Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh phải thực hiện tốt vai trò là nền tảng và động lực đưa Tiền Giang phát triển nhanh và bền vững
(Ngày đăng: 06/08/2012)
Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; bởi vì KH&CN vừa là động lực, vừa là lực lượng trực tiếp sản xuất vật chất. Đảng ta đã khẳng định: "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải bằng và dựa trên khoa học và công nghệ".

Hơn 30 năm qua, cán bộ, công chức, viên chức ngành KH&CN của tỉnh đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong những năm qua, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ khoa học và Công nghệ, sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, hoạt động KH&CN đã không ngừng phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững. GDP của tỉnh tăng bình quân 11% /năm (giai đoạn 2005-2010).

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành đã nghiên cứu tuyển chọn, ứng dụng giống cây trồng và vật nuôi mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong nuôi trồng, nhằm tăng năng suất, chất lượng và hạn chế dịch bệnh; triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện một số trái cây đặc sản của tỉnh; xây dựng mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như lúa, vú sữa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, khóm, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, cá tra theo tiêu chuẩn SQF 1000CM ; xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh,... đã được chứng nhận và đang mở rộng ra các lĩnh vực khác.

Trong sản xuất công nghiệp, ngành KH&CN đã làm tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý chất lượng quốc tế và tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia; bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nhất là đã hình thành chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện sản phẩm chủ lực, tập trung đưa KH&CN thúc đẩy các sản phẩm, các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, triển khai các dự án ứng dụng công nghệ mới,... Hỗ trợ triển khai Chương trình tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các đề tài nghiên cứu đã góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử truyền thống dân tộc, địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, đẩy mạnh áp dụng Bộ tiêu chuẩn ISO trong các cơ quan hành chính, giải pháp thu hút đầu tư, phát huy dân chủ cơ sở,...  

Nhìn chung, hoạt động KH&CN trong những năm gần đây đã chuyển dần đưa các sản phẩm đặc sản có thế mạnh của tỉnh, phát triển theo hướng mở rộng về quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng theo hướng an toàn, bảo vệ và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và hội nhập.

Nguồn nhân lực KH&CN không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng và trình độ, thực hiện tốt chức năng tham mưu trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước kịp thời và phù hợp với điều kiện của địa phương.

Bên cạnh các thành tựu đạt được, hoạt động KH&CN tỉnh ta trong thời gian qua cũng còn những hạn chế, cần sớm khắc phục như: Công tác tham mưu, đề xuất các chính sách đẩy mạnh các hoạt động KH&CN tại địa phương trong thời kỳ hội nhập còn chậm và chưa đồng bộ. Một số ngành, địa phương chưa xem KH&CN là nội dung quan trọng, là yếu tố quyết định thành công trong việc xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án,... của ngành, địa phương mình. Sự chuyển hướng hoạt động KH&CN theo hướng ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu, hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN theo cơ chế thị trường chuyển biến còn chậm; đặc biệt trong hoạt động nghiên cứu triển khai còn nặng về quản lý theo kiểu hành chính. Hoạt động thông tin, phổ biến các thành tựu KH&CN đến người sản xuất chưa kịp thời.  Một số đề tài nghiên cứu hiệu quả chưa cao, khi nghiên cứu xong thì triển khai gặp khó khăn, do không đủ kinh phí hoặc đã lạc hậu so với tình hình, nhiệm vụ mới,...

Do vậy, trong thời gian tới, ngành KH&CN cần có những giải pháp tích cực để khắc phục những tồn tại nêu trên; đồng thời nâng cao khả năng nghiên cứu, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế và xu thế hội nhập. Ngành KH&CN tỉnh phải thực hiện tốt vai trò là nền tảng và động lực, để góp phần đưa tỉnh Tiền Giang phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IX đã đề ra.

Sở Khoa học và Công nghệ cần phối hợp cùng với các ngành tham mưu UBND tỉnh có Chương trình phát triển KH&CN đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó tập trung một số định hướng lớn.Trước nhất là tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển KH&CN như: Chính sách phát triển tiềm lực KH&CN đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tới (bao gồm nguồn nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ, cơ sở thí nghiệm, các tổ chức KH&CN, đa dạng nguồn tài chính...); đề xuất chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế nghiên cứu áp dụng thành tựu KH&CN, đổi mới công nghệ phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới; chính sách áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chính sách bảo hộ và quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp ...

Quy hoạch và hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực các tổ chức hoạt động KH&CN chung của tỉnh và các tổ chức chuyển giao KH&CN chuyên ngành, đưa các tổ chức này phát triển theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hướng đến hình thành doanh nghiệp KH&CN, thực hiện tốt hoạt động chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất.

Tăng cường các dự án hợp tác quốc tế về KH&CN, tiếp thu chọn lọc những thành tựu KH&CN phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời qua đó đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực chuyên môn quản lý và nghiên cứu KH&CN.Đổi mới hoạt động, đa dạng hóa hình thức thông tin KH&CN đảm bảo kịp thời đến người sản xuất, người tiêu dùng, biến nguồn lực thông tin thành nguồn lực sản xuất; hình thành rõ nét thị trường KH&CN. Tăng cường liên kết, phối hợp nghiên cứu về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, kịp thời tham mưu cho tỉnh các giải pháp phù hợp điều kiện địa phương.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên không chỉ là trách nhiệm của ngành KH&CN mà đòi hỏi tất cả các ngành, các cấp chính quyền phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành KH&CN; phải xem phát triển KH&CN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các ngành, các cấp, các doanh nghiệp,... cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH&CN. Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tăng cường phối hợp với Sở KH&CN cùng các ngành tỉnh tập hợp, phát huy tài năng các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh; đồng thời làm tốt công tác tư vấn, phản biện, góp ý cho tỉnh trong các hoạt động KH&CN.

Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang
website Tiền Giang
Tin liên quan