Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Phản biện: nghe hay không còn tuỳ!
(Ngày đăng: 29/05/2012)

Mỗi năm TP.HCM dành 1,5 tỷ cho công tác phản biện khoa học. Thế nhưng vai trò của phản biện trong khoa học, đời sống khá mờ nhạt. Hiện nay, chỉ có thể xem tư vấn phản biện là góp ý kiến, nghe hay không nghe, sửa đổi hay không lại là quyền...các chủ đầu tư. PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM nói.

Cần mời nhà khoa học nhập cuộc thực tế!

 

 

PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cho biết: Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có cơ chế giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM làm tư vấn, giám định phản biện xã hội; tham gia một số công trình lớn và đã có những ý kiến phản biện.

Thành phố luôn có sự lắng nghe các ý kiến phản biện. Đây là những ý kiến thiết thực rút ra từ cơ sở khoa học nên rất xác đáng nhưng do công tác phản biện còn khá mới nên chưa tạo được nhiều dấu ấn. Hiện số công trình được tư vấn phản biện còn ít quá, chưa phát huy hết hiệu quả của công việc tư vấn phản biện nói chung. Sắp tới, Liên hiệp hội tăng cường công tác này lên vì tính ích lợi của nó.

- Theo ông, để tăng cường tư vấn phản biện giám định xã hội, cần có những cách cụ thể nào?

- Về mặt pháp lý, chúng ta chưa có quy định cụ thể là công trình nào thì cần có giám định phản biện xã hội. Nếu chỉ có quy định về phản biện giám định xã hội nhưng không có tính pháp lý  nhiều thì việc bắt buộc người ta nghe theo mình chỉ một mức độ nào thôi. Và có thể xem tư vấn phản biện như là góp ý kiến, nghe hay không nghe, sửa đổi  hay không lại là quyền các chủ đầu tư.

Chúng ta nên đề xuất cơ chế: với những dự án đầu tư lớn, đặc biệt những dự án đầu tư từ vốn của thành phố thì cần có sự bắt buộc phản biện xã hội. Ngay trong quá trình dự án, công trình ấy thiết kế, khi xây  dựng báo cáo khả thi, trước khi phê duyệt thì cần có phản biện.

 

Vấn đề rác thải được rất nhiều nhà khoa học lên tiếng. Ảnh: V.G.

Nghĩa là, các nhà khoa học cần được bắt tay vào ngay từ những bước khởi động. Thực tế, khi đã  có phê duyệt rồi mới tư vấn phản biện thì vai trò dấu ấn phản biện sẽ rất kém, tác dụng không còn nhiều.

Cá nhân tôi ủng hộ theo hướng ngay từ khi xây dựng ý tưởng dự án, công trình cần mời các nhà khoa học nhập cuộc khởi động luôn để phát huy hết tính năng này.

Không tìm được tiếng nói chung

- Giữa các nhà khoa học và các chủ đầu tư trong nhiều trường hợp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

- Nguyên nhân chính là vì chưa có sự ràng buộc và hiểu nhau. Không cần có quy định pháp lý lớn nhưng cần có những quy định: Khi các nhà khoa học hay tổ chức phản biện đưa ra ý kiến tư vấn phản biện thì phía chủ đầu tư không nên giữ thái độ im lặng mà nên phản hồi sau khi lắng nghe. Kể cả chấp nhận hay không, có đồng ý hay không thì cũng cần nêu rõ tại sao. Khi có sự giao lưu trao đổi qua lại như thế thì vấn đề sẽ rõ.

Trên thực tế, sự giao lưu này còn quá ít. Khi nói tới phản biện thì thường vẫn ít khi tìm được  tiếng nói chung. Nhất là về mặt khoa học, về mặt quan điểm. Mỗi người, mỗi nhóm có thể có một quan niệm, cơ sở lý luận riêng.

Nguyên nhân nữa, từ cách nhìn nhận vấn đề giữa các chủ đầu tư và các nhà khoa học chưa có sự thống nhất. Mà cũng có những trường hợp xảy ra ngay giữa các nhà khoa học còn chưa có sự thống nhất trong quan điểm phản biện.

 

Các nhà khoa học tìm tiếng nói chung trong hội thảo phát huy trí thức Việt kiều, TP.HCM. Ảnh: V.G.

- Giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Các vấn đề khoa học gây ra những quan điểm trái ngược là chuyện rất bình thường. Cách giải quyết là cần có sự giao lưu, bắt tay, cởi mở suy nghĩ để đi tìm hướng giải quyết chứ không nên có cách nhìn nghiêm trọng thái quá.

Nhiều khi trái ngược quan điểm lại là điều tốt, vì khi đặt vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau sẽ có thể xem xét vấn đề toàn diện hơn.

Phản biện khoa học rất cần thiết trên thực tế, các nhà khoa học dựa trên những cơ sở khoa học, là những cơ sở cần thiết khi xây dựng dự án. Trên thực  tế, có thể dễ dàng thấy những dự án lớn khi có ý kiến các nhà khoa học rộng rãi thì có nhiều ích lợi hơn hẳn.

Các nước trên thế giới có nhiều cách làm vấn đề này, nhưng nhìn chung khi xây dựng các đề án dự án, người ta mời các nhà khoa học ngay từ đầu để có những ý kiến về khoa học. Sau khi có ý kiến khoa học người ta mới đi vào thực hiện dự án. Nhà khoa học phải được tham gia ngay từ bước khởi đầu, càng sớm càng tốt. Việc tư vấn phản biện khoa học được sử dụng rất rộng rãi, phổ biến chứ không ít như chúng ta.

Phản biện cần chú ý những yếu tố ảnh hưởng kinh tế, xã hội

- Nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định: mức đầu tư dự án bao nhiêu thì cần có tư vấn phản biện khoa học. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Quy mô đầu tư và quy mô dự án nhiều khi không cùng chiều với nhau. Ví dụ dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vốn đầu tư lên tới trên 1.000 tỷ, nhưng tiền chủ yếu là đền bù giải toả, thực chất đi vào làm mở rộng con đường ít thôi. Bởi thế xét tổng vốn đầu tư không hoàn toàn đúng, đó chỉ là một tiêu chí xem xét. 

Theo tôi nên xét dưới góc độ: những dự án công trình có ảnh hưởng tới môi trường, môi sinh, có ảnh hưởng tới phát triển bền vững xã hội - là những yếu tố ảnh hưởng tới đời sống kinh tế xã hội nói chung.

- Là người đứng đầu cơ quan quản lý khoa học công nghệ, ý kiến đề xuất của ông để đẩy mạnh vấn đề này lên?

- Phản biện giám định xã hội hiện giao cho Liên hiệp hội chủ trì, đó là nơi quy tụ nguồn lực các nhà khoa học. Sở KH-CN là góc độ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, nhưng chúng tôi luôn có sự phối hợp, hỗ trợ.

Hàng năm, Sở vẫn hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác này,  thường xuyên cử các cán bộ cùng tham gia, làm cầu nối giữa các chủ đầu tư và Liên hiệp hội v.v... Chủ yếu là phát huy tính chất cầu nối, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các nhà khoa học phát huy khả năng và đóng góp của mình.

Vinh Giang (Thực hiện)
Vietnamnet
Tin liên quan