Thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2006 nêu rõ: Thuốc lá nguy hiểm chết người dưới mọi hình thức hay vỏ bọc. Sức khỏe của người dân Việt Nam suy giảm và Nhà nước đang chịu nhiều phí tổn về mặt kinh tế do tác hại của thuốc lá. | |
Tuy nhiên, thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong có thể phòng tránh được. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng chống tác hại của thuốc lá. Để có cơ sở lý luận trong thực hiện phòng chống tác hại thuốc lá, xin mời quý độc giả theo dõi trao đổi giữa TS. Lý Ngọc Kính - Chuyên gia cao cấp Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá với phóng viên tạp chí Thuốc & Sức khỏe. - Thưa Tiến sĩ, có phải tình hình sử dụng thuốc lá hiện nay rất đáng lo ngại? - Đúng vậy, hiện nay trên thế giới có khoảng 3 tỷ người hút thuốc lá, 84% số người sống tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, gần một nửa nam giới (49%) hút thuốc, tỷ lệ này còn cao hơn ở người trẻ từ 25 đến 45 tuổi (65%). Tỷ lệ hút thuốc ở nông thôn cao hơn thành thị, người nghèo có tỷ lệ hút thuốc cao hơn người giàu. Chỉ có dưới 2% nữ giới hút thuốc, nhưng phụ nữ và trẻ em lại chịu tác hại của việc hút thuốc thụ động với mức độ cao, 2/3 phụ nữ thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà. Thời gian hút thuốc thụ động trung bình là 26 phút/ ngày. - Xin Tiến sĩ cho biết tác hại của thuốc lá trên sức khỏe người hút so vói người không hút? -
- Thưa Tiến sĩ, có phải người không hút nhưng hít phải khói thuốc, tức là hút thụ động, cũng bị ảnh hưởng tới sức khỏe? - Đúng vậy, hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc trong môi trường không khí, bao gồm khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy và khói thuốc do người hút thuốc thở ra. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc chứa nhiều chất độc gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Chính người hút thuốc cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi hít khói từ đầu thuốc đang cháy tỏa ra. Lượng khói mà người hút thuốc thải ra không khí chung quanh gấp 5 lần lượng khói người hút thuốc hít vào. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với việc hút 5 điếu thuốc một ngày. Về ảnh hưởng của hút thuốc thụ động với sức khỏe, theo CDC hút thuốc tự động làm tăng 20 - 30% nguy cơ ung thư phổi. Theo Cục bảo vệ Môi trường California ước tính, hút thuốc thụ động hàng năm gây ra 3.400 ca tử vong vì ung thư phổi và từ 22.700 đến 69.7000 ca tử vong vì bệnh tim ở Mỹ. - Thưa Tiến sĩ, đa số phụ nữ và trẻ em là những nạn nhân trực tiếp của khói thuốc lá, xin Tiến sĩ cho biết ảnh hưởng của hút thuốc thụ động đối với bà mẹ và trẻ em? - Theo Leonard - Bee JA và cộng sự, thai phụ hút thuốc thụ động làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân (dưới 2500 g). Thai phụ hút thuốc hay hít phải khói thuốc lá làm tăng nguy cơ thai chết lưu, sẩy thai, con sinh ra thiếu cân, kém thông minh do gây ra các biến chứng ở nhau thai. Khói thuốc là yếu tố nguy cơ gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Trẻ em hút thuốc thụ động dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp cấp và mạn, tăng tỷ lệ mắc và tăng mức độ nặng của bệnh hen phế quản, tăng nguy cơ bị viêm tai giữa cấp và mạn tính; làm giảm sự phát triển chức năng phổi; - Như vậy, số người tử vong do thuốc lá cũng cao, phải không ạ? - Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp thuốc lá là nguy cơ thứ hai trong số 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển. Theo dự báo của WHO, đến năm 2020, số người chết vì sử dụng thuốc lá trên thế giới sẽ nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại. Ước tính ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến hút thuốc; đến năm 2030, con số này tăng lên đến 70.000 ca mỗi năm. - Thưa Tiến sĩ, có phải chi phí cho việc khám và chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là gánh nặng xã hội? - Tại các nước phát triển, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm 6 - 15% tổng chi phí y tế. Tại Việt Nam, tổng chi phí xã hội cho 3 bệnh (ung thư phổi, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) trong tổng số 25 bệnh do hút thuốc gây ra là 1.160 tỷ đồng mỗi năm. - Thưa Tiến sĩ, để bảo vệ sức khỏe người dân chúng ta phải làm gì? - Chúng ta cần thực hiện khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới về việc thực hiện môi trường không khói thuốc. Không có mức độ an toàn trong việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động, mọi hệ thống thông khí hoặc lọc khí đều không có hiệu quả bảo vệ mọi người khỏi tác hại của việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Việc phân chia khu vực dành riêng cho người hút thuốc và người không hút thuốc trong môi trường khép kín trong nhà đã được chứng minh là không có hiệu quả trong việc bảo vệ người khỏi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Xây dựng môi trường 100% không khói thuốc là cách duy nhất có hiệu quả để giảm mức phơi nhiễm với khói thuốc. - Xin cảm ơn Tiến sĩ về những thông tin bổ ích trên. |
|
Quỳnh Viên thực hiện - Thuốc & Sức khỏe, số 405, 1 - 6 - 2010, tr 8 |