Nghề khai thác thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ vốn xuất hiện rất lâu đời và có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, chủ trương hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ được xem là bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia. Tuy nhiên, việc thay mới toàn bộ tàu cá vỏ gỗ sang sử dụng các loại vật liệu sắt, thép là việc làm không dễ thực hiện ngay. | |
Thay vật liệu cho tàu gỗ
Để từng bước thực hiện lộ trình hiện đại hóa tàu cá đánh bắt xa bờ, vừa qua huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã được Thủ tướng Chính phủ chọn làm mô hình thí điểm phát triển tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép để đánh bắt hải sản tại các vùng biển xa. Chương trình thí điểm này là một bước tiến quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa tàu cá, tăng cường khả năng bám biển cho ngư dân, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản ở nước ta, điều quan trọng là phải thực hiện việc thay đổi vật liệu đóng tàu từ gỗ sang các loại vật liệu hiện đại như sắt, thép, composite hay các vật liệu khác gỗ. Bởi để có thể đồng bộ những trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản, tàu cá phải được đóng bằng vật liệu hiện đại. Thực hiện được điều này là một thành quả lớn trong định hướng phát triển khai thác biển, từ đó thay đổi bộ mặt nghề cá nước ta.
Hiện nay, đội tàu đánh bắt cá nước ta hiện nay có khoảng 132 ngàn chiếc, trong đó có khoảng 23 ngàn tàu khai thác xa bờ nhưng phần lớn những tàu này chưa được trang bị hiện đại, an toàn dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp. Chỉ riêng Tiền Giang, toàn tỉnh có hơn 1.400 tàu cá đang hoạt động, trong đó có hơn 800 tàu cá đánh bắt xa bờ với vật liệu vỏ gỗ và sử dụng những trang thiết bị khai thác, bảo quản lạc hậu.
Trong khi đó, để đóng mới hoặc thay thế các tàu vỏ gỗ khai thác xa bờ này cần phải có một lượng gỗ rất lớn, dẫn đến nạn chặt phá rừng, từ đó góp phần làm biến đổi khí hậu, gia tăng tình trạng lũ lụt ở vùng hạ nguồn. Chính vì vậy, chủ trương khuyến khích ngư dân hiện đại hóa đội tàu đánh bắt và làm dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ bằng các vật liệu sắt, thép không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa dân sinh, tác động tích cực trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Chuyển đổi tàu cá vỏ gỗ sang hiện đại là cần thiết nhưng
không dễ làm ngay (Ảnh chụp xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, TG)
Không dễ làm ngay
Theo tính toán của một số cơ sở đóng tàu cá vỏ gỗ trên địa bàn Tp Mỹ Tho (Tiền Giang), tổng chi phí để đóng một con tàu vỏ gỗ 400 mã lực hiện nay khoảng 3,2-3,5 tỷ đồng. Trong khi đó, theo mức giá đóng tàu mà Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinashin) công bố, để hoàn thành một con tàu bọc thép 400 mã lực thì chủ tàu cần phải có trên 4,5 tỷ đồng. Đây là một khoảng cách khá lớn về chi phí đầu tư có thể dẫn đến khó thu hút ngư dân nếu không có chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các chi phí bảo dưỡng, duy tu các tàu cá vỏ sắt, thép cũng cao hơn rất nhiều so với tàu vỏ gỗ. Hoạt động tàu cá trên biển cũng có một số bất ổn do trọng tâm tàu thay đổi khi chuyển từ vách hầm bảo quản cá bằng gỗ sang các vật liệu bằng kim loại. Ông Huỳnh Hữu Trí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, tàu vỏ gỗ có khả năng chịu mặn tốt nên có thể hoạt động trên biển liên tục trong suốt 12 tháng mới cần lên ụ (đưa tàu tới cơ sở sửa chửa) để duy tu, bảo dưỡng, trong khi đó tàu vỏ sắt, bọc thép chịu mặn kém hơn nên chỉ khoảng 6 tháng là phải tiến hành bảo dưỡng, khiến chi phí đánh bắt tăng cao.
Đó là chưa kể một số hạn chế nhất định trong hoạt động đánh bắt, bảo quản sản phẩm thủy sản khi ngư dân đã quen với việc sử dụng tàu vỏ gỗ. Do đó, cần phải nghiên cứu khắc phục một số điểm yếu này để tạo sự ủng hộ cao trong ngư dân. Tuy nhiên, theo TS Ðinh Khắc Minh, Viện Khoa học Công nghệ Tàu thủy Việt Nam, tàu vỏ gỗ gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn cho ngư dân và hiệu quả đánh bắt không cao. Do đó, nhiều ngư dân rất đồng tình với chủ trương đóng mới tàu cá vỏ thép, bởi giá thành tàu không quá cao, đồng thời Nhà nước có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi.
Chủ trương chuyển đổi tàu cá vỏ gỗ sang sắt, thép cũng đã được Chính phủ thể hiện rõ qua việc chỉ cho phép nhập khẩu tàu cá vỏ thép theo quy định tại Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản, thay vì cho phép nhập khẩu cả tàu cá vỏ gỗ và vỏ thép theo như quy định trước đây.