Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Vụ nuôi tôm năm 2012: Nông dân cần tuân thủ một số quy tắc để có mùa tôm bội thu
(Ngày đăng: 07/08/2012)

Bắt đầu ngày 15/01/2012, các hộ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đồng loạt được phép thả giống cho vụ tôm chính vụ năm 2012, nên thời điểm này các hộ nuôi tôm đang khẩn trương cải tạo ao đầm, lấy nước và tìm nguồn tôm giống chất lượng để thả giống cho kịp thời vụ. Do đó, việc tuân thủ các quy định, khuyến cáo của của cơ quan chức năng cũng như các quy trình kỹ thuật là yếu tố quyết định sự thành công của người nuôi tôm trong vụ tôm năm 2012 này.
Cần chọn tôm giống chất lượng và thả đúng cách. Ảnh chụp tại xã Phước Trung, Gò Công Đông, TG


Những quy tắc cần tuân thủ trong vụ nuôi mới

Để chuẩn bị cho vụ tôm năm 2012, ngay từ cuối tháng 8 năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có khuyến cáo lịch thời vụ thả giống tôm đối với các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo không nên thả nuôi tôm liên tục trong năm mà cần phải có thời gian để nền đáy ao tôm hồi phục, cải tạo ao đầm…, cụ thể, bà con chỉ nên thả nuôi 1 vụ/năm đối với tôm sú, và 2 vụ/năm đối với nuôi tôm thẻ chân trắng.

Về các yêu cầu kỹ thuật cần tuân thủ để có mùa tôm thắng lợi trong vụ tôm mới, Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, bà con cần phải sên vét lại ao nuôi, loại bỏ lớp bùn đen ra khỏi ao (đối với ao cũ), tiến hành cải tạo bằng cơ giới hóa (áp dụng đối với ao cũ và ao mới) đảm bảo các tiêu chí sau: ao diện tích thích hợp từ 0,3 – 0,5 ha, độ sâu tối ưu đạt 1,2 – 1,5 m. Tiếp theo, tiến hành bón vôi CaO hoặc CaCO3 với liều lượng khuyến cáo từ 700 – 1000 kg/ha (pH đất > 6), phơi ao 7 – 10 ngày với mục đích tiêu diệt hết mầm bệnh của vụ nuôi trước.

Đối với việc lấy và xử lý nước, bà con cần có ao lắng với tỷ lệ khoảng 30% tổng diện tích chủ động việc cấp nước vào ao nuôi. Bên cạnh đó, bà con phải thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc môi trường khi cần lấy nước vào ao. Nước cấp vào ao nuôi cần cho qua qua túi lọc và xử lý thông qua ao lắng bằng cách để nước 3 -5 ngày kết hợp với quạt nước để trứng giáp xác nở hết, sau đó bà con tiến hành diệt tạp bằng saponin với liều lượng 15 – 20 kg/1000 m3 hoặc một số sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng; diệt khuẩn, virus trong ao bằng Chlorine với liều lượng 25 - 30kg/1.000m3, Formol với liều lượng 20 – 30lít/1000 m3, hoặc thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 5 – 8 kg/1000 m3.

Đối với việc gây màu nước, bà con có thể sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần chủ yếu như các vi sinh vật có lợi (nhóm Bacillus subtilis, Lactobacillus…), các vitamin, axit amin thiết yếu theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đối với những ao khó gây màu bà con có thể sử dụng các chế phẩm sinh học kết hợp với bón phân urê (2 – 3 kg/1000 m3), bột cá (0,5 – 1 kg/1000 m3) liên tục vài ngày đến khi ao nuôi đạt các tiêu chuẩn như độ trong (30 – 40 cm), pH (7,5 – 8,5), độ kiềm (80 – 120 ppm), khí độc (< 0,1 ppm)… tạo cho ao nuôi có màu xanh lục, vàng khuê thì có thể tiến hành thả tôm giống.

Chọn tôm sú giống, cần chọn con giống đạt chuẩn Post 13 – 15, đồng thời thử chất lượng tôm giống bằng cảm quan với các tiêu chí như kích cỡ đồng đều, đường ruột to, tỉ lệ ruột/cơ đạt chuẩn 1/4, bơi lội linh hoạt. Kế tiếp tiến hành gây sốc bằng cách hạ đột ngột độ mặn chỉ còn 50% (ví dụ từ 20‰ xuống 10‰), hoặc sốc Formol với liều lượng 2 lít/10 lít nước trong 1 giờ, nếu tỉ lệ sống tôm trên 90% là đạt yêu cầu. Sau đó tiến hành kiểm dịch tôm giống bằng phương pháp PCR tại các cơ quan kiểm dịch giống thủy sản của các tỉnh/thành để chắc chắn tôm giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh; Đối với tôm thẻ chân trắng, tốt nhất nên chọn tôm giống Post 10 trở lên, tôm giống trong đàn có độ đồng đều cao, đồng thời áp dụng các phương pháp chọn tôm giống tương tự như đối với tôm sú.

