Chỉ tiêu HCB có vẻ vừa sức với bóng bàn Việt Nam tại SEA Games 24 tới đây. Thậm chí lặp lại thành tích 2 HCB cũng không phải chuyện dễ dàng, sa sẩy là có thể trắng tay. | |
Bóng bàn Việt Nam (BBVN) từng có HCV ở các kỳ SEA Games: đơn nam (Vũ Mạnh Cường), đôi nam- nữ (Mạnh Cường – Thu Thủy), đôi nam (Nam Hải – Tuấn Quỳnh). Đó là thời kỳ mà các nước Đông Nam Á chưa ồ ạt nhập cư các VĐV người Trung Quốc có thứ hạng cao trong BXH thế giới.
Nay thời kỳ đó đã qua rồi khi Singapore áp dụng chính sách… nhập siêu VĐV giỏi. Không chỉ BBVN mà cả bóng bàn khu vực cũng phải lao đao.
SEA Games 24 này khả năng “bá chủ” của bóng bàn Singapore càng hiện thực hơn bao giờ hết và đó là lý do BBVN vẫn có giấc mơ “vàng” nhưng khả năng tan mơ là thực tế, tuy đau xót nhưng không thể tránh khỏi.
Lý do là Singapore vừa “nhập” về 2 VĐV nam người Trung Quốc xếp hạng xấp xỉ thứ 30 thế giới. Hai tay vợt này đã thi đấu cho Singapore ở giải “Cây vợt vàng” tháng 7 vừa qua. Tuy chưa giành được huy chương nhưng ở “màn chào hỏi” này họ đã gây được ấn tượng lớn cho các nhà chuyên môn trong khu vực.
Người ta tiên đoán, với sự góp mặt của 2 VĐV này, cộng với lực lượng hùng mạnh vốn có, bóng bàn Singapore sẽ “gặt vàng” SEA Games 24 ở các nội dung đơn nam, đôi nam, đồng đội nam…
Điều đáng nói là trong thời điểm hiện nay, bóng bàn nữ của ta không đủ tài và lực để nghĩ đến những tấm HCĐ chứ đừng nói đến HCV vì thế chỉ có thể trông đợi vào các tay vợt nam.
SEA Games 23, các tay vợt nam VN đã không có HCV và SEA Games 24 này, chúng ta vẫn chưa có một sự đột xuất nào về lực lượng, về lối chơi. Các VĐV hàng đầu của ta chỉ xếp ở vị trí trên 300 trong BXH thế giới.
Tuy có được cặp Lý Tiểu Lâm – Nguyễn Hồng Phong (giành HCĐ giải trẻ châu Á 2007) nhưng “dấu ấn lịch sử” này vẫn không làm thay đổi cán cân lực lượng ở đội tuyển quốc gia vì cả 2 vẫn chỉ là các “tiểu tướng”.
Sau giải Vô địch bóng bàn trẻ châu Á, các chuyên gia bóng bàn châu lực đã tỏ ý khen ngợi 2 “tiểu tướng” này. Họ nói rằng “một nước như Việt Nam mà có ngôi sao bóng bàn châu Á thì rất đáng nể”.
Tuy nhiên, có thể cặp Lâm - Phong là tương lai của BBVN nhưng ở thời điểm này việc họ lọt vào danh sách ĐTQG còn khó chứ chưa nói tới trong đội hình thi đấu chính thức. Thi đấu các giải lớn như SEA Games yếu tố kinh nghiệm là cực kỳ quan trọng.
Chúng ta vẫn trông vào Tuấn Quỳnh, Nam Hải, Kiến Quốc, Quang Linh- những VĐV chủ lực đã đem về 2 HCB (đồng đội, đôi nam) SEA Games 23.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phạm Đức Thành nói rằng:"về phương châm thì BBVN phải phấn đấu đạt thành tích cao nhất ở SEA Games 24 nhưng chỉ tiêu HCB có vẻ vừa sức hơn, thậm chí lặp lại thành tích 2 HCB cũng không phải chuyện dễ dàng, sa sẩy là có thể trắng tay".
Ngay các tuyển thủ quốc gia (đặc biệt là nam) cũng ý thức được điều này. Họ không bị sức ép “phải có vàng” đè nặng vì thế về tư tưởng là khá thoải mái. Khi người ta thoải mái về tư tưởng thì rất dễ làm được chuyện bất ngờ?
Với Giải Cây vợt vàng 2007 tháng 7 vừa qua, ông Phạm Đức Thành cho rằng dù đây là một giải đấu truyền thống nhưng được tổ chức ở thời điểm còn khá xa SEA Games 24 nên chỉ có ý nghĩa rèn trạng thái và học hỏi kinh nghiệm hơn là kiểm tra phong độ các tuyển thủ Quốc gia.
Tháng 10 tới, toàn bộ đội tuyển sẽ tập huấn hơn 1 tháng ở Trung Quốc, sau đó quay về và sẽ có 1 vài VĐV được tham gia Giải Bóng bàn các ngôi sao châu Á tổ chức tại Hà Nội (23-25/11). Đây là sự kiện lớn vì lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
Sẽ có 2 VĐV (1 nam, 1 nữ) được thi đấu chính thức (vì là nước chủ nhà) và có thể có 2 VĐV khác được tham gia với tư cách sơ-cua vì giải chia làm 4 khu vực Đông Nam Á, Tây Á, Đông Á và Nam Á.
Theo VTC