An toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường là những vấn đề được nhiều người nhắc đến thường xuyên. Dư lượng độc chất, dư lượng kháng sinh trong thực phẩm ngày càng được nhiều người quan tâm. Trên thị trường hiện nay có nhiều chế phẩm sinh học bổ sung cho chăn nuôi nhằm tăng cường khả năng tiêu hóa, hạn chế họat động của vi sinh vật gây bệnh, giảm mức độ ô nhiễm môi trường như các Probiotic, Prebiotic. | |
EM (Effective Microorganisms) là chế phẩm bao gồm hơn 80 loài vi sinh được chế tạo tại Nhật Bản và được một số cơ sở chế biến, bán trên thị trường. Tác dụng có lợi của EM đối với môi trường và sức khỏe của vật nuôi đã được biết đến từ lâu. Tuy nhiên, khẳng định tác dụng của chế phẩm trong điều kiện chăn nuôi của Việt Nam là việc làm cần thiết để tránh những ngộ nhận cũng như ảnh hưởng không tốt về sau. Đề tài "Ảnh hưởng của chế phẩm EM đến môi trường và sức khỏe của gà nuôi tập trung" được các nhà khoa học của Đại học Nông Lâm TP. HCM thực hiện đã làm rõ được tác dụng cải thiện môi trường và làm gia tăng hiệu quả của các trang trại chăn nuôi gà. Kết quả nghiên cứu đã được phổ biến nhân rộng ra đến các hộ chăn nuôi gia cầm trên phạm vi toàn quốc.
Điều kiện thí nghiệm
Thí nghiệm được thực hiện trong 3 năm gần đây trên các trại chăn nuôi gia cầm ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều kiện bố trí thí nghiệm của đàn gà ở các địa phương
TT |
Lọai gia cầm |
Địa điểm |
Số con TN |
Mục tiêu |
1 2 3 4 5 |
Lương Phượng Tam Hòang Tam Hòang Arbor Acres (AA) Gà Ác |
Bà Rịa-Vũng Tàu Đồng Nai Bà Rịa-Vũng Tàu TP Hồ Chí Minh Tiền Giang |
477 6.000 3.000 6.000 1.600 |
Gà đẻ Gà thịt Gà thịt Gà thịt Gà thịt |
Tổng số 17.077
EM: Lô thí nghiệm bổ sung EM với liều lượng 3ml/lít nước uống từ ngày nở đến ngày xuất chuồng.
Khảo sát: Lô đối chứng bổ sung kháng sinh phòng bệnh, Ampi-Coli 1g/lít nước uống và Norfloxacin 1g/4 lít nước uống (theo quy trình các trại).
a. Gà đẻ nuôi lồng, theo dõi trong 14 tuần, từ tuần tuổi thứ 30, bố trí thí nghiệm hoàn toàn ngẫu nhiên 2 nghiệm thức với 4 lần lập lại.
b. Gà đẻ giống 28 tuần được nuôi sàn, chia làm 4 lô: 3 lô bổ sung 0,2; 0,4; 0,6% EM trong nước uống, một lô bổ sung kháng sinh. Lấy số liệu trong 12 tuần.
c. Nuôi từ 1 ngày tuổi đến khi xuất chuồng 90 ngày tuổi.
d. Nuôi từ 1 ngày tuổi đến khi xuất chuồng 45 ngày tuổi.
e. Nuôi từ 1 ngày tuổi đến khi xuất chuồng 28 ngày tuổi; bố trí ngẫu nhiên 2 nghiệm thức, lặp lại 8 lần chia ra làm 2 mùa nắng và mưa.
Gà thí nghiệm được nuôi tập trung, được phòng các bệnh Newcastle và Gumboro theo lịch trình giống nhau ở cả 2 nghiệm thức. Thức ăn cung cấp là cám hỗn hợp với thành phần như sau:
Thành phần cám hỗn hợp cho đàn gà thí nghiệm
TT |
Lọai gia cầm |
Địa điểm TN |
Năng lượng trao đổi (Kcal/kg) |
Đạm thô |
1 2 3 4 5 |
Lương Phượng Tam Hoàng Tam Hoàng Arbor Acres (AA) Gà Ác |
Bà Rịa-Vũng Tàu Đồng Nai Bà Rịa-Vũng Tàu TP Hồ Chí Minh Tiền Giang |
2.750-2.900 2.950 2.950 2.950-3.000 3.000 |
16,5 20-16 20-16 21-18 22-21 |
Chỉ tiêu theo dõi
- Tỷ lệ đẻ (%), tỷ lệ chọn ấp (%), tỷ lệ ấp nở (%), trọng lượng trứng (gam/quả), trọng lượng trứng sản xuất (gam/mái/tuần), tiêu tốn thức ăn (gam/trứng hay gà con), chỉ số hình dạng, chỉ số Haugh, tỷ lệ chết và loại (%) trong các lô thí nghiệm trên gà đẻ.