Về việc thả giống, bà con nên yêu cầu các trại giống thuần hóa độ mặn giữa trại ương tương ứng với độ mặn trong ao nuôi. Khi thả tôm giống cần chọn thời điểm trời mát (buổi sáng, chiều tối) và tiến hành ngâm bao tôm vào nước khoảng 30 phút để cân bằng nhiệt độ giữa nước tôm trong bọc và ao nuôi trước khi thả. Mật độ thả nuôi nên ở mức từ 20 - 30 con/m2 đối với tôm sú, và từ 60 - 80 con/m2 đối với tôm chân trắng; không nên thả quá dày sẽ khó quản lý, dễ xảy ra bệnh tật, rủi ro cao.

 

Cần thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ảnh chụp tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, TG

Kỹ thuật quản lý môi trường nước ao nuôi tôm

Trong quá trình nuôi, nếu ao tôm bị thiệt hại do bệnh do virus, vi khuẩn thì bà con cần tiến hành tiêu diệt mầm bệnh bằng hóa chất thường dùng như: Chlorine liều lượng 25 - 30kg/1.000m3 nước, Formol liều lượng 20 - 25 lít/1.000m3 nước, Benzalkonium Chlorine (BKC) liều lượng 2 - 3 lít/1.000m3 nước. Sau đó thu gom xác tôm, cua còn sót lại ra khỏi ao, sau 2 - 3 ngày bơm nước ra khỏi ao. Tiếp theo, bón vôi CaO hoặc CaCO3 với liều lượng khuyến cáo từ 700 - 1.000kg/ha (pH đất > 6), rồi tiến hành phơi ao (khoảng 1 - 2 tháng) với mục đích tiêu diệt hết mầm bệnh của vụ nuôi trước.

Đối với những ao đang nuôi, cần hạn chế tối đa việc cấp nước, chỉ xả bớt nước mặt khi trời mưa to. Phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường để có biện pháp quản lý tôm nuôi phù hợp, bổ sung một số khoáng chất cần thiết, nhất là nhóm hỗ trợ chức năng gan, tăng cường hệ miễn dịch nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm, đồng thời theo dõi kết quả quan trắc môi trường và mầm bệnh để kịp thời có kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Cần quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường nước ao nuôi như: pH, ôxy hòa tan, độ kiềm, NH3, độ trong... để đảm bảo các chỉ tiêu này luôn trong ngưỡng thích hợp nhất, đặc biệt là mật độ tảo (độ trong) cần giữ ổn định trong suốt thời gian nuôi. Hàng ngày, thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, nếu phát hiện dấu hiệu bệnh cần xử lý kịp thời để hạn chế thiệt hại. Khi trời mưa nên bón vôi trên bờ ao và bón trực tiếp xuống ao để hạn chế sự thay đổi pH.

Một điều đặc biệt lưu ý là, trong quá trình xử lý nước, diệt giáp xác tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu và hóa chất có chứa thành phần Cypermethrin, Deltamerthrin…. Trong quá trình nuôi chỉ sử dụng thức ăn có chất lượng cao, quản lý thức ăn đúng liều lượng, không sử dụng thức ăn hết hạn sử dụng hoặc bị mốc để cho tôm ăn. Trong khẩu phần ăn của tôm cần bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa... để tăng cường sức đề kháng cho tôm.

Trong mọi trường hợp cần tránh xáo động môi trường nước ao nuôi, nhất là tránh quan điểm ao tôm không có màu thì gây tảo, ngược lại tảo dày thì cắt mà cần chú ý đến điều kiện đất đai, thời tiết để tránh rủi ro cho ao tôm. Bởi tùy theo chất đất, độ mặn thời tiết mùa vụ mà màu nước sẽ tương ứng theo, quan trọng là tôm sống được, ăn được và phát triển được. Thực tế có những ao tôm chỉ vì màu nước quá sậm không “hợp nhãn” chủ ao mà phải cắt tảo làm cho tôm ngộp oxy, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, thậm chí có trường hợp bị chết. Trong trường hợp cần dùng hóa chất để xử lý nước ao tôm phải chú ý đến vấn đề giải độc cho tôm, trước khi gây tảo phải tạo hệ đệm trước thì việc quản lý ao tôm mới thành công.

Khi tôm có những biểu hiện bệnh, người nuôi cần lấy mẫu tôm bệnh đem đến các phòng xét nghiệm bệnh tôm bằng PCR để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh, và có những biện pháp phòng ngừa phù hợp. Đặc biệt, đối với bệnh virus, người nuôi phải báo ngay cho Trạm thú y, Trạm Thủy sản địa phương, Phòng NN&PTNT hoặc UBND xã để được hướng dẫn cách ly và hỗ trợ hóa chất tiêu hủy kịp thời theo đúng quy định; Đối với những ao nuôi đã thu hoạch xong, nước thải và các chất thải rắn phải được bơm vào khu vực riêng dành để chứa bùn và chất thải; riêng nước thải phải được xử lý trước khi thải ra các sông rạch tự nhiên, đồng thời phải thông báo cho những hộ xung quanh biết để hạn chế khả năng lây lan mầm bệnh.


Thành Công

 

Tin liên quan