Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Mô hình nuôi rắn tại gia đình
(Ngày đăng: 11/07/2012)

Trong khuôn khổ dự án “Phát triển và khai thác nguồn gien Rắn hổ mang đất và Rắn hổ mang chúa làm nguyên liệu sản xuất thuốc” cấp Nhà nước. Ngày 27 tháng 5 năm 2011, Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu - Cục Hậu cần Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) đã tổ chức Hội thảo Kỹ thuật nuôi Rắn hổ mang đất.

Hội thảo đã giới thiệu khái quát về giá trị kinh tế và y học của con rắn hổ mang đất và kỹ thuật ấp trứng, nuôi dưỡng, chăm sóc rắn từ giai đoạn sơ sinh đến sinh sản, cho thấy đây là một mô hình mới đáng quan tâm. Về giá trị kinh tế, hiện nay 1kg rắn hổ mang đất có giá thị trường từ 800.000 đến 1.000.000 đồng. Nuôi rắn hổ mang đất không chiếm nhiều diện tích, chuồng trại thô sơ, công lao động ít, nếu chăm sóc đúng theo quy trình thì rắn ít bệnh, tăng trọng nhanh; thức ăn cho rắn cũng là những loại thức ăn dễ tìm như cóc, chuột…, giá thức ăn rẻ, dễ thu mua ở trong dân. Nuôi rắn không gây ô nhiễm môi trường như vật nuôi khác. Ngoài ra, nọc rắn cũng có giá thành cao và là nguồn dược liệu quý trong y học, thịt rắn có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Theo trung tá bác sĩ Vũ Ngọc Lương, phó giám đốc Trung tâm, hiện nay ở phía Bắc đã hình thành một số làng nghề nuôi rắn rất thành công, hiệu quả kinh tế mang lại đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Hiện nay nguồn cung  không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, người chăn nuôi có thể an tâm về đầu ra của con rắn nuôi. Do đó, với lợi thế ở gần Trại rắn, có thể được cung cấp con giống tốt, dễ dàng tham khảo kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi dưỡng cùng với điều kiện thiên nhiên thích hợp, hy vọng mô hình nuôi rắn tại hộ gia đình sớm được bà con nông dân trong tỉnh mạnh dạn đón nhận và nhân rộng, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao kinh tế gia đình.

Thu Trang
Tin liên quan