa màng cho người nông dân.

Một số loại cây có hoa được chọn  để triển khai trong việc nhân rộng mô hình là: Sài đất (wedilia chinensis), xuyến chi (Bidens pilosa), cúc Gót (colobogynesp), cỏ Cứt lợn (Agelatum conyzoides)…Đặc điểm là chúng có nhiều hoa với mật, phấn hoa và hương thương thu hút nhiều côn trùng thiên địch mà lại dễ trồng , ít chăm sóc, không che rợp lúa và ra hoa quanh năm.

Tính mới:

Ứng dụng Công nghệ sinh thái trong quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa tại tỉnh Tiền Giang là một biện pháp khoa học kỹ thuật mới; định hướng việc sản xuất lúa bền vững, giảm bớt nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.

Tính hiệu quả:

- Trồng hoa có mật và phấn hoa trên bờ ruộng thu hút nhiều thiên địch đến cư ngụ và sinh sản trong đó như nhện, kiến ba khoang, bọ rùa… thuộc nhóm bắt mồi;

- Bẫy vàng, bẫy trứng của rầy nâu và bẫy dính cho thấy có nhiều ong ký sinh trên sâu hại, trứng rầy nâu và muỗi nước (làm mồi cho thiên địch);

- Nhiều loài côn trùng đến lấy mật hoa tạo sự đa dạng sinh học vật sống động trong ruộng lúa;

- Chưa có phun thuốc trừ sâu lần nào mà mật số sâu rầy trong ruộng lúa vẫn không đáng kể cho đến khi thu hoạch. tăng thu nhập cho nông dân từ 800.000 đồng/ha đến 2.000.000 đồng/ha tùy thuộc vào mô hình, thời vụ và giá lúa;

- Nông dân tỏ vẻ thích thú và đã chọn loại cây có hoa phù hợp để trồng ngay trên đồng ruộng của mình;

- Nhiều lượt người đến tham quan và báo chí đã có bài giới thiệu như một mô hình xanh của sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP;

- Tạo cảnh quan đẹp cho đồng ruộng, hỗ trợ cho chương trình Nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.

Khả năng áp dụng:

Khả năng ứng dụng rộng cho nhiều vùng sinh thái trồng lúa khác nhau.

 

 

 

 

 

BTC Hội thi sáng tạo kỹ thuật
Tin liên quan