TT - Một đặc điểm của hè năm nay là đã có rất nhiều đơn vị, đoàn thể tổ chức trại hè, khóa học rèn luyện kỹ năng sống dành cho tuổi teen, thiếu nhi. Và các bậc phụ huynh cũng đã mạnh dạn “bứt” cục cưng của mình ra khỏi vòng tay bảo bọc, với hi vọng con trẻ sẽ cứng cáp hơn khi đặt chân vào đời... | |
Trại phó hoạt động Huỳnh Anh hướng dẫn các trại sinh vận dụng kỹ năng trại vào tiện ích đời sống (ảnh chụp chiều 16-6) - Ảnh: T.T.D. |
Sáng 16-6, 104 bạn trẻ đã quảy balô lên đường tham dự trại huấn luyện “Teen năng động@.com” do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức.
Khoác bộ “quân phục” vào người, cậu bé Nguyễn Quang Phúc (quận 6) và các “đồng đội” trông chững chạc hẳn ra. Anh Phước, ba của Phúc, và các ông bố bà mẹ bịn rịn đứng nhìn hai chiếc xe đưa các “công chúa”, “hoàng tử” của mình rời xa thành phố. Bấy lâu quen có con bên cạnh nên giờ đây một vài bà mẹ không ngăn được nước mắt chia tay... Sau khi dâng hoa lên tượng đài Bác Hồ, hai chiếc xe trực chỉ hướng Củ Chi, đưa các bạn trẻ bước vào cuộc sống “quân ngũ”.
Đến Trường Thiếu sinh quân TP.HCM, ngay tức khắc trại sinh được “ép” vào nội quy: sinh hoạt đúng giờ, tác phong nhanh nhẹn, không chen lấn, xô đẩy... Chưa hề biết mặt, cứ 5-6 bạn phải ở chung phòng, thế là phải chủ động làm quen nhau. Ngủ trưa chưa đã thì đã nghe hiệu lệnh báo thức, vài bạn tập trung trễ bị nhắc nhở ngay. Quay trái phải, giậm chân tại chỗ, bước đều... Mấy chú bộ đội thiệt là khó, người ta làm động tác hơi sai một chút cũng chỉnh sửa cho được mới thôi.
Tập mệt, chơi thể thao quá sung nên sau khi tắm bạn nào cũng đói bụng. Vài bạn ở nhà quen ăn uống cà kê, giờ phải tăng tốc vì sợ hết cơm. Khác với ở nhà, mỗi trại sinh giờ phải tự giặt quần áo của mình... Bạn Quang Trí (học sinh Trường Trần Đại Nghĩa, quận 1) thú nhận: “Bản tính em hiếu động và hơi quậy, vào môi trường kỷ luật quá nghiêm thế này cũng hơi khó chịu, nhưng mọi người chịu được thì em chịu được”. Là một chiến sĩ của trung đội Tự Tin, sau một ngày hòa nhập môi trường quân ngũ, bạn Quế Hương (Hóc Môn) cho biết: “Tác phong em còn chậm chạp quá, ngày mai em sẽ cố gắng nhanh nhẹn hơn”.
Thầy cũng kém tự tin
Một thầy giáo trẻ dạy môn giáo dục công dân, có nhiều sáng tạo trong phương pháp sư phạm và tâm huyết với nghề, rất được học trò và đồng nghiệp kính nể, nhưng đến khi tham gia một hội trại lớn, thầy bỗng kém tự tin hẳn.
Chỉ vì thầy không biết phải chuẩn bị hành trang tham gia trại gồm những gì, cần gì cho hoạt động trại thầy cũng không có. Chưa kể, do là con trai một trong gia đình kiểu mẫu, thầy được mẹ lo tất tần tật, để đến khi phải dãi nắng dầm mưa theo kiểu rèn luyện của trại, thầy giáo đã không chịu nổi.
Đây không phải là trường hợp điển hình. Nhưng nó chỉ ra một điều: việc tích lũy khả năng chịu đựng để đối phó hay ứng xử với những va đập bên ngoài môi trường sống quen thuộc là cái gì đó chưa thật quen thuộc trong suy nghĩ, hành xử của xã hội ta.
TS Hồ Thiệu Hùng nói rằng giáo dục ở ta quá nặng tính từ chương, các chuẩn mực thi tuyển chỉ căn cứ vào lượng chữ học được ở trường mà không tính tới các giá trị khác.
Một thực tế là rất nhiều sinh viên VN chuẩn bị du học đã phải đến các trung tâm, các đội, nhóm của Đoàn và Hội để xin những chứng chỉ đã tham gia các hoạt động đội, nhóm, công tác xã hội hay các chiến dịch tình nguyện khác vì theo yêu cầu của các trường đại học nước ngoài thì đó là một tiêu chuẩn bắt buộc.
