Hưởng ứng tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia năm 2011, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Tiền Giang phối hợp với Hội Y học tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Chất phụ gia thực phẩm và sức khỏe con người” là chủ đề của Hội thảo sáng ngày 27/4/2011. Thành phần tham dự hội thảo gồm các hội thành viên thuộc Liên hiệp hội, một số sở, ngành liên quan, các trường THCS, tiểu học, mầm non có học sinh bán trú. | |
Hội thảo đã nghe gần mười tham luận của các đại biểu và nhiều ý kiến khác, đã cho mọi người hiểu thế nào là chất phụ gia và ảnh hưởng của nó trong chế biến thực phẩm, những lời khuyên cho người tiêu dùng khi sử dụng các chất phụ gia thực phẩm. Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu ăn uống của con người cũng thay đổi theo, người tiêu dùng đưa ra những tiêu chí cao hơn cho thực phẩm không chỉ về mặt chất lượng mà còn cả ở hình thức của sản phẩm. Vì vậy, các nhà sản xuất luôn đưa ra các biện pháp để cải thiện sản phẩm đó là sử dụng phụ gia thực phẩm.
Phụ gia thực phẩm không phải là thực phẩm, mà nó được bổ sung một cách chủ ý, trực tiếp hoặc gián tiếp vào thực phẩm để cải thiện kết cấu hoặc đặc tính kỹ thuật của thực phẩm đó. Phụ gia thực phẩm tồn tại trong thực phẩm như một thành phần của thực phẩm với một giới hạn tối đa cho phép đã được quy định.
Theo Bác sĩ Trần Thanh Thảo – Phó chủ tịch Hội Y học – Phó giám đốc Sở Y tế về phân loại theo chức năng chất phụ gia thực phẩm được chia thành 23 nhóm chất, trong đó có 8 chất được thường xuyên sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm gồm: Chất tạo màu, chất điều vị, chất bảo quản, chất men, chất độn, hương liệu, chất tạo xốp, chất tạo bọt.
Báo cáo tham luận của Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh Tiền Giang, cho rằng phụ gia thực phẩm có lợi là làm tăng giá trị dinh dưỡng, giữ cho thực phẩm an toàn và tươi lâu hơn, làm thay đổi bề ngoài của thực phẩm, làm tăng mùi vị và sức hấp dẫn của thực phẩm, cung cấp một vài thành phần cho một số đối tượng đặc biệt như đường dùng cho các bệnh nhân tiểu đường gồm các thành phần chính là các chất tạo ngọt Aspartam hoặc Acesulfarm K; duy trì hoặc cải thiện một số kết cấu hoặc đặc tính giác quan của thực phẩm như độ đặc, màu sắc, mùi vị...và tăng lợi nhuận của nhà sản xuất bằng cách kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm và tạo ra được những sản phẩm hợp khẩu vị của người tiêu dùng mà không cần sử dụng những nguyên liệu có giá thành cao.
Kỹ sư Trần Bá Đỉnh, chuyên viên Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cho rằng hiện nay có hơn 2500 phụ gia có nguồn gốc tự nhiên lẫn nhân tạo đã được sử dụng trong công nghệ thực phẩm. Để quản lý và thông tin các chất phụ gia này, người ta phân nhóm và đánh mã cho chúng. Đầu các mã này là chữ “E”, có khoảng 16 nhóm các chất phụ gia và ông cũng đưa ra một số khuyến cáo rằng bột ngọt là một gia vị chỉ có tác dụng điều vị, không nên dùng thay thế cho các chất dinh dưỡng khác; không nên sử dụng bột ngọt để che lấp những mùi vị phản ánh tình trạng mất chất lượng của thức ăn như: ôi, thiu, tanh, thối; khi đã dùng bột ngọt thì nên giảm lượng muối, bột canh hay nước mắm; nên nêm bột ngọt lúc sắp hoàn thành món ăn; không dùng bột ngọt cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Việc sử dụng phụ gia thực phẩm, dù nằm trong danh mục, vẫn như con dao hai lưỡi. Khi sử dụng tùy tiện hoặc lạm dụng luôn đưa lại những hậu quả khó lường về sức khỏe, nếu sử dụng vượt quá hàm lượng và không thuộc danh mục cho phép là gây ngộ độc cấp tính (như ngứa, sưng phù, chóng mặt, tê lưỡi, buồn nôn, …) và mãn tính (như giảm cân, rụng tóc, suy thận, động kinh, thiếu máu, ung thư, quái thai, …).
Biện pháp để hạn chế tác hại của chất phụ gia thực phẩm đến sức khoẻ con người cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền những qui định cho các chất phụ gia được sử dụng; sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử lý những cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm; khuyến cáo người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm như: chọn thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường, xem kỹ các tiêu chí và hạn sử dụng trên nhãn của sản phẩm, nên chọn các sản phẩm sử dụng phụ gia tự nhiên và người tiêu dùng cần thay đổi thói quen trong việc lựa chọn thực phẩm có cấu trúc tự nhiên, không nhất thiết phải dai, giòn, màu sắc bắt mắt mới là thực phẩm ngon; cần lựa chọn những nhà cung cấp có uy tín để có được sản phẩm an toàn cho sức khỏe; đọc kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm để biết được các thành phần dinh dưỡng cũng như các chất phụ gia được sử dụng trong sản phẩm; hạn chế sử dụng thức ăn đường phố cũng như những thực phẩm không có nhãn mác rõ ràng.
Ánh Tuyết