- Trọng lượng bình quân của gà lúc 1 ngày tuổi và kết thúc thí nghiệm (gam/con), Hệ số chuyển biến thức ăn (kg thức ăn/kg tăng trọng), Tỷ lệ chết (%) đối với các thí nghiệm trên gà thịt.
- Phân hạng gà sau khảo sát (đối với gà Ác).
- Nồng độ NH3 và H2S trong chuồng nuôi.
- Tỷ lệ chất khô (%), lượng Amonia và H2S (mg/kg ) trong phân gà.
- Tình trạng nhiễm bệnh.
- So sánh hiệu quả kinh tế.
KẾT QUẢ
1. Thí nghiệm trên gà đẻ Lương Phượng
- Sử dụng EM làm tăng tỷ lệ ấp nở tương đương 4%, cao nhất với tỷ lệ EM 0,2 - 0,4%.
- Sử dụng EM làm tăng trọng lượng trứng khỏang 1,5gam/quả, cao nhất với tỷ lệ EM 0,6%.
- Sử dụng EM làm giảm được mức tiêu tốn thức ăn cho 1 con gà con (từ 5,6 - 13,9%) thấp nhất lô bổ sung 0,2% EM.
- EM làm giảm được khí độc và lượng E.coli trong phân một cách đáng kể.
- Việc sử dụng EM không làm tăng tỷ lệ đẻ và tỷ lệ chọn ấp.
- Sử dụng EM ở mức 0,2 - 0,6% đều làm giảm được giá thành từ 148 - 220đồng/gà con.
Qua kết quả trên cho thấy việc sử dụng EM ở mức 0,2 - 0,6% đều làm tăng tỷ lệ ấp nở, hạ giá thành của gà con, giảm được một phần lượng khí độc và E.coli trong phân, môi trường được cải thiện hơn. Tuy nhiên đứng về mặt kinh tế, mục tiêu là giảm giá thành con giống, do đó nên chọn mức bổ sung từ 0,2 - 0,4% (trung bình 0,3% hoặc 3‰). Các theo dõi sau thí nghiệm hơn 1 năm không ghi nhận ảnh hưởng phụ nào tác động đến chăn nuôi của trại và môi trường xung quanh như vườn cây, ao cá.
2. Thí nghiệm trên gà thịt Tam Hoàng
Kết quả cho thấy rằng hiệu quả của chế phẩm vi sinh EM trên sự tăng trọng của gà đã gia tăng 8%. Còn tiêu tốn thức ăn giảm đi 4,5%.
- EM làm giảm 39% nồng độ NH3 và 38% H2S trong chuồng nuôi.
- EM giảm được khí độc trong phân: 19% NH3 và 33% H2S.
- EM làm gà ăn nhiều hơn, sử dụng thức ăn hiệu quả hơn nên tăng trọng nhanh hơn.
- Gà sử dụng EM khỏe mạnh hơn, sức đề kháng bệnh tật cao hơn nên tỷ lệ chết và lọai thấp hơn lô không sử dụng (7,65% so với 8,82%).
- Việc sử dụng chế phẩm EM có chênh lệch giá bán khoảng 1.000đồng/con so với lô đối chứng.
- Sử dụng chế phẩm EM làm giảm thuốc kháng sinh cho gà, qua đó nâng cao chất lượng và độ an tòan thực phẩm.
3. Thí nghiệm trên gà thịt AA
Tăng trọng trên một đơn vị thời gian 45 ngày của lô thí nghiệm là 48,8gam/con/ngày cao hơn so với lô đối chứng là 47,8gam/con/ngày. Như vậy, cho thấy chế phẩm vi sinh EM đã tác động lên tốc độ tăng trưởng của gà AA một cách đáng kể.
