Sau khi đọc bài “Quỳnh hoa” số 180 vừa qua, nay ta nghiên cứu một loài Quỳnh nữa, vừa dùng làm cây cảnh, vừa dùng làm thuốc và thực phẩm mà người Á đông rất thích loại trái Xương rồng xanh này. Đó chính là cây Thanh Long. | |
Thanh long (Hylocereus undatus), cùng họ Cactaceae với Quỳnh hoa, thuộc nhóm Quỳnh cho hoa nở về đêm (night blooming Cereus mà người Mỹ gọi là Lê dâu - Strawberry Pear).
Thanh long có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Cây đến với Hawaii vào năm 1830 trong một chuyến tàu chở nhiều loại cây chất lên từ một hải cảng Mexico, trong một chuyến hải hành từ Boston sang Quảng Đông. Khi ghé Hawaii, đa số cây cối bị vứt bỏ vì hư hại, chỉ có Thanh long là chưa chết hẳn nên được cắt thành từng đoạn và thử trồng tại Hawaii. Cây phát triển mạnh và loại xương rồng này trở thành một cây cảnh khắp đảo… mặc dầu tại Hawaii Thanh long cho hoa rất đẹp nhưng ít khi cho trái.
Thanh long thuộc loại thân leo trườn, dài đến 10 m, phân nhánh nhiều, bám vào các giá thể nhờ các rễ phụ rất phát triển. Thân và cành đều màu xanh lục, có 3 cạnh dẹp, mép có gai nhỏ, ngắn (2 - 4 gai ở mỗi mắt thân). Hoa rất to, mọc đơn độc trên cành, đường kính có thể đến 30 cm, màu trắng hay trắng ngà. Hoa có nhiều lá đài và cánh, dính với nhau tạo thành ống. Hoa có rất nhiều nhị. Muốn thấy cái đẹp của hoa Thanh long thì ghé thăm các vườn Thanh long Ninh Thuận, Bình Thuận lúc 19 giờ, nhất là vào các ngày tháng 6 - 7 dương lịch (xem bìa 1). Trái màu đỏ tươi, hồng hay vàng vàng, mọng nước, có nhiều gai mềm do những lá hoa còn lại, đường kính khoảng 10 cm. Vỏ trái rất dễ bóc. Phần thịt màu trắng hồng chứa nhiều hột nhỏ li ti màu đen.
Tại nước ta, Thanh long được trồng thành những khu vực sản xuất lớn để lấy trái tại các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa… Thu hoạch trong những tháng hè - thu. Thanh long cũng như Quỳnh hoa, là cây chịu hạn và cần có chu kỳ quang dài của những ngày mà bà con ta hay nói “tháng năm chưa nằm đã sáng” mới ra nhiều hoa. Do đó, muốn cho Thanh long ra trái quanh năm thì phải chiếu đèn thêm mỗi ngày vài giờ khi trời sắp tắt nắng.
Thành phần dinh dưỡng:
100 gram phần ăn được của trái chứa:
- Chất đạm 0,159 - 0,229 g
- Chất béo 0,21 - 0,61 g
- Chất xơ 0,7 - 0,9 g
- Bột đường 7 - 11,5 g
- Năng lượng 30 - 51 Cal
- Calci 6,3 - 8,8 mg
- Sắt 0,55 - 0,65 mg
- Kali 200 - 215 mg
- Phosphor 30,2 - 36,1 mg
- Beta-caroten (A) 0,005 - 0,012 mg
- Thiamin (B1) 0,028 - 0,043 mg
- Riboflavin (B2) 0,043 - 0,045 mg
- Niacin (PP) 0,297 - 0,430 mg
- Ascorbic acid (C) 8,0 - 9,0 mg
Vài phương thức sử dụng:
- Khi dùng làm thực phẩm: nạc trái Thanh long màu trắng, có vị ngọt, chứa nhiều nước và rất nhiều hột nhỏ màu đen. Thanh long thường được ướp lạnh, bổ làm đôi và dùng muỗng để xúc ăn để tránh chạm tay hay vật dụng bẩn. Nước ép được dùng làm nước giải khát. Từ cả trái, các nhà chế tạo thực phẩm đã làm ra một loại xi rô dùng tạo màu cho bánh và kẹo. Nụ hoa chưa nở có thể nấu ăn như rau.
- Theo đông y: trái Thanh long có vị ngọt, nhạt, tính mát; có tác dụng “thanh nhiệt”, “nhuận phế” chỉ khái, hóa đàm; tác dụng vào các kinh mạch thuộc phế và vị. Thận, có tác dụng “thư cân”, “hoạt lạc” và giải độc. Do đó trái Thanh long được dùng để giải nhiệt và giúp nhuận trường, trị táo bón. Hoa Thanh long dùng trị ho, sưng cuống phổi, sưng hạch bạch huyết. Thân Thanh long dùng đắp trị phỏng, ung nhọt…
- DS. Phan Đức Bình đã có nghiên cứu, cho thấy hoa Thanh long có tác dụng hạ đường huyết rất tốt. Cách dùng: hái 1 - 2 hoa sắp nở (vào lúc 6 giờ chiều), xắt nhỏ, giã nát, chế nước sôi vào hãm 30 phút để uống mỗi ngày. Có thể chế nước nhì uống vào lúc 9 giờ tối.
- Thanh long là trái cây có sinh khối lớn mà nghèo năng lượng, do đó rất thích hợp cho người muốn giảm cân, chống béo phì. Trước bữa ăn, hãy ăn 1 trái Thanh long (250 - 750 g) sẽ làm đầy bụng bớt khiến không ăn được nhiều, nhờ đó giảm cân. Để chống thèm ăn, đói bụng (vì người thừa cân, người bệnh tiểu đường hay đói bụng) thì ăn 1/2 - 1 trái Thanh long sẽ hết đói bụng mà không hại sức khỏe.