Sáng ngày 8/5/2010, tại Thành phố Cần Thơ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (Liên hiệp hội), Hội Nuôi ong mật tỉnh Tiền Giang phối hợp Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội thảo khoa học: Lợi ích ong mật thụ phấn tăng năng suất cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long. Đến dự có ông Trần Hoàng Diệu, Chủ tịch Liên hiệp hội Tiền Giang; PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Chủ tịch Liên hiệp hội Cần Thơ; Ths Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam; hơn 170 đại biểu là nhà khoa học, lãnh đạo các Liên hiệp hội, Sở Nông nghiệp-PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật và bà con nông dân ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về dự. | |
Báo cáo tham luận tại hội thảo: tham luận của TS Nguyễn Quang Tấn, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh về Bảo vệ ong mật để tăng năng suất quả và hạt; tham luận của PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) về Thiết kế sinh thái đồng ruộng (hay công nghệ sinh thái) tạo đa dạng hóa sinh học, trong đó ong mật là côn trùng có ích ; tham luận của Th.s Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ĐHCT) về Hoạt động thu hoạch phấn hoa ở ong mật; tham luận của TS Trần Thị Ba (ĐHCT) về Vai trò của ong mật trong trồng rau; Ths Hồ Văn Chiến (Trung tâm BVTV PN) trình bày Ong mật có lợi làm tăng năng suất cây trồng. Các nhà khoa học qua nghiên cứu thực tế sản xuất đều khẳng định ong mật là loài côn trùng có ích thụ phấn hoa cho cây trồng, 1/3 lương thực thế giới có được là nhờ con ong. Qua thảo luận, bà con nông dân hiểu rõ hơn nuôi ong thụ phấn hoa cho cây trồng là có ích, giúp cây cho trái năng suất nhiều hơn, chất lượng trái tốt hơn; các nhà khoa học đã giải đáp cho bà con nông dân chuyên canh cây trồng như: mè, nhãn, chôm chôm, mận , bắp, lúa… việc nuôi ong thụ phấn cây trồng là hai bên cùng có lợi, thậm chí có lợi cho người trồng (do tăng năng suất và chất lượng trái tốt) nhiều hơn người nuôi ong lấy mật, đồng thời nêu lên tác hại của thuốc trừ sâu đối với ong mật và sản phẩm của cây trồng, đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ ong, bảo vệ môi trường.
Sau hội thảo các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu mật độ đàn ong trên từng loại cây trồng để cho kết quả tốt nhất, các nhà quản lý chuyên môn kỹ thuật và báo đài tiếp tục tuyên truyền lợi ích của ong mật làm thụ phấn tăng năng suất cây trồng cho bà con nông dân an tâm sản xuất, tạo môi trường thân thiện giữa đàn ong và cây trồng, giữa người trồng cây và người nuôi ong nhằm góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.