Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, vấn đề an sinh xã hội ở nhiều quốc gia, trong đó có nước ta được đặt lên hàng đầu. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 61 huyện có 50 % hộ nghèo, thu nhập bình quân rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Đó là mâu thuẫn giữa tăng trưởng và an sinh xã hội. Vậy những giải pháp nào giúp cải thiện vấn đề này ở nước ta? Giới trí thức Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp trong buổi tọa đàm tại các Ban Đảng Trung ương phía Nam về “vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn suy giảm kinh tế hiện nay”. | |
Phải thấm nhuần từ những người “cầm cân nảy mực” !
GS. Trần Đình Bút:
“Cơn bão táp suy thoái kinh tế toàn cầu hiện đã có ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhiều ngày qua tôi thường nghe mọi người lo lắng tự hỏi nhau về mức độ tàn phá của cuộc khủng hoảng, liệu nó còn kéo dài đến bao giờ và làm thế nào để hoàn thiện thể chế thị trường và tạo sức bật mới cho nền kinh tế? Tôi cho rằng, hơn lúc nào hết, vấn đề là người cầm cân nảy mực ở mỗi cấp “có đủ nhạy cảm” và dám ‘quyết liệt hơn nữa” hay không trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ cái hay, cái tiến bộ,... Ngược lại, nếu không đủ nhạy cảm và quyết tâm, tôi chắc chắn “thời cơ vàng” sẽ mau chóng trôi qua, hậu quả sẽ khó lường”.
PGS. TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Chủ tịch liên hiệp các hội KHKT TP. Hồ Chí Minh:
Hiện nay chưa có đánh giá đầy đủ nào bàn về những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam, tuy nhiên theo báo cáo của Chính phủ, quý I/2009, tăng trưởng kinh tế trong nước chỉ đạt 3,1 %, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Điều này dẫn tới nhiều vấn đề nảy sinh: nông dân thiếu ruộng đất và sản xuất không ổn định; công nhân lương thấp và thiếu việc làm; đội ngũ trí thức lương thấp và thiếu điều kiện tham gia vào các chương trình chiến lược của đất nước. Tôi cho rằng, những hậu quả trên là do những nguyên nhân chủ yếu như: nội lực trong nước còn yếu, trong khi lại bị tác động mạnh mẽ từ khủng hoảng kinh tế; nguyên nhân chủ quan là do sự điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, các tỉnh thành còn nhiều bất cập, yếu kém và đôi khi còn tỏ ra lúng túng; trong khi đó người lao động và các doanh nghiệp còn “ỷ lại”, trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước. Do đó về các giải pháp hạn chế suy giảm kinh tế, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của GS. Trần Đình Bút về kiến nghị Nhà nước nên có các “gói trợ giúp” tác động trực tiếp vào kích cầu đầu tư và tiêu dùng, cũng như hoạt động sản xuất. Mặt khác, người lao động cũng cần “tự cứu mình” trước bằng cách tích cực tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tự học tập, đào tạo để thích nghi với thị trường luôn biến đổi”.
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh:
“Theo tôi, giải quyết vấn đề an sinh xã hội hiện nay ở nước ta cần tập trung vào hai lĩnh vực thời sự nhất hiện nay là lĩnh vực y tế - giáo dục và các chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư cho người dân. Những vấn đề này trong giai đoạn suy giảm kinh tế cần phải chú ý giải quyết theo chiều hướng tăng cường trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội”.
Giải pháp kích cầu đã đúng chỗ ?
TS. Phạm Minh Trí, Chủ tịch Hội hhoa học kinh tế và quản lý:
“Chính phủ đang triển khai gói kích cầu đầu tư bù lãi suất cho doanh nghiệp có giá trị đến hơn 6000 tỷ đồng với hy vọng làm cú hích sản xuất để chống suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, tôi thấy rằng qua 2 tháng, việc triển khai gói kích cầu có nhiều dấu hiệu không như mong muốn. Một bộ phận doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiếu đơn hàng và hợp đồng. Như vậy, dễ thấy rằng khó khăn chủ yếu của nền kinh tế nước ta hiện nay không phải là thiếu vốn mà là suy giảm về nhu cầu trong nước và ngoài nước. Hơn nữa, nền kinh tế phải tuân theo quy luật cung – cầu của thị trường, chúng ta không thể bơm vốn đơn thuần cho sản xuất để đạt mục tiêu tăng trưởng. Theo tôi, nhóm giải pháp quan trọng phải tính đến trong lúc này là kích cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là đối với khu vực dân cư nông thôn có thu nhập thấp, những người hưởng lương, hưu trí; song song với đó, chúng ta cũng cần quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là bộ phận cộng đồng đang đối mặt với tình trạng mất việc làm, vật giá leo thang, cuộc sống bấp bênh – những người đã và đang bị tổn thương nặng nề do khủng hoảng và suy giảm kinh tế”.
TS. Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh:
“Theo tôi, an sinh xã hội ở nước ta đang gặp vấn đề. Các hộ trong nhóm 20 % thu nhập cao nhất nhận được tới gần 40 % lợi ích an sinh xã hội trong lúc người nghèo chỉ nhận vỏn vẹn chưa đầy 7 %. Tôi chỉ đơn cử việc vừa qua nhà nước bỏ ra 24.000 tỷ đồng để xây dựng nhà cho người thu nhập thấp mang ý nghĩa kích cung nhiều hơn để bình ổn và phát triển nhà đất. Trong khi nhà ở cho người nghèo với giá 150 triệu đến 200 triệu/căn hộ trong bối cảnh suy giảm kinh tế như hiện nay không phải không dễ dàng mua được và không khéo lại thành đầu cơ và doanh nghiệp lợi dụng chính sách đảo nợ”.