Kết quả phân tích thí nghiệm cũng cho thấy chế phẩm EM làm cho hệ sinh vật trong đường ruột cân bằng, các vi sinh vật có lợi có điều kiện phát triển sẽ lấn át sự phát triển của các vi sinh vật có hại, làm khả năng tiêu hóa và hấp thụ tăng. Hệ sinh vật trong ruột già phát triển thì chúng có khả năng tổng hợp được một số vitamin nhóm B cung cấp cho cơ thể làm tăng sức đề kháng với bệnh, quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh, dẫn đến tăng trọng tốt hơn
Qua phân tích kinh tế cho thấy việc sử dụng EM làm giảm một lượng tiền thuốc kháng sinh, hóa chất là 530.000 đồng/lô (3.000 con) nhưng gà vẫn khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.
4. Thí nghiệm trên gà Ác
Qua kết quả thu được có thể nhận xét:
- Trọng lượng bình quân của gà dùng EM nặng hơn 6% so với gà dùng kháng sinh (lúc 28 ngày tuổi) rất có ý nghĩa.
- Mức tăng trọng tuyệt đối của gà dùng chế phẩm EM cao hơn 7% so với gà dùng kháng sinh một cách có ý nghĩa.
- Hệ số chuyển biến thức ăn thấp hơn (13%) so với gà dùng kháng sinh (làm giảm từ 2,9kg xuống 2,52kg cho 1kg tăng trọng).
- Bổ sung chế phẩm EM cho gà Ác làm tăng 13% số gà hạng 1, giảm 47% số gà còi (hạng 3). Nếu xem tỷ lệ gà còi ở nghiệm thức dùng kháng sinh là 100% thì tỷ lệ gà còi ở nghiệm thức dùng EM chỉ có 53%. Tỷ lệ chết giữa 2 nghiệm thức khác biệt không có ý nghĩa.
- Bổ sung chế phẩm EM làm giảm 17% lượng Amonia và giảm 29% lượng H2S trong phân rất có ý nghĩa.
- Làm giảm từ 4 - 7% lượng nước trong phân.
- Việc dùng EM đã đem lại lợi nhuận hơn gấp 2 lần so với dùng kháng sinh phòng bệnh. Dùng EM lãi cao hơn dùng kháng sinh từ 324đ/con - 395đ/con.
- Sử dụng EM làm giảm sử dụng kháng sinh và các hóa chất, qua đó nâng cao chất lượng thịt, tạo sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
- Bổ sung EM có tác dụng như nhau trong mùa mưa và mùa khô.
- Sau hơn 1 năm sử dụng chế phẩm EM không ghi nhận được ảnh hưởng xấu đến môi trường vườn cây, ao cá, giếng nước xung quanh trại chăn nuôi.
Sau hơn 3 năm thí mghiệm trên 17.000 con gà thuộc nhiều giống ở nhiều khu vực khác nhau, mục đích nuôi khác nhau, với nồng độ EM 0,2-0,4% (trung bình 0,3% hoặc 3‰) bổ sung vào nước uống, có thể đi đến kết luận như sau:
1. Bổ sung EM làm tăng khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn gà, năng suất trứng và thịt cao hơn so với dùng kháng sinh để phòng bệnh.
2. Bổ sung EM nâng cao lợi nhuận trong chăn nuôi gà đẻ cũng như gà thịt.
3. Bổ sung EM làm cho môi trường chăn nuôi ít bị ô nhiễm hơn.
4. Thay thế việc bổ sung kháng sinh bằng EM trong việc phòng bệnh cho gia cầm còn giảm khả năng có tồn dư chất kháng sinh trong sản phẩm, tăng độ an toàn thực phẩm.
Ở Tiền Giang, từ năm 2000 Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và DVKHCN đã nghiên cứu ứng dụng chế phẩm EM cho các trại chăn nuôi gà đẻ như pha vào nước uống và hòa với nước sạch tỷ lệ 2-5‰ để phun trực tiếp lên phân và hầm ủ phân. Kết quả trứng gà đẻ tăng trọng hơn 3-5%, mùi hôi được khống chế và phân ủ mau hoai hơn, Sản phẩm EM đang được phổ biến rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh Tiền Giang.
Qua kết quả nghiên cứu của trường Đại học Nông Lâm TP HCM càng khẳng định tác dụng của EM cho ngành chăn nuôi gia cầm; chẳng những đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn góp phần bảo vệ tốt môi trường cho các trang trại, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh./.