Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Liên kết sản xuất tốt, cơ hội phát triển bền vững
(Ngày đăng: 31/07/2012)
Chỉ 5 năm gắn bó với cây thanh long, chú Võ Ngọc Diệp (ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo) đã biến vườn của mình thành một trong những mô hình kiểu mẫu về sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, GAP, được một số đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan.

“Khi chuyển đổi sang trồng thanh long, tôi không nghĩ là sản xuất theo hướng an toàn và bây giờ là theo GlobalGAP như thế này đâu. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ chuyển đổi cây trồng nào hiệu quả so với lúa là tốt rồi”- chú Võ Ngọc Diệp tâm tình như thế. Và cây thanh long đã được chú lựa chọn sau nhiều năm trồng nhãn không mang liệu quả kinh tế.

 

Trước khi bắt tay vào trồng, chú Diệp lặn lội ra tận Bình Thuận để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, cách làm của những nhà vườn kỳ cựu ngoài đó. Sau chuyến đi, chú rút ra được một số điều là điều kiện tự nhiên về nước, đất ở Bình Thuận không bằng Chợ Gạo (mùa khô thiếu nước ngọt sản xuất) nhưng cái hay của nơi này là được chính quyền hỗ trợ rất mạnh, Nhà nước bỏ tiền tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho dân, hỗ trợ vốn nông dân…Vì thế, họ rất giỏi về kỹ thuật sản xuất như tạo ra những trái thanh long có độ đồng đều, kỹ thuật cho trái, cách sử dụng phân bón hiệu quả bằng cách tăng cường bón phân hữu cơ và giá cả cũng ổn định hơn. Trong khi nông dân mình, mỗi người làm mỗi kiểu, làm theo quán tính, thậm chí có người còn giấu kỹ thuật sợ người khác học sẽ tranh bán giá cao với mình.

 

Giai đoạn đầu, chú gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ tính ham học hỏi, trao đổi với những nhà vườn có kinh nghiệm ở nhiều nơi để tích lũy kinh nghiệm. Kết quả của những năm tháng mài mò áp dụng theo phương pháp mới, chỉ sau vài năm trồng, thanh long đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong những vụ đầu, vườn thanh long 1 ha của chú cho thu nhập sản lượng khoảng 20 tấn, lãi khoảng 150 triệu đồng/năm. Nhưng từ đây chú nhận ra, hiệu quả kinh tế vẫn chưa đủ. Muốn sản xuất mang lại hiệu quả bền vững không chỉ tính đến hiệu quả kinh tế trước mắt mà phải nghĩ đến lâu dài, bền vững. Và sản xuất theo hướng an toàn là hướng đi tất yếu phải đến. Những kỹ thuật về bón phân hữu cơ, kỹ thuật tạo ra sản phẩm đồng đều…được tích lũy lâu nay giờ có cơ hội áp dụng. Chất lượng trái thanh long của cũng vì thế được nâng lên. Sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn được tuân thủ nghiêm ngặt và đã trở thành điểm tham quan của một số đoàn công tác trong và ngoài nước.

 

Theo kết quả phân tích ngày 15-5-2009 của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đối với mẫu trái thanh long của vườn chú Diệp, TS.Nguyễn Minh Châu, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, nhận xét, trái thanh long ngọt hơn, võ dày hơn, thịt mềm hơn vườn đối chứng của Viện.  Tiến thêm một bước, khi các mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP triển khai, chú Diệp hưởng ứng ngay; bởi qua thời gian gắn bó với cây thanh long, chú hiểu rằng, bà con mình canh tác thanh long mỗi người mỗi kiểu, chất lượng không đồng đều, mẫu mã không giống nhau, số lượng khi quá nhiều, khi lại quá ít, đầu ra khó khăn dễ bị thương lái ép giá. Sản xuất chưa đúng kỹ thuật, thiếu liên kết là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Không còn đường nào khác phải cải thiện thôi. Trong căn chòi giữ vườn thanh long, chú treo ngay tấm bảng ghi ngày phun thuốc, bón phân, thời điểm tắt đèn ngày rút râu…. “Phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Dù bận nhiều việc nhưng khi đến thời điểm thực hiện khâu nào theo hướng dẫn kỹ thuật là phải ngưng các việc khác lại. Bởi, những việc khác có thể để lại lúc sau làm, còn riêng áp dụng các khâu sản xuất theo quy trình này thì không thể chậm được”- chú Diệp nói.

 

Sau sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là vấn đề liên kết trong sản xuất. Chú lại ra sức vận động bà con tham gia tham gia vào tổ hợp tác thanh long Lương Phú (xã Lương Hòa Lạc). Kết quả, tháng 5-2009, Tổ hợp tác thanh long Lương Phú được thành lập do anh làm Tổ trưởng. “Hướng tới phải vào tổ hợp tác thôi. Bà con mình phải sản xuất theo quy trình thống nhất để sản xuất ra sản phẩm thống nhất về mẫu mã và chất lượng; bảo đảm về lượng sẽ có cơ hội bán giá cao hơn”- chú Diệp bày tỏ. Theo chú, nông dân mình còn hay giấu nghề, sợ các nhà vườn khác “ăn cắp” kỹ thuật ảnh hưởng đến giá bán của mình. Đó là cách nghĩa sai lầm. Chú nghĩ, chỉ khi nào mọi người cùng áp dụng quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm tốt thì thương lái mới không dám ép giá, giá trị trái thanh long sẽ nâng cao, lúc đó giá cả sẽ ổn định hơn, không bị cảnh “được mùa rớt giá”. Còn chỉ một mình biết và áp dụng thì giá trị thanh long cũng không thể cao và đầu ra bấp bênh vẫn là câu chuyện dài nhiều tập. Điều này lý giải vì sao, chỉ ngần ấy năm gắn bó với cây thanh long, vườn thanh long của chú đã được nhiều nhà vườn ở Bình Thuận vào tham quan. Cách đây không lâu, vườn của chú tiếp Đoàn của Malaysia đến tham quan do Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam hướng dẫn. Mới đây, Đoàn công tác của Hoa Kỳ đến khảo sát và cấp mã số vườn sản xuất thanh long xuất khẩu vào Hoa Kỳ cho tổ hợp tác. Riêng, chú được Công ty CP Chiếu xạ An Phú (Bình Dương) chọn chú là đại diện thu mua trái thanh long cho công ty.

 

Dù nhiều khó khăn về đâu ra hiện tại, nhưng chú vẫn nghĩ đây là hướng chủ đạo nhà vườn phải hướng tới. Bởi đơn giản, sản xuất theo GlobalGAP, cây sẽ khỏe hơn, chất lượng trái tốt hơn. Hiện nay, các công ty đến thu mua đều hỏi giấy chứng nhận GlobalGAP, chúng ta chưa đáp ứng được. Vấn đề là chúng ta phải sản xuất thật tốt để đáp ứng yêu cầu của khách. Và may mắn là trong Festival trái cây Việt Nam tại Tiền Giang năm 2010 vừa qua, Tổ hợp tác thanh long Lương Phú đã được ngành nông nghiệp chọn mời tham dự triển lãm trái cây và  chú Diệp được tôn vinh Nhà vườn sáng tạo. Chú hy vọng, đây là cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu cho loại trái cây đặc sản này của tỉnh.

Ngô Văn
Tin liên quan