Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tăng học phí phải đi kèm tăng chất lượng giáo dục
(Ngày đăng: 30/07/2012)

(VOV) - Trong phiên họp sáng 30/5, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày Tờ trình Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014.

"Không phải tháng này thu học phí mà tháng sau chất lượng giáo dục được cải thiện ngay. Thế nhưng, sau một năm chất lượng đào tạo phải có sự chuyển biến..." - Trao đổi với VOVNews về Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc tăng học phí ít nhất đã giải quyết được hai vấn đề chưa hợp lý trong khung học phí và cách xác định học phí hiện nay: mức thu trước đã không còn phù hợp do trượt giá và cách tính tính học phí cào bằng giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, giữa các đối tượng.

So với nhiều nước, mức học phí của Việt Nam là rất thấp. Ngay ở Trung Quốc, học phí của sinh viên ĐH trung bình tương đương 14 triệu đồng/năm trong khi ở ta là 1,8 triệu đồng/năm. Mức học phí ở các nước trong khu vực cũng cao hơn và lên tới hàng chục nghìn USD nếu là ở các nước châu Âu.

PV: Tăng học phí được coi là gánh nặng rất lớn với các hộ dân ở nông thôn. Vậy có nên đặt ra gói hỗ trợ học phí cho học sinh từ khu vực này?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Nói đến nông thôn hay thành thị thì vẫn phải phân chia các nhóm thu nhập khác nhau chứ không nhìn cả khối như nhau. Xác định mức học phí, theo tôi, phải trên cơ sở mức trung bình phổ biến nhất ở địa phương.

Hiện nay, chúng ta có một số nhóm đối tượng được nhận học bổng chính sách, học bổng khuyến khích học tập. Theo tôi sắp tới cùng với việc  các trường có thêm thu nhập từ tăng học phí thì cũng cần tăng mức học bổng để khuyến khích học tập.

Trong phiên họp sáng nay (30/5), Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày Tờ trình Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014.

PV: Đề án cũng không đề cập đến việc nguồn vốn cho sinh viên vay để giải quyết chi phí học tập đến nay đã được giải ngân bao nhiêu, hiệu quả thế nào và việc thu hồi nguồn vốn thế nào. Đây có phải là thiếu sót khi chỉ chú ý đến việc tăng học phí mà không có sự đánh giá về vấn đề này?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Trong đề án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chú ý đến việc cho vay tín dụng với sinh viên, học viên các trường dạy nghề. Tuy nhiên cũng chỉ mới nhắc đến việc dự kiến sẽ tăng mức cho vay tương xứng với mức tăng học phí. Còn việc tổng kết cho vay trong thời gian qua thì do mới thực hiện trong thời gian ngắn nên không có. Theo tôi lẽ ra cũng cần có sự tổng kết, ít nhất là ở bước đầu xem khả năng cho vay và trả nợ như thế nào. Với những sinh viên ra trường có công ăn việc làm thì việc trả nợ là không khó nhưng với những em không tìm được việc thì đây cũng là một vấn đề.

PV: Việc đổi mới cả hệ thống giáo dục cần phải được xây dựng từ những chi tiết căn bản nhất để tạo nên bức tranh chung từ đó mới đưa ra phác thảo tổng thể về hệ thống giáo dục nhưng dường như có một số bước đã bị bỏ qua trong đề án này?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Đáng lẽ đề án đổi mới tài chính phải được thực hiện sau khi chúng ta xác định xong chiến lược giáo dục. Nhưng nếu cứ chờ nhau như thế thì không thể nào tiến hành được do chiến lược giáo dục hiện đang phải sửa chữa, chưa hoàn chỉnh. Đề án về Chiến lược giáo dục cũng đang nhận được nhiều ý kiến góp ý. Nếu chờ đợi như vậy thì sẽ nhỡ mất việc. Vì vậy đề án đổi mới tài chính chỉ tính toán trên những phương án lớn. Theo tôi cũng có thể xác định như thế được. Khi chúng ta triển khai đề án thì Bộ cũng như Chính phủ sẽ phải có những quy định chi tiết hơn.

PV: Nhiều người mong đợi khi tăng học phí thì các nhà trường phải cải tiến phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên.  Trong 5 năm tới, liệu khi hoàn tất lộ trình này chất lượng dạy học có thay đổi?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Yêu cầu này rất chính đáng do mục tiêu của đổi mới cơ chế tài chính, trong đó có tăng học phí là để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường nâng cao dần chất lượng giáo dục đào tạo. Nếu tăng học phí mà điều kiện học tập, cơ sở vật chất phục vụ học viên, chất lượng đào tạo không được cải thiện thì nhân dân không thể nào chấp nhận được.

Dĩ nhiên người dân không đòi hỏi tháng này tăng học phí, tháng sau phải khá lên, thậm chí là học kỳ này tăng học phí thì học kỳ sau phải khá lên. Nhưng sau một năm chất lượng đào tạo phải có sự chuyển biến. Từng năm sự chuyển biến phải rõ ràng.

Thực ra nếu đánh giá một cách công bằng thì đổi mới dạy học ở bậc tiểu học là tốt nhất nhưng càng lên cao việc đổi mới càng kém, nhất là ở bậc đại học. Người dân bức xúc nhiều về vấn đề giáo dục do các hiện tượng tiêu cực trong nhiều năm không được chấn chỉnh. Ví dụ việc ép học thêm, chạy trường, chạy lớp... Những bức xúc dồn nén làm người dân cảm thấy chưa hoàn toàn tin cậy.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Cần quản lý chế độ học phí của cả các trường ngoài công lập

PV: Theo ông đề án này cần bổ sung điều gì?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đã từng nói, đề án phải đề cập đến các trường ngoài công lập, phải quy định khung học phí, cơ chế chi tiêu cho các trường này. Các trường ngoài công lập hiện thu học phí rất cao. Theo đề án này, họ có thể thu bao nhiêu tùy thích và chi vào việc gì cũng không thể kiểm soát được.

Vấn đề nữa là trên thế giới người ta không coi giáo dục như món hàng kinh doanh. Các trường tư nổi tiếng thế giới đều là trường phi lợi nhuận. Hiện nay ở ta có hiện tượng các trường ngoài công lập thu học phí nhưng không chi trở lại để đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, cấp học bổng cho sinh viên mà chủ yếu là để chia nhau. Không thể để giáo dục thành món hàng kinh doanh béo bở mà không hề có sự đầu tư cho chất lượng.

PV: Thế còn các dự án đầu tư nước ngoài thì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Chúng ta không thể chấp nhận các dự án đầu tư giáo dục bằng mọi giá. Trường đại học của mình hiện quá nhiều trong khi các trường học nghề có trang thiết bị hiện đại thì rất hiếm. Phải khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào mở trường dạy nghề. Nhưng họ lại không muốn mở loại trường này do đầu tư rất tốn kém. Hiện nhà đầu tư nước ngoài chỉ toàn mở các trường kinh doanh (chỉ rao giảng lý thuyết là chủ yếu) và con em chúng ta khi vào học ở đây thì chỉ thu nhận được tiếng Anh là chủ yếu.

Điều đáng nói nữa là đại bộ phận các trường nước ngoài sang mở ở Việt Nam là trường không tên tuổi, không nằm trong top của bất kỳ xếp hạng nào cả. Có khi còn kém hơn chất lượng các trường ở Việt Nam nhưng lại thu học phí rất cao.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Vũ Hạnh – Bích Lan (thực hiện)
Tin liên quan