Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Cần dự báo cung - cầu chính xác
(Ngày đăng: 31/07/2012)
Trước thông tin Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dừng chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ lúa hè thu 2011 làm người trồng lúa lo ngại giá lúa gạo ở ĐBSCL giảm mạnh và gặp khó trong tiêu thụ. Tuy nhiên, gần đây giá lúa gạo tại ĐBSCL đang nhích lên và đứng ở mức cao. Tại TP Cần Thơ, hiện đã cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu và phần lớn nông dân đã bán được lúa...

* Doanh nghiệp than thiếu nguồn?

So với cách nay 1 tháng, hiện giá lúa gạo đã tăng 200-400 đồng/kg. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL (như: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang...), hiện giá lúa IR50404 phơi khô ở mức 5.800-6.000 đồng/kg; còn lúa hạt dài 6.000-6.400 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu xuất khẩu đang được nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu mua mức 8.200-8.550 đồng/kg. Giá lúa gạo tăng do gần đây các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua gạo để đảm bảo giao kịp tiến độ theo các hợp đồng đã ký. Theo nhiều hàng xáo, hiện nguồn cung lúa gạo tại ĐBSCL vẫn còn nhiều, vì nhiều tỉnh trong vùng còn một diện tích lớn lúa hè thu đang trong quá trình thu hoạch hoặc sắp thu hoạch.

Tại TP Cần Thơ, đến thời điểm này, hầu hết các diện tích lúa hè thu 2011 đã được thu hoạch và phần lớn nông dân đã bán được lúa. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Đến ngày 27-7-2011, TP Cần Thơ đã cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu, với hơn 93.000ha, năng suất bình quân đạt hơn 5,6 tấn/ha. Nhiều nông dân sau khi thu hoạch đã bán hết lúa hè thu và lúa trong dân còn không nhiều. Do đó, VFA ngưng thu mua lúa cũng không ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ lúa của nông dân thành phố”. Theo chị Ngô Thị Hương, tiểu thương thu mua lúa ở huyện Thới Lai, ở vùng Thới Lai và Cờ Đỏ đã thu hoạch lúa hè thu xong, đồng thời đã xuống giống lúa vụ 3 được khoảng 1 tháng. Vì vậy, chị phải xuống vùng dưới như: Sóc Trăng, Bạc Liêu đang vô thu hoạch rộ để mua lúa về xay gạo bán lại cho doanh nghiệp ở Thới Lai.

Theo ông Phạm Minh Xo, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến Lương thực Cái Răng (thuộc Công ty Lương thực Sông Hậu) gần đây, giá lúa gạo tăng cao nhưng xí nghiệp cũng khó mua hàng do lúa ở TP Cần Thơ hầu như đã hết nguồn. Trong khi đó, giá thu mua gạo lức nguyên liệu của nhiều doanh nghiệp tại các địa phương khác ở ĐBSCL đang ngang bằng với giá thu mua của xí nghiệp, nên các hàng xáo ưu tiên bán hàng tại chỗ nhằm giảm chi phí vận chuyển. Dự kiến khoảng 2 tuần nữa, xí nghiệp mới có thể có thêm nhiều nguồn hàng để thu mua, khi lúa bước vào thu hoạch ở một số địa bàn thuộc các tỉnh như: Sóc Trăng, Bạc Liêu... nơi có điều kiện giao thông đường thủy thuận tiện nối với xí nghiệp.

* Nông dân đảm bảo lợi nhuận

Ở những vụ hè thu trước, nông dân TP Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL khi vừa thu hoạch lúa xong đã tranh thủ bán ngay để trang trải tiền phân bón, thuốc trừ sâu mua chịu ở các đại lý vật tư nông nghiệp và chi tiêu trong gia đình... Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến giá bán lúa của nông dân, vì họ không có điều kiện trữ lúa chờ thời điểm giá cao mới bán. Một thực tế khác là chất lượng lúa hè thu thấp hơn vụ đông xuân, nên nông dân ngại trữ lúa. Còn vụ hè thu 2011, nông dân Cần Thơ rất phấn khởi vì lúa dễ tiêu thụ và hầu hết nông dân đều đạt lợi nhuận.

