Đó là một trong những giải pháp quan trọng mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề ra tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2011 và đón nhận Huân chương Lao Động hạng Nhất tổ chức hôm qua (6.1) ở TPHCM. Nguyên nhân, đầu năm 2012 này đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy việc xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn... | |
Sẽ mất thị phần
Tại hội nghị, hàng loạt DN xuất khẩu gạo lớn đã không ngớt than thở khi đầu năm mới nhưng giao dịch gạo hết sức trầm lắng. Theo ông Lâm Anh Tuấn (GĐ Cty Thịnh Phát) nếu như cách đây một tháng giá lúa lên 7.500 đồng/kg hiện chỉ còn 5.800 đồng/kg. Còn giá gạo đã rớt trên 2.000 đồng/kg so với 1 tháng trước. Ông Lê Việt Hải (GĐ Cty xuất nhập khẩu Mêkông - Cần Thơ) khẳng định, lúc này, nếu DN có hạ giá bán xuống 400USD/tấn cũng không có ai mua.
Đáng lưu ý, tại thị trường Châu Á và Châu Phi, nơi chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, theo VFA, khả năng năm nay Việt Nam có thể mất tới 20% thị phần gạo phẩm cấp thấp tại Châu Phi, do vấp phải cạnh tranh quyết liệt từ Ấn Độ. Hiện Ấn Độ đang tồn kho lớn, khoảng 60 triệu tấn nông sản các loại, trong đó trên 26 triệu tấn gạo. Nên khả năng 6 tháng đầu năm 2012, Ấn Độ sẽ tăng cường cạnh tranh bán gạo ra với giá thấp.
Bên cạnh đó, Myanmar cũng tuyên bố đẩy mạnh xuất khẩu gạo giá thấp trong năm 2012 này.
Bởi vậy, theo ông Trương Thanh Phong (Chủ tịch VFA), nếu gạo cấp thấp tiếp tục tăng lên trong năm 2012 sẽ khó tiêu thụ, vì không thể nào cạnh tranh với giá gạo cấp thấp của nhiều nước có thế mạnh. Cần lưu ý rằng, năm 2011 vừa qua, xuất khẩu gạo cấp thấp Việt Nam đã bị giảm 61%, trong khi gạo chất lượng loại 5% tấm tăng gần 20% và gạo thơm tăng hơn 100%.
Giải pháp không mới
Trước tình hình này, hàng loạt các ý kiến đưa giải pháp vẫn... không mới. Các DN cho rằng, VFA cần đề xuất Chính phủ cho áp dụng biện pháp tạm trữ sớm để giá lúa không giảm xuống, làm ảnh hưởng đến nông dân.
Tất nhiên, đại diện VFA gật đầu cho hay, hiệp hội cũng đã có kế hoạch với 2 phương án để tiến hành thu mua lúa gạo tạm trữ nếu giá lúa trong nước xuống thấp. Trường hợp tiêu thụ lúa gạo chậm, giá lúa có giảm nhưng chưa ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân, hiệp hội sẽ chỉ đạo các DN thành viên can thiệp ngay bằng cách tiến hành thu mua lúa gạo tạm trữ, để giá lúa không xuống dưới 5.000 đồng/kg. Nếu giá lúa ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận nông dân, VFA sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về chính sách để DN tham gia thu mua lúa gạo tạm trữ. Hiện nay Bộ Tài chính tính giá thành bình quân sản xuất lúa của nông dân có tính cả yếu tố trượt giá (9%), thì giá thành 1kg lúa gần 4.400 đồng, nông dân sẽ có lãi 30%.
Giải pháp khác, nhiều ý kiến cho rằng, DN phải thống nhất giá bán, phải theo điều hành chung của tổ điều hành xuất khẩu gạo, thống nhất giá sàn và thị trường, tránh tình trạng vì lợi ích cục bộ của vài cá nhân làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung. Tất nhiên đại diện Bộ Công Thương đồng tình. Hơn thế nữa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết: Bộ sẽ xử lý thích đáng các DN đăng ký giá xuất khẩu một đằng bán một nẻo, kiên quyết không để giá xuất khẩu xuống thấp do các DN đẩy giá xuống không có lợi cho nông dân.
Cuối cùng, VFA cho hay, nhiệm vụ trước mắt của hiệp hội vẫn là... cố gắng giữ những thị trường truyền thống, đặc biệt là Philippines. Để “lấp chỗ trống” thị phần thị trường Châu Phi, các DN sẽ đẩy mạnh xuất gạo phẩm cấp cao, gạo thơm sang khu vực Tây Phi, Trung Quốc cùng một số nước Châu Á... Cần lưu ý rằng năm 2011 lượng gạo chất lượng cao đã tăng vọt, gạo thơm đạt 472.000 tấn - tăng gấp đôi so với năm 2010.
Theo báo cáo xuất khẩu gạo của VFA, năm 2011, cả nước xuất khẩu đạt 7,105 triệu tấn gạo với trị giá 3,507 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Dự kiến trong năm 2012 sẽ xuất khẩu từ 6,5-7 triệu tấn gạo các loại. Theo VFA, trong năm 2011 người trồng lúa lãi tới 50%. |
Theo Lao Động