Nếu dự thảo của Bộ Tài Chính về quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần, trong đó có lĩnh vực đào tạo, được phê duyệt, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên chuyển trường học thành công ty. | |
Chuyển ĐH thành công ty liệu có nâng được chất lượng dạy và học? Ảnh: Trung Kiên. |
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần, trong đó có lĩnh vực đào tạo. Nếu dự thảo được phê duyệt, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên chuyển trường học thành công ty. Nhiều người lo ngại làm như vậy không thể có chất lượng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trường nào đủ điều kiện thì nên làm.
Chưa nước nào trên thế giới áp dụng
Mục đích dự thảo mà Bộ Tài chính đưa ra là nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương thức quản lý. Nhưng ông Trần Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo của ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM cho rằng, việc chuyển đổi sang cổ phần rất khó đảm bảo chất lượng đào tạo. “Ngay cả các doanh nghiệp còn thất bại, phá sản trong kinh doanh. Trong khi đó chúng ta làm giáo dục chứ không phải để kinh doanh. Nếu một ĐH phá sản thì hệ lụy sẽ ra sao?”, ông Quang băn khoăn.
Chuyển ĐH thành công ty liệu có nâng được chất lượng dạy và học? Ảnh: Trung Kiên. |
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng, Hiệu phó ĐH Nông Lâm TP HCM, khẳng định: “Các công ty cổ phần là doanh nghiệp tạo ra sản phẩm phục vụ con người. Còn giáo dục là tạo ra con người phục vụ, đáp ứng nhu cầu xã hội. Hai điều này khác nhau, vì thế không thể có chất lượng khi chuyển đổi các trường học thành công ty”.
Để được chuyển đổi thành công ty cổ phần, các trường phải đảm bảo có nguồn thu, tự bù đắp các nhu cầu chi, ngân sách nhà nước không phải cấp bù, và đặc biệt phải tự nguyện. Sau khi trở thành doanh nghiệp, các trường sẽ thực hiện cơ chế quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của Luật thuế đối với doanh nghiệp; được tự quyết định mức thu, chi phí dịch vụ để đảm bảo kinh phí hoạt động. |
Tiến sĩ Hùng cho rằng, tại các ĐH, để định giá, chuyển sang cổ phần là cực kỳ khó vì tài sản rất lớn. Trong đó, việc định giá con người (cán bộ, giảng viên của trường) thế nào còn chưa rõ. Và nếu chuyển sang cổ phần thì việc quản lý điều hành trong giáo dục cũng sẽ rối ren. Ngay cả các ĐH tư thục, dân lập hiện nay trong quản lý cũng xảy ra rất nhiều việc ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
“Trên thế giới, chưa có nước nào thực hiện điều này. Giáo dục của ta đang đi sau các nước, nhưng đầu tiên áp dụng chuyển sang cổ phần là rất khó. Giả dụ, khi cổ phần, thu không đủ chi, công tác đào tạo của đơn vị và sinh viên sẽ thế nào?”, ông Quang tỏ ra lo lắng.
Chỉ dựa vào nhà nước thì không đủ kinh phí
Dù còn khá nhiều băn khoăn trước mô hình mới lạ này, nhưng cũng có một số ý kiến ủng hộ từ phía lãnh đạo ĐH. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Việt, Hiệu phó ĐH Kinh tế TP HCM đề xuất, Nhà nước cần xem xét việc phân chia các trường công sang hình thức cổ phần hoặc giữ nguyên. Nếu giữ nguyên, Nhà nước cần đảm bảo cung cấp đủ kinh phí hoạt động như xây dựng cở sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thu nhập của cán bộ công nhân viên, các khoản chi phí thường xuyên khác… và người học không phải đóng học phí.
Các trường chuyển sang cổ phần hóa sẽ có cơ hội mở rộng nguồn thu, trang bị thêm cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu phó ĐH Công nghiệp TP HCM, cho rằng, nên để các trường có đủ điều kiện cổ phần hóa. “Muốn có chất lượng nhưng cứ dựa vào nguồn kinh phí của nhà nước thì không đủ để phát triển”, ông Lộc nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hòa, Hiệu phó ĐH Đà Lạt, lại kiến nghị nên để các ĐH, CĐ có công ty cổ phần, vừa làm công tác đào tạo vừa làm dịch vụ (nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ). Theo phân tích của tiến sĩ Hòa, hầu hết các ĐH trên thế giới áp dụng cách này. Chuyển giao công nghệ chiếm đến 40% tổng kinh phí để hoạt động trường, 60% còn lại là kinh phí từ Chính phủ và tiền học phí.
Tiến sĩ Hòa nói: “Cổ phần hóa sẽ giúp các trường cạnh tranh với nhau để nâng cao chất lượng. Muốn nâng cao chất lượng thì phải có tiền. Mà nếu chờ bao cấp thì mãi không có tiền”. Tuy nhiên, theo ông Hòa, cần có lộ trình để thực hiện công cuộc chuyển đổi này.