* Diễn đàn Khuyến nông @ chuyên đề sản xuất lúa theo GAP | |
Chiều 10-9, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động chương trình “Cộng đồng quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái” tại các tỉnh, thành phía Nam.
“Cộng đồng quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái” là một khái niệm mới được các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng thành công để quản lý dịch hại trên một số cây trồng như rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Ở Việt Nam, lần đầu tiên xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm trên cây lúa tại hai huyện Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang) và tỉnh An Giang. Chương trình được IRRI tài trợ trong khuôn khổ Dự án “Giảm nguy cơ thất thoát năng suất lúa do rầy nâu bộc phát”. Một trong những nội dung chính của chương trình là chọn các giống hoa dại phù hợp trồng quanh ruộng lúa để dẫn dụ thiên địch có ích có khả năng tiêu diệt rầy nâu và các côn trùng gây hại khác. Các giống hoa dại trồng quanh ruộng lúa tạo hệ sinh thái đa dạng, hữu ích. Qua đó, giúp nhà nông ứng dụng tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh ba giảm ba tăng, IPM...
Tại tỉnh Tiền Giang, trong khuôn khổ thí điểm trong hai vụ đông xuân và hè thu vừa qua có 75 hộ nông dân của hai xã vùng trọng điểm lúa: Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) và Mỹ Thành Nam (Cai Lậy) tham gia trên diện tích khoảng 65 ha. Đánh giá cho thấy kết quả rất khả quan, trồng hoa trên bờ ruộng thu hút nhiều thiên địch có ích, nhiều loài côn trùng đến hút mật hoa tạo sự đa dạng sinh học trên ruộng, lúa phát triển tốt và mặc dù không phun thuốc trừ sâu nhưng mật số sâu rầy không tăng thậm chí còn giảm mạnh so với ruộng đối chứng...
Thực tế cho thấy, mô hình “Cộng đồng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa bằng công nghệ sinh thái” là một tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trên lĩnh vực bảo vệ thực vật được ứng dụng rộng rãi trên nền tảng các chương trình đã triển khai trên cây lúa trước đây: ba giảm ba tăng, 1 phải 5 giảm và gieo sạ theo lịch đồng loạt né rầy,... giúp giảm chi phí đầu tư, lợi nhuận cao, nâng chất lượng nông sản và thân thiện với môi trường, cần thiết trong việc tổ chức trồng lúa theo hướng GAP.
* Trước đó, sáng 10-9, tại Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp lần thứ 5-2010, chuyên đề sản xuất lúa theo GAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Đến dự, có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, các trường, Viện, Trung tâm nghiên cứu, ngành nông nghiệp cùng bà con nông dân các tỉnh, thành phía Nam.
Tại diễn đàn, đa số các đại biểu đều khẳng định sản xuất lúa theo GAP là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, cần có sự liên kết giữa “các nhà” trong vấn đề hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân và đầu ra cho hạt lúa. Ông Nguyễn Văn Khang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, mô hình sản xuất lúa Global GAP hơn 100 ha tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, có sự bao tiêu sản phẩm của công ty ADC bước đầu đem lại kết quả cao và đang được nhân rộng ra một số địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Mô hình này giúp nông dân trồng lúa GAP bán được giá cao hơn lúa thường 20%.