Ngày 29/9/2011, Chi cục Thủy sản Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình thí điểm quản lý tình hình nuôi tôm bằng mã số trên địa bàn xã Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông) nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện và rút kinh nghiệm để triển khai đại trà trong toàn tỉnh. | |
Bà con nuôi tôm xã Tân Thạnh thắng lợi lớn trong vụ tôm 2011 |
Tăng cường quản lý trong nuôi tôm
Theo Trạm Thủy sản số 3 (Tân Phú Đông), hiện trên địa bàn xã Tân Thạnh có 4 ấp nuôi tôm với tổng số hộ nuôi là 370 hộ trên diện tích nuôi là 151,55ha, trong đó diện tích nuôi tôm tại ấp Tân Thành 1 là 21,46ha, Tân Thành 2 là 11,62ha, Tân Bình là 30,67ha, Tân Đông là 82,65ha.
Chi cục Thủy sản cho biết, những năm gần đây tình hình nuôi tôm (nhất là dịch bệnh) diễn biến phức tạp nhưng đội ngũ cán bộ quản lý địa bàn còn mỏng nên công tác nắm thông tin tình hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho công tác quản lý đôi lúc chưa kịp thời và sâu. Vì vậy, được sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản đã tiến hành thực hiện mô hình thí điểm quản lý tình hình nuôi tôm bằng mã số trên địa bàn xã Tân Thạnh nhằm tăng cường quản lý tình hình nuôi tôm đến từng hộ nuôi.
Để thực hiện mô hình này, Chi cục Thủy sản đã chọn năm cộng tác viên thực hiện công tác thống kê, giám sát, tổng hợp báo cáo tình hình nuôi tôm trên địa bàn xã Tân Thạnh, trong đó có bốn trưởng ấp tại các khu vực có nuôi tôm và một cán bộ nông nghiệp xã. Đồng thời, Chi cục cũng phát và hướng dẫn cách ghi sổ nhật ký nuôi tôm cho tất cả các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Tân Thạnh để bà con nuôi tôm lưu lại những thông tin liên quan đến quá trình nuôi. Ngoài ra, Chi cục cũng hỗ trợ về kỹ thuật cho bà con nuôi tôm thông qua các hình thức tổ chức tập huấn đầu vụ, hội thảo đầu bờ.
Ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, Chi cục thường xuyên cử cán bộ giám sát, đôn đốc công tác nắm thông tin, tổng hợp báo cáo tình hình nuôi tôm trên địa bàn xã, song song đó cũng kịp thời hướng dẫn người nuôi tôm ghi sổ nhật ký nuôi tôm đúng cách.
Bước đầu mang lại hiệu quả
Do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên trước đây nhiều hộ nuôi tôm chưa có thói quen ghi chép sổ nhật ký nuôi tôm. Tuy nhiên, sau khi mô hình thí điểm quản lý tình hình nuôi tôm bằng mã số trên địa bàn xã Tân Thạnh được triển khai, đa số hộ nuôi tôm đã thực hiện tốt việc ghi chép sổ nhật ký nuôi tôm theo hướng dẫn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi tình hình nuôi tôm tại nông hộ.
Trong quá trình triển khai thực hiện, mỗi hộ nuôi tôm cũng đã được mã hóa bằng một mã số riêng biệt theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản để thuận lợi trong công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm sau khi các sản phẩm tôm được chế biến từ nguồn tôm ở địa phương này lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, các thông tin về quản lý tình hình nuôi tôm tại mỗi nông hộ như: thời gian, diện tích, con giống thả nuôi, diện tích bệnh, sản lượng thu hoạch được cập nhật tương đối đầy đủ và kịp thời. Đây là những thông tin quan trọng giúp cho công tác quản lý tình hình nuôi tôm chặt chẽ hơn, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy xuất nguồn gốc trong thời gian tới.
Bên cạnh những hiệu quả về công tác quản lý, do có sự phối hợp đồng bộ giữa Chi cục Thủy sản với cơ quan thú y và khuyến nông địa phương, kết quả sản xuất của các hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Tân Thạnh cũng rất khả quan.
Bà Võ Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thạnh cho biết, năm nay gần 100% hộ nuôi tôm trên địa bàn xã có lãi cao. Để đạt được thắng lợi này, theo bà Hà, một phần do thời tiết năm nay thuận lợi cho hoạt động nuôi tôm, nhưng đặc biệt là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Chi cục Thủy sản trong việc bố trí thực hiện mô hình thí điểm quản lý nuôi tôm bằng mã số tại xã Tân Thạnh, bởi qua quá trình thực hiện mô hình này, người nuôi tôm đã có ý thức hơn trong vấn đề cải tạo ao nuôi, kiểm dịch giống cũng như nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi tôm.
Theo Chi cục Thủy sản, từ đầu đến nay tổng diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn xã là 208,19ha, trong đó diện tích xảy ra dịch bệnh là 3,2ha, chiếm 2,11% diện tích thả nuôi của xã (trong khi tỷ lệ xảy ra bệnh trung bình cả tỉnh là 14%). Đến nay, các hộ nuôi tôm trên địa bàn đã thu hoạch 874,64 tấn trên diện tích 146,66 ha với năng suất bình quân của tôm sú đạt 4,44 tấn/ha và tôm thẻ đạt 8,10 tấn/ha. Nhìn chung, các hộ nuôi tôm trên địa bàn đều có lợi nhuận cao, trung bình người nuôi lời từ 50.000 - 70.000 đ/kg đối với tôm sú, khoảng 30.000 - 45.000 đ/kg đối với tôm thẻ chân trắng.
Một số bất cập cần giải quyết
Qua kết quả thực hiện mô hình cho thấy, bên cạnh những mặt được vẫn còn đó một số trở ngại cần phải giải quyết để có thể triển khai thực hiện đại trà trên toàn tỉnh. Theo ông Phan Hữu Hội, hiện vẫn còn trường hợp người nuôi tôm thiếu cộng tác trong việc cung cấp thông tin, nhất là thông tin dịch bệnh nên gây khó cho công tác nắm thông tin tình hình nuôi tôm. Bên cạnh đó, một số hộ nuôi tôm chưa thực hiện tốt công tác ghi chép nhật ký trong quá trình nuôi do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa quen với công việc ghi chép. Mặt khác, cộng tác viên thực hiện mô hình đôi lúc chưa báo cáo kịp thời do phải kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn khác trong khi mức bồi dưỡng cộng tác viên thực hiện mô hình thấp nên chưa đảm bảo mức thu nhập tương đối cho các cộng tác viên.
Theo đó, ông Phan Hữu Hội đề xuất, cần phải tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan với địa phương trong hoạt động phối hợp giám sát, quản lý, phòng chống dịch bệnh cũng như tập huấn, hội thảo về kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh trên tôm. Song song đó, cần cũng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ quản lý cộng đồng nuôi tôm để làm nền tảng triển khai hoạt động quản lý tình hình nuôi tôm bằng mã số. Đặc biệt, cần có chế độ bồi dưỡng thích hợp hơn cho các cộng tác viên nắm tình hình nuôi tôm để họ an tâm công tác.