Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Đổi mới cơ chế tài chính để giữ cán bộ y tế giỏi
(Ngày đăng: 30/07/2012)
(Chinhphu.vn) - Bộ Y tế đang đề xuất cơ chế tài chính nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập hoạt động và phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường, cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo nguồn tài chính để tăng thu nhập hợp pháp cho cán bộ y tế nhằm giữ người tài, người giỏi và phát triển nguồn nhân lực.

Bộ Y tế đề xuất ngân sách bảo đảm 100% Quỹ tiền lương cơ bản, chi phí duy tu, sửa chữa thường xuyên nhà cửa, cơ sở hạ tầng đối với các đơn vị KCB thuộc nhóm 3, 4 tuyến huyện.

Thực tế, bên cạnh những thành tựu, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngội đối với cán bộ y tế (trong đó có các loại phụ cấp) còn chưa phù hợp, tương xứng với thời gian học tập, công sức lao động và môi trường, điều kiện làm việc, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn, nên dẫn đến tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế (chủ yếu là cán bộ có chuyên môn khá, giỏi) từ miền núi, vùng khó khăn về đồng bằng, đô thị; từ khu vực công lập ra khu vực ngoài công lập.

Nhiều bác sỹ, dược sỹ ra trường không công tác tại các cơ sở y tế mà ở lại làm công việc khác tại các thành phố lớn, gây lãng phí xã hội...

Do vậy, cần phải chi trả tiền lương và thu nhập hợp lý cho cán bộ y tế, bảo đảm tái sản xuất sức lao động, tiền lương phải được kết cấu dần trong giá dịch vụ để thúc đẩy năng suất, chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế, gắn tiền lương với chất lượng, hiệu quả công việc.

Ưu tiên ngân sách cho các đơn vị không có nguồn thu, hoặc nguồn thu thấp

Theo đề xuất của Bộ Y tế, đối với kinh phí chi hoạt động thường xuyên, thực hiện theo nguyên tắc khuyến khích các đơn vị có điều kiện thu viện phí, ở vùng kinh tế xã hội phát triển phải tăng thu để tự bảo đảm toàn bộ hoặc từng phần chi phí hoạt động thường xuyên, để dành ngân sách chi thường xuyên ưu tiên cho các đơn vị không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dân số kế hoạch hóa gia đình; bao gồm: Tiền lương cơ bản, các khoản đóng góp (Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) cho công chức, viên chức theo quy định chung và kinh phí chi cho các hoạt động chuyên môn thường xuyên, phòng chống dịch bệnh.

Tính đến hết năm 2009, 100% số xã và 86,8% số thôn, bản đã có cán bộ y tế hoạt động.

Số xã có bác sỹ làm việc đạt 65,1%, trên 65% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia.

Trên 80% số trạm xã (9.446 xã) đã thực hiện khám chữa bệnh ban đầu cho người có thẻ bảo hiểm y tế.

Riêng đối với các bệnh viện, do hiện nay, tiền lương vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng chi của các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện huyện, các bệnh viện ở miền núi, vùng khó khăn – nơi có số thu của các dịch vụ, kỹ thuật y tế rất thấp, chủ yếu là tiền thuốc mà tiền thuốc lại tính theo giá mua vào của bệnh viện (bệnh viện chỉ thu hộ, chi hộ người bệnh – không tính lãi). Nếu tính toàn bộ tiền lương vào giá dịch vụ mà không có hỗ trợ của nhà nước thì giá dịch vụ của các bệnh viện này sẽ cao, trong khi vẫn phải có các bệnh viện tại các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa để làm nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, khám, chữa bệnh cho nhân dân ngay tại địa bàn.

Do vậy, Bộ Y tế đề xuất, đối với các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm 3, 4 tuyến huyện, ngân sách nhà nước bảo đảm 100% Quỹ tiền lương cơ bản, các khoản đóng góp theo chế độ và chi phí duy tu, sửa chữa thường xuyên nhà cửa, cơ sở hạ tầng.  

Đối với các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh thuộc vùng miền núi, Tây Nguyên, ngân sách nhà nước bảo đảm tối thiểu 70% Quỹ tiền lương cơ bản, các khoản đóng góp theo chế độ và chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, cơ sở hạ tầng. Các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh thuộc Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được bảo đảm tối thiểu 30%. Các tỉnh, thành phố còn lại được bảo đảm tối thiểu 50%.

Bảo đảm toàn bộ kinh phí để chăm sóc người bệnh bị tâm thần, lao, động kinh,...

Riêng các đơn vị làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị người bệnh bị bệnh tâm thần phân liệt, bệnh phong; người bị bệnh lao trong trường hợp khám, chữa bệnh lao; người bị bệnh động kinh trong trường hợp khám, chữa bệnh động kinh…, ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị trên cơ sở số lượng đối tượng và mức chi cho các loại đối tượng đơn vị đã phục vụ.

Đồng thời, để khuyến khích các đơn vị đang được xếp loại là đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên chuyển đổi sang loại hình tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên (nhóm 1 hoặc nhóm 2), Bộ Y tế đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần kinh phí vào năm đầu thực hiện chuyển đổi với mức tối đa bằng mức kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ cho đơn vị năm trước liền kề năm chuyển đổi.

Theo phân tích của Bộ Y tế, phương án trên sẽ thực hiện được chủ trương xã hội hoá các hoạt động y tế của Đảng và Nhà nước, huy động được sự đóng góp hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong khám chữa bệnh. Đồng thời, do có sự khác biệt cơ bản về mức viện phí ở các tuyến (do tuyến dưới được hỗ trợ một phần ngân sách nhiều hơn nên cùng một loại dịch vụ thì mức giá ở tuyến dưới thấp hơn so với tuyến trên) nên khuyến khích người mắc các bệnh thông thường điều trị ở tuyến dưới và tuyến cơ sở, góp phần làm giảm mức độ quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt chi phí xã hội ngoài chi phí khám, chữa bệnh của người dân như chi phí đi lại, thăm nuôi...

Bộ Y tế cho biết, các nội dung đề xuất trên của Bộ cũng đã được đưa vào Dự thảo Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Dự thảo này đến nay đã được hoàn tất việc xây dựng nội dung, theo quy trình đang lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Báo điện tử CP
Tin liên quan