Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Hợp tác phát triển du lịch giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh: Sự chuyển động chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh
(Ngày đăng: 27/07/2012)

Qua 5 năm thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2006-2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang đã tích cực tham gia các chương trình, sự kiện văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức như: Ngày hội đường hoa - phố hoa TP. Hồ Chí Minh; Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh vào các năm 2009 - 2010; Lễ hội trái cây; Lễ hội món ngon các nước; Hội chợ ITE... Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của hai địa phương đã phối hợp tổ chức các đoàn famtrip khảo sát, tìm hiểu thị trường, giới thiệu các điểm, tuyến du lịch, sản phẩm du lịch mới và các cơ hội đầu tư ở Tiền Giang đến các doanh nghiệp du lịch của TP. Hồ Chí Minh.
Khách du lịch quốc tế đến khu du lịch Cái Bè.

Hợp tác về quy hoạch và kêu gọi đầu tư, hiện có 10 doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh có dự án du lịch tại Tiền Giang, trong đó có 4 dự án đang đầu tư gồmTrạm dừng Tiền Giang (Châu Thành); Khu resort Mekong, Khu du lịch mi-ni Boutique Mekong (Cái Bè), các dịch vụ giải trí tại Khách sạn Sông Tiền và 6 dự án đang chuẩn bị đầu tư (UBND tỉnh Tiền Giang đang xem xét chấp nhận 3 dự án) gồm khách sạn 4 sao, khu phức hợp thương mại - dịch vụ - khách sạn và khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng... Ngoài ra, hai Sở còn phối hợp tổ chức hội thảo mời gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại TP. Hồ Chí Minh và hội thảo "Giải pháp thu hút khách du lịch tham quan Trại rắn Đồng Tâm" tại Tiền Giang với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp và nhà đầu tư. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang còn phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lập quy hoạch chi tiết phát triển du lịch cù lao Thới Sơn và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011-2020; đồng thời phối hợp với ngành kiến trúc TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ huyện Gò Công Đông lập quy hoạch chi tiết phát triển Khu du lịch biển Tân Thành với quy mô 80ha. Quy hoạch đã được phê duyệt và đang được hai nhà đầu tư của TP. Hồ Chí Minh là Công ty TNHH Vạn Bình An và Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân triển khai thực hiện.

Về hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch, nhiều tuyến, điểm du lịch tại TP. Hồ Chí Minh cũng như Tiền Giang được ngành du lịch của hai địa phương đưa vào chương trình tour du lịch để giới thiệu cho khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, du lịch Tiền Giang còn hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh mở tuyến du lịch mới ở vườn vú sữa Vĩnh Kim (Châu Thành), cù lao Ngũ Hiệp (Cai Lậy), khu di tích Gò Thành gắn với các vườn thanh long ở Chợ Gạo... Về hợp tác trong trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý cũng như hợp tác bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực du lịch được ngành du lịch hai địa phương luôn chú trọng đẩy mạnh nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch và năng lực quản lý Nhà nước về hoạt động du lịch.

Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang đã mang đến cho du lịch Tiền Giang nhiều khởi sắc với những kết quả đáng ghi nhận, trong đó đã thúc đẩy lượng khách du lịch đến Tiền Giang luôn tăng cao so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ổn định. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành du lịch hai địa phương, việc triển khai thực hiện các nội dung của chương trình đã ký kết vẫn chưa như mong muốn theo đúng mục đích hợp tác đã đề ra. Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang cho rằng, chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy du lịch Tiền Giang phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình hợp tác thì vẫn còn những hạn chế tồn tại, trong đó có tiến độ triển khai các dự án đầu tư của các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh vẫn còn diễn ra chậm như dự án Khu du lịch biển Tân Thành (Gò Công Đông); một số dự án không thực hiện được như dự án cù lao Thới Sơn. Việc hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn thụ động trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và mở rộng thị trường. Các sản phẩm du lịch mới chưa được quan tâm đầu tư nhiều nên chưa hấp dẫn các đơn vị lữ hành cũng như khách du lịch.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng đã nhìn nhận, việc hợp tác phát triển du lịch giữa hai địa phương trong thời gian qua vẫn chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng du lịch của mỗi địa phương. Nhiều nội dung cơ bản trong chương trình hợp tác phát triển du lịch chưa thực sự đạt hiệu quả cao, trong đó có việc liên kết xây dựng tour du lịch gắn kết với các sự kiện của hai địa phương chưa được phát huy và tạo ra chương trình, sản phẩm du lịch mới. Việc hợp tác trao đổi thông tin liên quan đến chương trình xúc tiến du lịch còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu. Công tác xúc tiến quảng bá mặc dù đã có nhiều tích cực trong việc tham gia các sự kiện lễ hội, văn hóa, du lịch nhưng vẫn chưa xây dựng được hình ảnh du lịch chung của hai địa phương để giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng... nhằm tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến với hai địa phương.

Những hạn chế, vướng mắc của Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2006-2011 sẽ được ngành du lịch của hai địa phương tháo gỡ và đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong giai đoạn 2011-2015 của chương trình vừa được ký kết với các nội dung thực hiện như: Hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; hợp tác kêu gọi đầu tư; hợp tác về xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác về phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác trên lĩnh vực bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực. Các nội dung của chương trình này sẽ tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng nói chung cũng như của TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang nói riêng.

Phương Nghi
tiengiang.gov.vn
Tin liên quan