"Thương hiệu" còn quan trọng hơn "danh hiệu"
5 năm liền Trường PTDL Lương Thế Vinh có số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông 100%, được xếp hạng ở tốp đầu những trường có tỷ lệ học sinh đỗ ĐH cao nhất Hà Nội.
Tuy nhiên, những học sinh trường chúng tôi vốn có "đầu vào" cao. Đó là một yếu tố thuận. "Đầu vào" cao mà đỗ 100% thì tuy rất mừng, nhưng đáng tự hào hơn là những trường tuyển sinh phải "lấy vét", nhưng học sinh đỗ tốt nghiệp 50% (thực chất). Đó mới là những trường xứng đáng được khen thưởng, vì quan trọng là toàn bộ quá trình tổ chức dạy- học dẫn tới “đầu ra” thực chất.
Đã có một thời, trường nào cũng chỉ mải miết chạy theo danh hiệu, để đạt trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến… Bây giờ, để thực sự phát triển bền vững, các trường không chỉ cần đạt danh hiệu, mà quan trọng là thương hiệu. Trong thời kỳ kinh tế mở này, thương hiệu còn quan trọng hơn danh hiệu.
Muốn đạt tới thương hiệu, mỗi loại hình trường, mỗi trường có cách làm riêng của mình.
Cái gì trường công lập không làm được thì trường ngoài công lập chúng tôi có thể làm được. Sự khác biệt đó được quyết định bởi cơ chế: Một bên cơ chế quản lý cứng nhắc, khép kín, với một bên là cơ chế quản lý mềm dẻo, linh hoạt.
Bệnh của GD bấy lâu nay là bệnh thành tích, là “học giả- dạy giả”, vì thế phương châm điều hành của trường tôi là phải “dạy thật - học thật”. Thầy giáo muốn dạy và dạy thật với khả năng của mình. Học trò muốn học và học thật với khả năng của mình. Đó chính là con đường chấn hưng giáo dục đúng đắn nhất.
Cơ chế "mềm" giải phóng năng lực sáng tạo
Ưu thế của cơ chế mềm dẻo đó tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập biết khai thác tiềm năng, giải phóng năng lực sáng tạo của thầy, trò. Hiệu trưởng được quyền tự chủ điều hành mọi việc miễn sao đáp ứng đầy đủ quy định của Bộ GD- ĐT về số lượng, thời lượng môn học...Hiển nhiên cá nhân hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất với hiệu quả đào tạo của nhà trường.
Bởi vì đây là trường ngoài công lập, không phải do nhà nước đầu tư, nên toàn bộ hoạt động GD phải tính toán thế nào để mang lại hiệu quả. Điều này hiệu trưởng trường công lập không dễ dàng có.
Hiệu trưởng trường công lập điều hành GD bằng tiền của của nhà nước, lại chưa có một thiết chế ràng buộc, kiểm soát nên không thể tự chủ vì như thế dễ dẫn tới tham nhũng. Nhưng họ cũng không phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình vì họ làm việc theo nhiệm kỳ, nếu hậu quả có xảy ra thì họ đã hết nhiệm kỳ rồi.
Mặt khác, cơ chế quản lý GD công lập có những quy định cứng nhắc, bất cập, hạn chế năng lực hiệu trưởng. Họ không có quyền tuyển chọn giáo viên, hoặc đuổi một học sinh không đạt yêu cầu, mà tất cả, nhất cử nhất động đều phải xin ý kiến của sở GD, cơ quan quản lý trực thuộc.
Trong khi mối quan hệ giữa giáo viên, phụ huynh học sinh với trường ngoài công lập chỉ là một bản hợp đồng dân sự. Hai bên chấp thuận được yêu cầu thì ký kết và có thể chấm dứt hợp đồng một cách tự chủ. Giáo viên và học sinh cũng luôn phải cố gắng đáp ứng yêu cầu của nhà trường, nếu không cũng dễ dàng bị thải loại ngay.
Cơ chế mềm này có ưu thế cả với những chủ trương lớn của ngành. Cụ thể: Các trường công lập khi triển khai chương trình phân ban rất vất vả, vì cách quản lý giáo viên khép kín, cứng nhắc, trái lại, ở trường ngoài công lập chúng tôi rất ung dung.
