Các tàu khai thác hải sản hành nghề lưới đèn, câu mực thường có công suất lớn, đi xa bờ. Các tàu này có hai giàn đèn chiếu sáng hai bên hông để dẫn dụ cá, mực khi đánh bắt ban đêm. Hàng đêm, để thắp sáng những bóng đèn này mỗi tàu phải tiêu tốn 100 - 200 lít dầu diesel. Đó là một chi phí không hề nhỏ trong tổng chi phí một chuyến biển của ngư dân. | |
Bóng đèn LED |
Các nhà khoa học đã làm một cuộc nghiên cứu, khảo sát và sửng sốt thấy rằng nhiên liệu dầu cung cấp cho chiếu sáng dẫn dụ hải sản chiếm tới hơn 50% tổng chi phí vận hành của mỗi đợt ra khơi. Công nghệ truyền thống bằng các loại đèn dây tóc, halogen, huỳnh quang, compact... thường ngốn một lượng năng lượng khổng lồ, làm tăng gánh nặng chi phí cho ngư dân. Một dự án triển khai công nghệ chiếu sáng dẫn dụ cá bằng đèn LED tại Việt Nam sẽ là giải pháp hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường.
Triển vọng công nghệ
Hiện trạng việc sử dụng đèn metal halide dẫn dụ cá thông thường đang tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ cho ngành đánh bắt thủy sản. Với loại thuyền đánh cá dưới 10 tấn, đã phải sử dụng tới 50 bóng đèn, tiêu thụ hết 81 kW điện mỗi giờ đánh bắt. Tàu 29 tấn tiêu thụ 120 kW/giờ đánh bắt và con số này là 132 kW cho tàu 69 tấn. Chi phí cho đèn này cũng rất cao vì chúng có tuổi thọ thấp (650 giờ).
Trong khi đó, đèn LED có tuổi thọ tới 100.000 giờ và chi phí năng lượng cho LED thấp hơn 10 - 12 lần so với đèn truyền thống. Nhờ việc giảm đáng kể trọng lượng hệ thống ballast của giàn đèn truyền thống và trọng lượng dầu phải mang theo tàu để phát điện mà công nghệ này mang lại mối lợi khổng lồ. Các nghiên cứu trên tàu đánh bắt cá kiếm, cho thấy năng lượng được tiết kiệm đạt tới 86,7%, tương đương với 2.800 USD/tháng. Ngoài ra chất lượng đánh bắt nhờ ánh sáng LED cải thiện rõ rệt với số lượng cá thu được gia tăng 24,5%. Trên tàu đánh bắt mực, năng lượng tiết kiệm chỉ ở mức 40,1% quy tương đương 1.700 USD/tháng tuy vậy sản lượng mực thu được lại vượt trên 41,6%. Ánh sáng LED cũng phù hợp hơn với sinh lý cá. Hiện nay, Ông Lê Trọng Đỉnh - chủ tịch HĐQT tập đoàn quốc tế Kim Đỉnh, chính là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ dẫn dụ hải sản bằng LED.
Ánh sáng đèn LED |
Chong đèn - chi phí cao
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 1.450 tàu đánh bắt hải sản, trong đó có 125 tàu hành nghề lưới đèn, 101 chiếc dùng đèn để hành nghề câu mực và 85 chiếc tàu khác cũng trang bị đèn phục vụ cho thu mua, vận chuyển giữa biển khơi. Phần lớn các tàu dùng giàn đèn để dẫn dụ mực, cá thường là các tàu có công suất lớn, đánh bắt trên biển dài ngày nên hao phí nhiên liệu cho đánh bắt chủ yếu cho việc thắp sáng giàn đèn vào ban đêm.
Thường các tàu đánh bắt hải sản trong tỉnh trang bị hai giàn đèn với 25 - 50 bóng cao áp có công suất lớn, loại 1.000 watt/bóng. Do vậy để thắp sáng đèn, chong suốt đêm, ngư dân phải dùng máy phát điện chạy bằng diesel có công suất 45 - 50 Kw, thậm chí cao hơn, nên hàng đêm họ phải tiêu tốn 100 - 200 lít dầu diesel dùng cho việc thắp sáng.
Theo các chuyên gia trong ngành Thủy sản, khoảng 65% chi phí cho dầu diesel của ngư dân đánh bắt xa bờ là để chong đèn thắp sáng dẫn dụ cá. Nếu làm bài toán đơn giản, cả tỉnh Tiền Giang có 301 chiếc tàu dùng đèn chong để dẫn dụ cá thì mỗi đêm, chỉ riêng dầu diesel đã hao phí 30 - 60 tấn.
Cả nước có hơn 100.000 chiếc ghe tàu đánh cá, trong đó có 15.000 ghe tàu công suất lớn (loại trên 90 mã lực) có dùng đèn. Nhiều chiếc tàu công suất lớn, dùng đèn cao áp công suất lên tới 1.500 watt, hao phí dầu diesel để phát điện có thể lên tới 300 lít/chiếc. Nếu tính ra thì đó quả là một chi phí khổng lồ mà ngư dân phải gánh chịu.