Tuy chưa bán lúa được với giá thật cao như mong muốn, nhất là nông dân tại các vùng sâu, điều kiện giao thông hạn chế, nhưng theo tính toán của nông dân, giá lúa hè thu đã tăng ít nhất 1.500 đồng/kg so vụ trước và năm nay lúa lại trúng mùa. Với ruộng lúa đạt năng suất từ 30 giạ/công (20kg/giạ) trở lên, nông dân lời khoảng 1 triệu đồng/công trở lên. Chị Dương Thị Bút, ở ấp Thới Quang A, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Cách nay 1 tháng, tôi thu hoạch xong lúa hè thu là bán ngay được giá 5.500 đồng/kg (lúa tròn: IR 50404) để trả tiền phân bón. Nhiều nông dân ở đây cũng như tôi, thu hoạch xong không trữ lúa lại do áp lực phải trả tiền vật tư. Mặt khác, không có kho chứa lúa mà trữ bằng bao dễ bị chuột cắn phá dẫn đến hao hụt”. Theo chị Bút, khoảng tuần nay, ở Thới Lai có thương lái thu mua lúa với giá 6.200 đồng/kg đối với lúa dài, lúa tròn mua thấp hơn một ít, những nông dân còn “neo” lúa đợt này sẽ có lời cao hơn.

Mặc dù hàng xáo và các doanh nghiệp cho rằng, giá lúa tăng là do nguồn cung hạn chế, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều địa phương chưa thu hoạch xong vụ lúa hè thu. Bên cạnh đó, một số nông dân có điều kiện đã trữ lúa lại chờ giá tăng thêm, nên đã tạo ra sự khan hiếm nguồn cung cục bộ. Theo lý giải của một số nông dân, họ trữ lúa vì cho rằng giá lúa sẽ tăng trong thời gian tới và không sợ tình trạng lúa khó tiêu thụ như các năm trước. Anh Lê Văn Sang ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện ở đây hầu hết bà con đã thu hoạch lúa hè thu, bán lúa xong và đã sạ lại lúa vụ 3. Gia đình tôi có 5 công ruộng, lúa của tôi đạt năng suất khoảng 32 giạ/công, lúa sạ giống IR50404 nhưng có nhiều thương lái đến hỏi mua với giá 5.700 đồng/kg. Với giá này tính ra tôi đã lời trên 1 triệu đồng/công. Nhưng vì dự tính trữ lại chờ tới tháng 9, tháng 10 bán sẽ có giá hơn nên tôi chưa chịu bán”. Thực tế cho thấy, khi giá lúa giảm, nông dân ùn ùn bán và giá càng giảm thêm, còn lúc giá tăng thì không ít nông dân có tâm lý trữ lại chờ giá. Điều này vô hình trung đã góp phần làm cho thị trường đôi lúc phản ánh thiếu trung thực, giá lúa tăng chưa hẳn do cạn nguồn cung.

Theo các chuyên gia, sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với nhiều rủi ro từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Thời gian qua, giá lúa gạo và nhiều loại nông sản luôn có những biến động khó lường, ngay cả các doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lúa gạo cũng không dự đoán trước được. Các chuyên gia cho rằng, nếu nông dân không đủ điều kiện dự trữ lúa khi thu hoạch xong, gặp thời điểm thuận lợi về giá nên bán để giảm tổn thất. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải đưa ra dự đoán cung- cầu chính xác doanh nghiệp cũng cần dự đoán cung- cầu chính xác đảm bảo có lợi cho nông dân và doanh nghiệp.

Văn Công-Anh Khoa

baocantho
Tin liên quan