Đầu năm 2011 đến nay, vấn nạn Trifluralin đã tạm thời lắng dịu trước những hành động quyết liệt của cơ quan chức năng, sự hưởng ứng của doanh nghiệp và người nuôi. Thế nhưng hiện nay, nhiều nhà phân phối, đại lý kinh doanh hóa chất, thuốc thú y thủy sản đã giới thiệu, quảng bá những sản phẩm có thành phần chính là hoạt chất Benzalkonium Chloride (BKC) dùng để diệt tảo, rong rêu, vi sinh vật, … và giới thiệu có khả năng thay thế Trifluralin. Nhiều nông dân và doanh nghiệp lo lắng đặt câu hỏi hỏi: sản phẩm này liệu có đi theo “lối mòn” Trifluralin?! | |
Xuất hiện sản phẩm mới thay thế Trifluralin
Không lâu sau khi Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những chỉ đạo và hành động quyết liệt nhằm loại bỏ Trifluralin trong nuôi trồng thủy sản, trên thị trường hoá chất xử lý môi trường nuôi thủy sản đã xuất hiện những sản phẩm mới thay thế với những tên thương mại khác nhau nhưng phần lớn đều có thành phần chính là BKC như: Sản phẩm BKC 80 của Công ty TNHH VIDAVET; BKC-80 của Công ty TNHH Uyên Vi; Cleaner-80 của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam; Peta - BKC của Công ty TNHH Thức ăn và Thuốc thú y thuỷ sản Phiên Tân… có công dụng diệt các loại vi khuẩn, nguyên sinh động vật, nấm trong nước ao nuôi, sát trùng dụng cụ nuôi, bể ương…
Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm khác mà trong thành phần đều có chứa BKC như: VBK; KV- BKC 80; DT-BKC 80; BKC-LH; CKC 80… Thậm chí, công ty TNHH Apollo (Apollo Company) còn phát hành cả tờ rơi giới thiệu hóa chất diệt tảo, rong rêu và vi sinh vật, có tên Benzalkonium Chloride!?
Theo thông tư 15/2009/TT-BNN ngày 17 tháng 3 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm, hạn chế sử dụng và các thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư này thì hoạt chất BKC không thuộc dạng cấm hay hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện tại Nhật Bản cấm sử dụng hoạt chất BKC trong nông nghiệp và hàm lượng tối đa cho phép trong thực phẩm không vượt quá 0,01 ppm.
Nông dân và doanh nghiệp lo lắng
Hiện nay, việc chào bán tràn lan các sản phẩm có nguồn gốc BKC tại các vùng nuôi thủy sản đã khiến không ít nông dân lo lắng. Ông Trần Quang Thành nông dân nuôi tôm ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) tâm sự: “Mấy tháng trước, Trifluralin bị cấm sử dụng nên tôi chưa biết sử dụng hóa chất nào thay thế để xử lý nước ao tôm. Thời gian gần đây, nhiều công ty cho nhân viên tiếp thị chào hàng các sản phẩm mới có thành phần chính là BKC và được cho là thay thế được Trifluralin. Tôi mừng nhưng cũng hơi lo vì không biết có ảnh hưởng gì đến thị trường xuất khẩu tôm như Trifluralin vừa qua hay không?”.
Mới đây, VASEP cũng tỏ ra quan ngại và đã khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu kiểm tra chặt chẽ hoạt chất Benzalkonium Chloride trong nguyên liệu đầu vào cũng như sản phẩm thủy sản thành phẩm trước khi xuất khẩu.
Cần xem xét việc sử dụng BKC trong nuôi thủy sản
Diễn biến thị trường xuất khẩu thủy sản thời gian qua cho thấy, vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng và đóng vai trò quyết định đến sự tăng trưởng kim ngạch của toàn ngành, trong đó thị trường Nhật Bản ngày càng trở nên “khó tính” hơn. Mà cụ thể là cuối năm 2010, sự cố Trifluralin đã gây “sóng gió” đến hoạt động xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của nhiều doanh nghiệp tôm Việt Nam.
Trên thực tế, thời gian qua chưa có lô hàng thủy sản nào của Việt Nam bị phía Nhật cảnh báo về hoạt chất BKC . Tuy nhiên, hoạt chất này hiện đang bị cấm sử dụng trong nông nghiệp ở Nhật và việc sử dụng hoạt chất này trong nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng tăng mạnh.
Vì vậy, để không xuất hiện thêm sự cố tương tự như Trifluralin và kịp thời ngăn chặn trước khi các sản phẩm này tràn lan trên thị trường và vùng nguyên liệu, các cơ quan Nhà nước cần nhanh chóng có sự tìm hiểu sâu hơn các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nước nhập khẩu, từ đó có sự xem xét để quyết định việc cho phép hay cấm việc sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hoạt chất BKC trong nuôi trồng thủy sản.
Trong năm 2010, theo VASEP, Nhật Bản nhập khẩu 897 triệu USD, chiếm 17,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam và chỉ đứng sau Mỹ. Hiện Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam sau EU và Mỹ với khối lượng nhập khẩu trong tháng 1 đạt 9.627 tấn, trị giá 68,451 triệu USD.
Theo các tài liệu khoa học, Benzalkonium Chloride là muối amôni bậc 4 dãy đơn, có hoạt động bề mặt rất mạnh và có thể dễ dàng đi vào thành hoặc màng của mầm bệnh để phá huỷ nguyên sinh chất và phân tử prôtêin của mầm bệnh cũng như giết các loại sinh vật đơn bào, virut, nấm, tảo và mốc.
Benzalkonium Chloride có tác dụng tẩy trùng, diệt tảo, vi sinh vật, nấm trong bể bơi và trong môi trường, tẩy uế cho các vật dụng cầm tay, các loại da tay, màng nhầy và các công cụ khác. Chúng còn được sử dụng để tẩy uế trong nghề nuôi trồng thuỷ sản và nuôi các loại gia cầm, hoặc sử dụng như chất khử mùi, kết bông trong xử lý nước thải. Chúng cũng được sử dụng như thuốc diệt khuẩn trong hệ thống nước của lĩnh vực dầu mỏ, chất chống ăn mòn, chất sát trùng, tẩy uế và chất tẩy sơn bùn trong công nghiệp tuần hoàn nước.
Trong nuôi trồng thủy sản, Benzalkonium Chloride có tác dụng diệt khuẩn cao, dùng để tẩy mang trong trường hợp vật nuôi bị bệnh mang đen, phòng và trị các bệnh do vi khuẩn gây ra như: đứt râu, rụng đuôi, nò đen, bệnh nấm và nguyên sinh động vật như Zoothamnium.