Hoạt động kết bè và tìm cách thoát khỏi hoang đảo của tour “Huấn luyện quý tử” - Ảnh: Hồng Bàng |
Đã nhìn ra chuyện
TS Hồ Thiệu Hùng nói rằng ông cảm thấy vui vì thái độ xã hội đang thay đổi theo chiều hướng tích cực khi đã có nhiều phụ huynh quan tâm hơn đến giáo dục kỹ năng sống cho con em mình. Ông Hùng nói đó là một xu hướng lành mạnh. “Xã hội đã nhìn ra vấn đề - ông Hùng nhấn mạnh - Bộ Giáo dục - đào tạo cũng đã chuyển biến tích cực khi ráo riết chuẩn bị để đưa kỹ năng sống vào trường học”.
PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, chủ tịch Hội Sinh viên VN, đồng tình rằng việc xã hội ta lệch chuẩn trong trang bị kiến thức là có thật, và việc chuyển mình để tìm cách cân bằng giữa học chữ và học kỹ năng sống là tín hiệu tích cực. Cụ thể hơn, ông Vinh nói sinh viên VN thiếu rất nhiều kỹ năng như kỹ năng nói, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tìm việc... Thiếu kỹ năng dẫn đến thất bại khi vào đời trở thành một vấn đề lớn của xã hội.
“Từ TP.HCM, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống đã lan ra rất nhanh khắp cả nước - ông Vinh cho biết - Và tất nhiên, tổ chức Đoàn, Hội không thể đứng ngoài cuộc, dù trước đó chúng ta đã làm và hiện vẫn đang làm”. Hệ thống giải pháp mà ông Vinh nói tới bao gồm việc khuyến khích hình thành những đội nhóm sở thích, rèn luyện kỹ năng thông qua các hoạt động của tổ chức, tìm nguồn nhân lực có nghề về giáo dục kỹ năng sống cho các trung tâm sinh hoạt thuộc hệ thống Đoàn, Hội... Nhưng ông Vinh cũng băn khoăn: “Sự thật, theo ước tính của tôi, cũng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thực tế”.
Ở một góc nhìn khác, trưởng bộ môn tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, TS Huỳnh Văn Sơn nhận định không phải là lạc quan hoàn toàn trước xu hướng này. Quan ngại đầu tiên, theo ông Sơn, vẫn là trào lưu thời thượng vì không phải phụ huynh hay bạn trẻ nào cũng đã ý thức thấu đáo cái mình đang cần, do đó dễ dẫn tới việc thiếu định hướng để rèn luyện gì, bổ trợ gì đúng lúc, đúng món cho con em hoàn thiện. Quan ngại thứ hai là trước nhu cầu lớn của xã hội, việc các trung tâm, trại, khóa huấn luyện về kỹ năng sống nở rộ, trong khi nguồn nhân lực thật sự cho việc huấn luyện lại đang bị bỏ ngỏ.
Sống tự lập, vì cộng đồng
Anh Bùi Thanh Liêm - giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - cho biết:
Dạy và học kỹ năng sống không thể theo cách thuyết giảng một chiều khô khan như phương pháp truyền thống bấy lâu, mà cần tạo môi trường học thuận lợi để người học được thoải mái bộc lộ bản thân, tham gia khám phá kỹ năng, rèn luyện thói quen mới... Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai hàng loạt chương trình giáo dục kỹ năng sống như sống tự lập, hoạt náo, làm việc nhóm, rèn luyện thư giãn, định hướng nghề nghiệp, làm cha mẹ, sống hạnh phúc... Gần nhất là chương trình trại huấn luyện phát triển nhân cách tuổi teen mang tên “Teen năng động@.com”.
Hội trại này kéo dài một tuần (16 đến 21-6) tại hai địa điểm là Trường Thiếu sinh quân TP.HCM và Trường Đoàn Lý Tự Trọng. Chương trình nhằm trang bị nhiều kỹ năng: sống tự lập, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, làm việc nhóm với tinh thần đồng đội, kỹ năng dã ngoại, xây dựng các mối quan hệ, tinh thần vì cộng đồng, hoạch định tương lai... Chúng tôi đặc biệt chú trọng vào các kỹ năng tâm lý - xã hội như quản lý cảm xúc, vượt qua khủng hoảng, phòng tránh xâm hại...
Ban tổ chức hi vọng sau khóa huấn luyện này các bạn trại sinh (13-19 tuổi) sẽ có sự chuyển biến nhất định về nhận thức, thái độ và hành vi trước cuộc sống, tức là có sự thay đổi về mặt nhân cách của mình theo hướng tích cực. Các giáo dục viên không chỉ hướng dẫn mà còn ghi nhận những ưu, nhược điểm và những tiến bộ của trại sinh, từ đó cùng gia đình xây dựng giải pháp phù hợp để phát huy tiềm năng của các bạn trẻ. Rèn luyện kỹ năng sống là một quá trình thường xuyên và lâu dài, cho nên sau hội trại chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động khác để các bạn trẻ có thêm cơ hội thực hành kỹ năng.
Thái Bình ghi