(VOV) - Phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành về lĩnh vực an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng gây tranh cãi từ nhiều năm nay, đặc biệt khi tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày càng tăng… | |
Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành về lĩnh vực an toàn thực phẩm” để lấy ý kiến góp ý về việc xây dựng Luật An toàn thực phẩm, dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 8/2009. Ngộ độc vẫn tăng dần đều Mặc dù trong những năm gần đây có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ATVSTP được ban hành nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm trong cả nước cứ tăng dần về số vụ, số người mắc cũng như số tử vong. Nguyên nhân do diện tích rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích; khoảng 17.000 lò mổ không được kiểm soát; 93,9% cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được quản lý về ATVSTP... Từ năm 2004-2008 đã có 906 vụ ngộ độc, trung bình 181,2 vụ/năm, số người bị ngộ độc là 6.036 người/năm, số người chết là 267 người (53,4 người/năm).
Các cơ quan chức năng kiểm tra ATVSTP
Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), mỗi ngày có tới trên 100 tấn hoa quả vào Việt Nam nhưng kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) các loại hoa quả này hầu như không có... Đó chính là một trong những dẫn chứng về những hạn chế, yếu kém về ATVSTP. Thực tế, công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP được giao cho 5 bộ và mỗi bộ chỉ nhận trách nhiệm về phạm vi quản lý được giao nhưng tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý và khi có vụ việc xảy ra thì có tình trạng né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ.
Chồng chéo… mà vẫn hở
PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP, (Bộ Y tế) cho biết: “Phân công trách nhiệm quản lý về lĩnh vực ATTP là một vấn đề vô cùng nan giải, nóng bỏng gây nhiều tranh cãi từ nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Hội thảo bàn về sự giảm bớt đầu mối quản lý trong lĩnh vực này và xác định rõ phân công quản lý Nhà nước về ATTP giữa các bộ, ngành và trách nhiệm của họ, để tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm trong việc quản lý về ATTP”.
Tuy nhiên, theo ông Khẩn, trên thế giới hiện có 2 xu hướng quản lý thực phẩm chính: Cơ quan quản lý thực phẩm độc lập trực thuộc Chính phủ và cơ quan quản lý thực phẩm thuộc Bộ Y tế và có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, ông Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ NN&PTNT) cho biết, tại nhiều nước như: Pháp, Brazil, Australia, Nga…, thường thì Bộ NN&PTNT quản lý ATTP. Theo ông Anh, cần có sự đánh giá trong việc phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP để tìm ra những bất cập, kém hiệu quả để có sự điều chỉnh hợp lý. Cơ sở để phân công quản lý cần dựa vào một số nguyên tắc như: căn cứ vào chức năng quản lý của từng Bộ, ngành; từ tình hình thực tế đang diễn ra và đảm bảo nguyên tắc phân công là không có sự trùng lắp khi mà chỉ có một sản phẩm nhưng lại có quá nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra. Chẳng hạn, để quản lý một sản phẩm từ chăn nuôi đến chế biến, Bộ Y tế là cơ quan quyền lực cao nhất về ATTP có thể can thiệp vào bất cứ công đoạn nào của sản phẩm nếu nó mất vệ sinh.
Ông Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ NN&PTNT) Cơ sở để phân công quản lý cần dựa vào một số nguyên tắc như: căn cứ vào chức năng quản lý của từng bộ, ngành; từ tình hình thực tế đang diễn ra và đảm bảo nguyên tắc phân công là không có sự trùng lắp khi mà chỉ có một sản phẩm nhưng lại có quá nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra. |
Để công tác quản lý ATTP ở Việt Nam đi vào nề nếp, Bộ Y tế đề xuất phương án: Bộ Y tế quản lý thực phẩm nhập khẩu, trừ thực phẩm tươi sống; các cơ sở chế biến thực phẩm; kinh doanh thực phẩm. Bộ NN&PTNT quản lý xuyên suốt từ khâu sản xuất đến nơi tiêu thụ (chợ) đối với thực phẩm tươi sống như: rau, thịt, thủy sản, sản xuất trong nước và thực phẩm tươi sống nhập khẩu. Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT thanh tra, kiểm tra thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Theo ông Khẩn, việc phân công quản lý hiện nay gặp khó khăn lớn nhất là tình trạng sản xuất của chúng ta vẫn rất nhỏ lẻ. Vì vậy, nếu Nhà nước giao cho bộ nào quản lý dứt điểm từ A-Z như các nước khác là tốt nhưng với điều kiện của ta là vô cùng khó./.