Sầu riêng có tên khoa học là Durio zibethinus, họ Malvaceae. Tên quốc tế thường gọi là Durian. Cây có nguồn gốc từ Mã Lai, được trồng để lấy trái ăn (vỏ trái phơi khô dùng làm thuốc). Người ta cho rằng ăn Sầu riêng rất bổ đối với trẻ em. Ngày nay Sầu riêng được trồng rộng rãi ở nhiều nước châu Á, đặc biệt ở Việt Nam, Thái Lan, nhiều nhà trồng trọt còn lai tạo để cho ra nhiều giống chỉ có cơm mà không hạt hoặc hạt rất lép. Người châu Á gọi đây là “Vua của các loại trái cây”. Họ còn tin rằng trái Sầu riêng “có mắt”, có thể nhìn thấy nơi hoặc vị trí mà nó có thể rơi xuống, và không bao giờ rụng vào ban ngày vì ở thời điểm này nó có thể làm cho con người bị thương. Trái Sầu riêng thường nặng trên 1 kg lại mang nhiều gai nhọn nên khi rơi xuống nếu trúng người nào thì có thể gây thương tích trầm trọng. Người Indonesia vẫn tin tưởng rằng ai nhặt được một trái Sầu riêng rụng ban ngày thì coi đó như được một “điều may mắn bất ngờ” hoặc được một “tài sản”, nhưng dù sao họ cũng đặt những dấu hiệu cảnh báo mọi người không nên đi lại hoặc ngồi dưới gốc Sầu riêng vào ban ngày cũng như đêm vì dễ nguy hiểm đến tính mạng. | |
Theo tài liệu của cụ Việt Cúc, có ghi lại như sau: vỏ Sầu riêng (còn gọi là Lưu liên quả), vị đắng, tính ấm, tác dụng tiêu thực, liễm hãn, ôn phế chỉ khái, dùng chữa ho lao, sao đen cầm máu, chữa đầy bụng, khó tiêu, cảm sốt. Lá và rễ cây còn làm thuốc chữa cảm sốt, viêm gan, vàng da, sắc uống hoặc nấu lấy nước tắm. Thịt trái ăn rất ngon và bổ, hạt nấu chín hoặc nướng ăn cũng ngon và bùi. Mỗi ngày 10 - 12 g dạng sắc. Trái ăn không tính liều lượng.
Trái Sầu riêng có những nét đẹp riêng nên Singapore đã tốn trên tỷ đô la Singapore để thiết kế hình dạng cho một nhà hát, đó là Nhà hát Esplanade trên vịnh Marina là niềm tự hào của người dân đảo quốc sư tử Singapore. Họ gọi nhà hát với cái tên thân mật “Trái Sầu riêng” vì thiết kế độc đáo. Tên gọi này cũng tự nhiên trở thành “ngôn ngữ quốc tế”. “Nhà hát Sầu riêng” là một trung tâm biểu diễn nghệ thuật “hoành tráng” nhất của đảo quốc Singapore. Trái Sầu riêng cũng gắn liền với biểu tượng văn hóa của nhiều nước như tại Hồng Kông, giám đốc hãng phim Fruit Chan 2000 dựng nên phim mang tên “Durian Durian”. Biệt danh của Jakarta Indonesia là “The Big Durian”. Thái Lan cũng lấy tên “Durian” đặt cho một trong những cơn bão xuất hiện trong năm 2006. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vở kịch nói mang tên “Lá Sầu riêng” cũng một thời làm rơi lệ không biết bao nhiêu khán giả hâm mộ. Nói chung trái Sầu riêng rất quen thuộc với mọi người trên thế giới. Vào thập niên 1960, tại Davao, Philippines, người ta đã trồng được từ hạt một loại Sầu riêng không có gai, tuy nhiên một số vùng họ có thể làm cho Sầu riêng không còn gai bằng cách gọt bỏ bớt lớp gai nhọn ngoài vỏ khi trái Sầu riêng mới bắt đầu trưởng thành.
Theo tài liệu y học cổ truyền của các nước như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, và Trung Quốc ghi nhận tính dược của Sầu riêng như sau:
- Cơm trái có tác dụng trị giun sán, nước sắc của lá và rễ có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, chữa vàng da, dịch chiết từ lá và hoa còn có tác dụng chống sưng và làm lành các bệnh ngoài da. Vỏ trái đốt thành tro cho các sản phụ uống sau khi sinh để làm sạch máu dơ trong người. Trong lá có chứa hydroxy tryptamin và một chất dầu như mù tạc. Cơm trái còn có chứa các hợp chất indol có tác dụng kìm khuẩn.
