Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Sát thủ mang tên... khói thuốc lá
(Ngày đăng: 30/07/2012)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một nửa những người nghiện thuốc lá sẽ tử vong vì các bệnh liên quan đến hút thuốc. Nguy hại hơn, mỗi năm có hàng trăm ngàn người chưa bao giờ hút thuốc lại bị chết vì các bệnh do hít phải khói thuốc, bởi nó có tới hơn 200 loại hóa chất độc hại. Những bệnh do hút thuốc nhiều nhất là ung thư phổi, ung thư vùng họng, các bệnh tim mạch... Chứng kiến tình trạng bệnh nhân mắc những bệnh này càng thấy rõ hơn sức tàn phá sức khỏe do hút thuốc gây ra.

Với khối u đã xâm lấn màng phổi, kích thước lớn hơn cả tim, bệnh nhân Trịnh Đức Vinh, 59 tuổi vừa được tiến hành phẫu thuật cắt thùy giữa phổi trái và thùy trên phổi phải. Bệnh nhân này cũng như nhiều trường hợp ung thư phổi khác điều trị tại viện K có tiền sử hút thuốc lào, thuốc lá trên dưới 30 năm.

Nghiện thuốc lá dẫn đến ung thư vùng hạ họng thanh quản cũng gặp rất nhiều bởi bề mặt niêm mạc của vùng hô hấp trên tiếp xúc đầu tiên khi hút thuốc, dẫn đến phơi nhiễm bởi những hóa chất độc hại, làm biến dạng tế bào biểu mô lát của đường hô hấp trên từ lành tính thành tổn thương tiền ung thư, rồi chuyển thành ác tính. Có bệnh nhân 52 tuổi nhưng đã có tiền sử hút thuốc từ hơn 30 năm trước: Cứ 3 ngày tôi hút 2 bao. Tôi cũng nghe người ta bảo có hại nhưng vẫn hút...

Vì chủ quan mà bệnh nhân này đến điều trị quá muộn. Khối u ở vùng hạ họng đã xâm lấn diện rộng, nặng hơn là đã chạy từ u ở họng sang hạch ở 2 bên cổ. Tai hại là 80% bệnh nhân đến khoa xạ đầu cổ bệnh viện K trong tình trạng tương tự, tức là đã ung thư ở giai đoạn 3 hoặc 4.

Tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người trực tiếp hút mà còn gây hại cho người hít phải khói thuốc. Chị Nguyễn Thị Tập ở Bắc Giang, là nông dân, bị ho kéo dài 2 năm chỉ tưởng là viêm họng, đến khi ho ra đờm lẫn máu mới đi khám thì phát hiện có u ở phổi. Chị đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u nhưng vì nó đã xâm lấn lá tạng, di căn sang các hạch khu vực nên sau mổ tiếp tục được điều trị bằng hóa chất. Bác sĩ tìm hiểu, xác định căn nguyên thì được biết trong gia đình có chồng chị hút thuốc thường xuyên, mỗi ngày trung bình 1 bao.

Bấy lâu nay, tác hại của thuốc lá vẫn được đề cập, trên mỗi bao thuốc cũng có lời nhắc nhở nhưng dường như chưa có mấy thay đổi tích cực. Nơi công cộng, người ta vẫn cầm trên tay điếu thuốc mà chẳng để ý có biển cấm hút thuốc, mọi người xung quanh thì thờ ơ dù cũng cảm thấy khó chịu khi hít phải khói thuốc. Khẩu hiệu hay lời khuyên, kêu gọi dường như cũng chẳng được mấy người hút thuốc để ý.

Thạc sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi có những dự án đầu tư hỗ trợ cho việc thực hiện không hút thuốc nơi công cộng nhưng chúng tôi gặp khó khăn là không tìm thấy văn bản luật nào quy định về việc này, không có chế tài xử phạt,...nên rất khó đạt mục tiêu của dự án".

Trong khi chưa có chế tài để xử lý việc hút thuốc lá nơi công cộng thì hiện tại, biết là khó những vẫn phải trông chờ vào ý thức, nhận thức của người hút thuốc, đặc biệt những người xung quanh cũng cần lên tiếng kịp thời, tỏ thái độ dứt khoát bởi khói thuốc là mối nguy hại đối với sức khỏe.

Nguyệt Ánh
Tin liên quan