Thực tế hiện nay đối với nghề khai thác Thủy sản lưới đèn, gần như toàn bộ bóng đèn cao áp đang sử dụng trong dẫn dụ cá của ngư dân là thế hệ đèn công nghệ Sodium (cùng loại với đèn đang sử dụng trong chiếu sáng công cộng), chỉ phục vụ chiếu sáng thông thường và có cùng một bước sóng ánh sáng. Trong khi việc dẫn dụ cá thì từng loại cá, mực, sống tầng nông hay sâu phải được dẫn dụ bằng ánh sáng ở nhiều bước sóng khác nhau.
Theo các chuyên gia, thì chỉ 20% năng lượng ánh sáng của các giàn đèn là có hữu ích cho dẫn dụ cá, còn lại 80% là lãng phí. Đó là chưa kể đèn cao áp chỉ thích hợp cho chiếu sáng công cộng, trong khi mức độ nhiễm mặn trong không khí ở biển cao, nên tuổi thọ của đèn thấp.
Mặt khác, dùng nhiều dầu diesel không những làm tăng chi phí cho các chủ tàu khai thác Thủy sản mà còn tạo ra khói, cặn nhớt có thể gây ô nhiễm môi trường biển.
Giải pháp thay thế
Hiện nay, nghề đánh bắt thủy sản xa bờ trên thế giới như: Nhật, Hàn Quốc,… gần như toàn bộ các tàu đánh cá xa bờ đều đã thay thế đèn cao áp trong dẫn dụ cá thông thường bằng đèn công nghệ Leds (Light Emitting Diodes), tiết kiệm được năng lượng, giảm chi phí, bớt gây ô nhiễm môi trường biển và đặc biệt, năng suất đánh bắt tăng lên đáng kể, nhờ đèn Leds được thiết kế nhiều loại khác nhau, có các bước sóng ánh sáng khác nhau để dẫn dụ cá.
Theo nghiên cứu của Tập đoàn Kim Đỉnh (Kidi Group), một doanh nghiệp đang đưa công nghệ đèn Leds vào dẫn dụ cá ở nhiều doanh nghiệp đánh cá lớn ở các tỉnh, với tàu sử dụng 40 bóng đèn cao áp, giàn đèn có trọng lượng 400 kg, tiêu thụ 200 lít dầu diesel/ngày tương đương 170 đô la Mỹ/ngày. Khi thay thế bằng 100 bóng đèn Leds, trọng lượng giàn đèn chỉ còn 125 kg và lượng dầu tiêu thụ tụt xuống mức 30 lít/ngày, tương đương 25 đô la Mỹ/ngày. Với thời gian đi biển xa bờ 20 ngày/tháng, lượng nhiên liệu tiêu thụ từ 4.000 lít dầu/tháng giảm xuống còn 600 lít dầu/tháng nhờ công nghệ Leds. Có nghĩa là mỗi đợt đi biển, 1 con tàu công suất lớn có thể tiết kiệm tiền dầu gần 3.000 đô la Mỹ nếu dùng hệ thống đèn dẫn dụ theo công nghệ Leds. Mỗi kWh điện sản xuất bằng máy phát chạy dầu thải vào khí quyển 891 g CO2. Lượng dầu 3.400 lít tiết kiệm mỗi tháng còn mang thông điệp to lớn khác về môi trường giảm phát khí thải 3.026 tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Thời gian qua, Kidi Group cũng đã thử nghiệm ở Công ty đánh cá Nam Triệu, Hải Phòng. Kết quả cho thấy, một chiếc tàu lớn, 1 đêm dùng 200 lít diesel để thắp sáng với đèn thường thì nay, thay bằng đèn Leds, hao phí dầu chỉ còn 20 - 25 lít. Hiện một dự án sử dụng công nghệ dẫn dụ hải sản bằng đèn Leds đang được Kidi Group thực hiện với Công ty đánh cá Nam Triệu, lồng ghép vào dự án “Điện Mặt trời đảm bảo an toàn đi biển và nâng cao khả năng đánh bắt hải sản” của Viện vật lý TpHCM (Solarlab).
Ngoài ra, dùng đèn Leds có ý nghĩa về mặt bảo vệ môi trường, khi lượng dầu diesel tiết kiệm được trong một chu kỳ đi biển của một chiếc tàu là 3.400 lít, tương đương với giảm phát thải hơn 3 tấn khí carbon gây hiệu ứng nhà kính. Còn ngư dân thì được lợi vì giảm hao phí nhiên liệu, tiết kiệm tiền mua bóng đèn, bởi tuổi thọ của đèn cao áp thông thường trong môi trường trên biển chỉ 3 - 4 tháng, trong khi đèn Leds có tuổi thọ tới 100.000 giờ.
Hiện nay, Kidi Group và Solarlab đang triển khai các dự án hỗ trợ ngư dân thay thế đèn dẫn dụ cá công nghệ Sodium bằng đèn Leds ở Tiền Giang, Hải Phòng và Nha Trang. Tại Tiền Giang, Kidi Group sẽ hỗ trợ cho hai tàu đánh bắt cá 100% bóng đèn Leds để “trình diễn mô hình hiệu quả” cho bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh tận mắt chứng kiến.
Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi giá các sản phẩm thủy sản khai thác chưa ổn định như hiện nay, thì giải pháp tiết kiệm chi phí là điều quan trong hàng đầu giúp ngư dân khai thác thủy sản có lãi. Do đó, trong thời gian tới, để ngành khai thác Thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả hơn thì các địa phương cần đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học công nghệ mới, có sự liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là phải tổ chức triển khai các mô hình trình diễn thực tế để ngư dân mạnh dạn áp dụng./.