- Sầu riêng được coi là thực phẩm dùng để khôi phục sức khỏe cho những người ốm yếu, suy nhược. Trong thành phần của trái có chứa nhiều đường và tinh bột (khoảng 34%), nhiều khoáng tố vi lượng như Ca, P, Fe, protid, lipid, caroten (vitamin A), sinh tố nhóm B, đặc biệt hàm lượng vitamin C và E rất cao (23 - 25%), lượng calori 144. Nhờ vitamin E cao nên Sầu riêng còn được xem như một thực phẩm có tác dụng gây hưng phấn tình dục và kích dục. Vì vậy trái Sầu riêng còn được xem là biểu tượng của “tình yêu”.
Vào những năm 1920, ở thành phố New York có xuất hiện một sản phẩm mang tên “Indian Durian”, được xem như một loại thực phẩm chức năng được chế biến từ cơm trái Sầu riêng và một loài Allium của Ấn, chính nhờ lượng vitamin E cao trong sản phẩm này, nó được xem như một loại thực phẩm dùng để cung cấp năng lượng, giúp cho sảng khoái, chống mệt mỏi và làm cho tinh thần trẻ trung, cơ thể cường tráng, mạnh mẽ, chữa yếu sinh lý, tinh trùng và noãn kém phát triển, nữ dễ bị sẩy thai, hiếm muộn, vô sinh.
- Y học truyền thống Trung Quốc dùng Sầu riêng để trị chứng đổ nhiều mồ hôi, họ đổ nước vào vỏ trái rỗng sau khi ăn rồi lấy nước uống, một cách khác nữa là họ ăn chung Sầu riêng và Măng cụt để tăng tác dụng thanh nhiệt làm mát cơ thể.
- Người Java ở Indonesia tin tưởng nhiều vào tính gây hưng phấn tình dục của Sầu riêng, nhiều câu nói bóng gió để ám chỉ tính “kích dục” của Sầu riêng. Nhiều nhà triết học Swedenborgial cũng ghi nhận tính chất này từ những năm đầu của thế kỷ 20 và cũng có nhiều cảnh báo chống lại những ý tưởng quá tôn sùng loại trái này trong chuyện phòng the.
Tuy nhiên cũng có nhiều tác dụng phụ khi ăn Sầu riêng:
- Phụ nữ có thai hoặc những người có huyết áp cao không nên ăn Sầu riêng.
- Những người tỳ vị yếu cũng không nên ăn nhiều vì dễ gây đầy tức bụng, khó tiêu.
- Do Sầu riêng có nhiều đường nên dùng nhiều sẽ sinh nhiệt, nóng trong người như nổi mụn, tiểu vàng; người bệnh đường trong máu cao cũng không nên ăn nhiều.
- Một khuyến cáo nữa cần chú ý là không nên ăn Sầu riêng cùng lúc với các thức uống như cà phê hoặc bia rượu, kết quả này được công bố vào thế kỷ 18 bởi nhà khoa học Rumphius, cho thấy xuất hiện những rối loạn tiêu hóa và hơi thở xấu. Năm 1929, J.D. Gimlette cũng cảnh báo không được dùng Sầu riêng khi uống rượu brandy; năm 1981, J.R. Croft cũng trình bày trong một tài liệu thực vật học của ông ghi nhận Sầu riêng làm cho con người ta có cảm giác “như sắp chết” khi vừa ăn Sầu riêng xong, rồi sau đó không lâu lại uống một loại chất có cồn. Theo báo cáo của Đại học Tsukuba, vì trong Sầu riêng có chứa một lượng lớn dầu có sulfur gây ức chế hoạt động của men aldehyd dehydrogenase, nguyên nhân dẫn đến 70% chất oxy hóa trong tế bào không được chuyển hóa và từ đó gây độc cho cơ thể.
- Hiện nay cũng có nhiều nguồn tin cho rằng Sầu riêng được bơm thuốc kích thích cho mau chín nên thay vì có theo mùa thì bây giờ trái có quanh năm, vì vậy cũng cần cảnh giác khi ăn loại trái này. Mùi Sầu riêng thơm và được dùng làm hương liệu trong các món kem, bánh kẹo rất phổ biến nhưng vẫn có người không chịu được mùi này nên Sầu riêng vẫn bị cấm mang theo trên máy bay và các phương tiện giao thông công cộng…