Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Nghiệm thu đề tài: Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010-2020
(Ngày đăng: 11/07/2012)
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2010, tỷ lệ bỏ học trong hè, bỏ học giữa chừng của học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) của các tỉnh trong vùng còn khá cao so với cả nước (do học sinh học yếu kém kéo dài dẫn đến chán học, bỏ học nhất là học sinh lớp 10 lên 11).

Từ thực tế trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang chủ trì thực hiện đề tài "Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010- 2020" với mục tiêu nghiên cứu đề xuất những giải pháp phân luồng học sinh sau THCS tỉnh Tiền Giang theo hướng ổn định, bền vững trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020. Đây là đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh do ThS.Phạm Văn Khanh thực hiện, được Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh tổ chức đánh giá và nghiệm thu xếp loại B, giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo ứng dụng.

Do tâm lý phổ biến hiện nay của phụ huynh và học sinh sau THCS là chọn và đeo đuổi luồng THPT mà không muốn vào học nghề và trường chuyên nghiệp, vì vậy các trường chuyên nghiệp và trường nghề chưa thu hút được nhiều học sinh vào học. Tiền Giang có tới 34 trường THPT, nhưng chỉ có 05 trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề (chiếm tỉ lệ 17,4%). Nhóm nghiên cứu khảo sát và thực hiện thí điểm tại các trường THCS Phường 5 (thị xã Gò Công) và THCS Cẩm Sơn (Cai Lậy) với 4 nhóm giải pháp sau:

Giải pháp tuyên truyền: Tổ chức tuyên truyền ngay từ đầu năm học, tổng số phụ huynh khối 9 tham dự sau 3 lần/năm là 291 phụ huynh, tổng số học sinh trong 21 cuộc là 791 (trường Cẩm Sơn ); trường Phường 5 tổng số phụ huynh khối 9 tham dự sau 3 lần/năm là 376; 07 buổi nói chuyện chuyên đề với 129 học sinh đều tham dự đầy đủ.

Giải pháp đầu tư: Trang bị 61 tranh giới thiệu hình các trường nghề trong tỉnh và ngoài tỉnh, 21 tạp chí tăng cường giáo dục nghề. Kết quả có 95/101 (94,6%) học sinh khối 9 trường Cẩm Sơn tìm đọc nghiên cứu tạp chí về những nghề trong và ngoài tỉnh, về khả năng tìm được việc sau khi học ra trường. Trường Phường 5 trang bị đủ các danh mục thí nghiệm thực hành; các dụng cụ giảng dạy, thực hành môn công nghệ lớp 9 về lắp đặt, sửa chữa mạng điện gia đình, sửa chữa xe máy đơn giản...

Giải pháp khuyến khích, khen thưởng: Tổ chức rút kinh nghiệm đánh giá mức độ truyền thụ và kết quả học tập của học sinh sau tiết học hướng nghiệp và có chế độ khen thưởng xứng đáng đối với những giáo viên đã tổ chức hướng nghiệp cho học sinh đạt kết quả tốt.

Phương pháp quản lý: Đưa giáo dục hướng nghiệp lồng ghép qua các bộ môn toán, văn, công nghệ, sinh học, giáo dục công dân; tổ chức cho học sinh khối 9 tham quan trường nghề, mời các trường trung cấp nghề tư vấn, giới thiệu ngành nghề đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, học phí...

Qua một năm học thực hiện thí điểm, kết quả cụ thể ở hai trường như sau: Trường THCS Phường 5 số học sinh bỏ học sau THCS giảm mạnh (chiếm 3,1%, năm học trước là 7,33%), tỷ lệ học sinh vào trung cấp chuyên nghiệp gia tăng gấp đôi (chiếm 8,5%, năm học trước là 4%). Ở Trường THCS Cẩm Sơn tỷ lệ học sinh bỏ học sau THCS còn quá cao và lại tăng bất thường (chiếm 14,8%, năm học trước là 10%); tỷ lệ số lượng học sinh vào trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề có sụt giảm (chiếm 11,8%, năm học trước là 13,1%).

Nhìn chung, các giải pháp đưa vào đã được các trường hiểu rõ thực hiện thí điểm theo đúng các yêu cầu đặt ra. Các hình thức hướng nghiệp đã được các trường quan tâm chỉ đạo, theo dõi thường xuyên. Việc củng cố nhận thức của giáo viên, học sinh là bước trọng tâm chủ yếu trong nhà trường. Việc tuyên truyền theo các hình thức họp phụ huynh đầu năm, cuối học kỳ được kết hợp lồng ghép với nội dung hướng nghiệp, phân luồng. Các hội thảo nhỏ tổ chức trong năm về giải pháp phân luồng học sinh có tham dự của giáo viên, phụ huynh đã có những tác động tích cực.

Tuy nhiên, việc thí điểm vừa qua chỉ kéo dài trong một năm nên chỉ có thể đạt được kết quả bước đầu, do vậy các giải pháp thực hiện phân luồng học sinh sau THCS muốn phát huy tốt và đánh giá được hiệu quả rõ ràng thì việc thực hiện phải lâu dài hơn, trong đó nhóm giải pháp tuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức là giải pháp hàng đầu; nhóm giải pháp đầu tư xây dựng là giải pháp trung tâm, cốt lỏi; nhóm giải pháp về vai trò quản lý Nhà nước là giải pháp quan trọng quyết định trong thời điểm hiện nay; nhóm giải pháp về chính sách, xã hội là giải pháp bổ trợ. Đó là những nhóm giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả xã hội của công tác phổ cập giáo dục trong tình hình hiện nay.

Lê Ngọc


 

website Tiengiang
Tin liên quan