"Chữ tâm, chữ tầm" và bộ máy tinh giản
Trường tôi có quy mô học sinh khá lớn- 3500 em của 105 lớp. Với lượng học sinh đó, ở trường công lập phải có một bộ máy cồng kềnh. Nhưng chúng tôi xây dựng bộ máy quản lý nhà trường tinh giản, với số lượng người tối thiểu nhất để tiết kiệm chi phí, do đó có thể giảm được học phí cho học sinh. Trường có một ban giám hiệu gồm hiệu trưởng, một hiệu phó, ba trợ lý về giáo vụ, một trợ lý về đoàn thanh niên, một số trợ lý khác...tổng cộng khoảng 30 người, điều hành 300 giáo viên (trong đó, 20% là giáo viên cơ hữu, còn lại là giáo viên thỉnh giảng),
Chúng tôi không có họp hành, cũng không bao giờ có chuyện kiểm tra giáo án. Tất cả chỉ căn cứ vào phản ánh của học sinh về chất lượng giờ giảng của thầy, cô: Học sinh có tiếp thu được không, có thấy say mê môn học không? Như vậy giảm được rất nhiều việc vô ích, hình thức, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa khiến cả thầy, cả trò tập trung vào trọng tâm: Dạy thật- học thật.
Muốn lãnh đạo nhà trường thành công, hiệu trưởng- người lãnh đạo GD cơ sở phải hiểu sâu sắc công việc của mình, công việc của thầy, cô giáo, của học sinh. Phải tâm huyết với GD và xác định được mục tiêu của trường mình là gì. Và phải trong sạch, nghiêm minh, công bằng. Người ta đã tranh luận nhiều lần về vấn đề thương mại hóa GD. Tôi cho rằng, cốt lõi để GD làm tốt là ở "Chữ tâm, chữ tầm" của hiệu trưởng, nói chung đó cần phải là người “muốn làm GD” thực sự.
Trường nào cũng có thể thành công nếu…
Trường chúng tôi thành công hơn vì là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên, mở ra trong thời điểm người dân khát khao đổi mới mô hình và cơ chế quản lý GD.
Do cũng được các thầy cô biết, nên tôi tập hợp được một đội ngũ tâm huyết, có năng lực, họ tin ở cách điều hành và mục tiêu phát triển trường nên các thầy, cô làm việc tự giác, dễ dàng đồng thuận với ban giám hiệu. Đó là điều khiến tôi tâm đắc nhất.
Vấn đề quyết định là có môi trường làm việc vui vẻ, công bằng, biết tôn trọng và tạo điều kiện cho các thầy, cô cống hiến. Quan điểm của tôi, nhà trường là nơi đào tạo học sinh từ “nguyên liệu thô” thành “quặng tinh”, phải nhìn vào chất lượng đầu ra đó để đánh giá quy trình. Trong quá trình đào tạo này yếu tố người thầy vẫn là quyết định nhất.
Trường ngoài công lập nào cũng có thể thành công (ở các mức độ khác nhau) nếu biết cách tận dụng khả năng còn dư thừa của thầy cô giáo có tâm huyết đang làm việc ở trường công lập để xây dựng và phát triển, và vì lợi ích học sinh. Như vậy bí quyết thành công là lãnh đạo tâm huyết “muốn làm GD” thực sự và có cơ chế mềm dẻo phù hợp.
Cơ chế của nhà nước giành cho các trường ngoài công lập hiện nay thật thoáng, nhưng phần hỗ trợ của nhà nước còn ít. Hệ thống trường ngoài công lập mỗi năm thu hút, đào tạo cho xã hội 15.000 học sinh. Nếu không có các trường này thì mỗi năm từng ấy học sinh không được đi học, từng ấy gia đình bất hạnh. Giải quyết cho 15.000 học sinh mỗi năm, được đi học, tốt nghiệp…là đóng góp của khối trường ngoài công lập, có ý nghĩa xã hội rất lớn, xứng đáng được nhà nước hỗ trợ.
Hai chục năm nay,trường chúng tôi vẫn phải thuê đất, gần đây được cấp 13.600m2 đất để xây dựng, quả là điều rất tuyệt vời. Nhưng còn nhiều cơ sở GD ngoài công lập khác cũng cần đất như vậy. Nếu được nhà nước bán rẻ đất, hoặc nhà nước xây dựng rồi dành cho các trường thuê thì sẽ giúp cho loại hình trường này phát triển tốt hơn.