Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Festival Trái cây Việt Nam lần đầu tiên tại Tiền Giang
(Ngày đăng: 11/07/2012)
(Chinhphu.vn) - Festival Trái cây Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức để giới thiệu sự phong phú của trái cây Việt Nam với bè bạn quốc tế cũng như tôn vinh giá trị, vị thế của trái cây Việt Nam và người nông dân miệt vườn trên khắp cả nước.

Từ ngày 19 – 24/4/2010,  Festival Trái cây Việt Nam lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại tỉnh Tiền Giang, với chủ đề “Trái cây Việt Nam thời kỳ hội nhập” và thông tin quảng bá “Tiền Giang – Sông hóa Rồng, cho cây lành trái ngọt”.

 

Ảnh Chinhphu.vn

Nhân dịp này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Festival Trái cây Việt Nam.

 Festival Trái cây lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sẽ là sự kiện lớn nhằm đem đến cho bạn bè, du khách trong và ngoài nước một cái nhìn toàn diện về sự phong phú, đa dạng của cây trái Việt Nam. Vậy tỉnh Tiền Giang đã có sự chuẩn bị như thế nào nhằm tổ chức thành công sự kiện này?

 Cho đến nay việc chuẩn bị cho Festival đã hoàn thành được 80% khối lượng, từ khâu kịch bản, cơ sở hạ tầng, nhân lực… Các khâu cuối cùng chuẩn bị cho Lễ khai mạc, bế mạc cũng như các hoạt động xuyên suốt diễn ra trong Festival đang được tập dượt kỹ lưỡng.

Tỉnh Tiền Giang xác định rõ đây là dịp để giới thiệu sự phong phú của trái cây Việt Nam với bè bạn quốc tế cũng như tôn vinh giá trị, vị thế của trái cây Việt Nam và người nông dân miệt vườn trên khắp cả nước.

Festival được sự ủng hộ nhiệt tình của các Bộ, ngành, sự đồng tình hưởng ứng của mọi người dân trên khắp các vùng miền. Đây là Festival Trái cây lớn mang tầm quốc gia và lần đầu tiên được tổ chức nên BTC đã học hỏi kinh nghiệm từ các Festival trước đó, như Festival lúa gạo, Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Quả điều vàng để tránh sự lặp lại,  tạo mới mẻ cho một Festival Trái cây đậm đà hương sắc Nam bộ.  BTC đã cân nhắc thời gian diễn ra Festival để quy tụ được trái cây đặc trưng của mỗi vùng miền.

Dự kiến Festval Trái cây Việt Nam lần thứ nhất sẽ thu hút khoảng trên 100.000 lượt khách, riêng trong đêm khai mạc sẽ thu hút từ 3.500 – 4.000 người (1.500 khách mời).

Thưa ông, điểm nhấn của Festival Trái cây là gì ?

Festival sẽ diễn ra với nhiều chương trình, hoạt động đa dạng, ấn tượng, trong đó nhóm chương trình chính là lễ khai mạc và bế mạc; Hội chợ triển lãm các sản phẩm nông nghiệp phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, khu hội chợ thương mại tổng hợp; Lễ hội ẩm thực “Hương Việt”; Tổ chức 3 cuộc hội thảo lớn: “Trái cây Việt Nam, cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế”, “Vườn cây ăn trái – Gắn với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn”; “Liên kết 4 nhà – Giải pháp cơ bản nâng cao giá trị trái cây Việt Nam”.

Ngoài ra Festival sẽ tổ chức Lễ tôn vinh “Nhà vườn sáng tạo”, Trao Cúp vàng “Vì sự phát triển trái cây Việt Nam chất lượng và an toàn thực phẩm”.

Một điểm nhấn nữa là Lễ hội chợ nổi Cái Bè, diễn ra từ ngày 20 – 22/4/2010 với nhiều hoạt động phong phú, mang đậm bản sắc của miệt vườn như:Chợ trái cây và sản vật trên sông; Hành trình du lịch phục vụ khách trên sông; Lễ hội đường phố; Lễ hội Xoài cát Hòa Lộc.

Bên cạnh đó Festival Trái cây lần thứ I sẽ hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội khi có kỷ lục Tứ linh 1000 năm thương nhớ Thăng Long với sản phẩm Tứ linh “Long – Lân – Quy – Phượng” lớn nhất được kết bằng trái cây.

Trong Festiva có diễn ra Hội thảo nhấn mạnh đến sự liên kết 4 nhà ( nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp) để nâng cao giá trị trái cây Việt Nam ?

 

Ảnh minh họa

Việc tổ chức Festival Trái cây cũng là một trong những cơ hội để tôn vinh cũng như tăng sự giao lưu giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp. Festival cũng dành những gian hàng để các doanh nghiệp trưng bày và quảng bá sản phẩm trái cây đặc trưng để bạn bè trong và ngoài nước biết tới.

Việt Nam là nước có lợi thế về cây ăn trái, tuy nhiên  sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự gắn kết giữa 4 nhà. Do đó cần phải quy hoạch cụ thể vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu, các doanh nghiêp phải cùng nhau liên kết, trong đó, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp hết sức quan trọng, nếu tạo được mối liên kết chặt chẽ này thì trái cây Việt Nam sẽ không còn cảnh" trúng, mùa rớt giá" và việc thừa, thiếu nguyên liệu sẽ được khắc phục.

Tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà, trong đó đầu tư quy hoạch xây dựng khu công nghiệp chế biến. Hiện Tiền Giang có trên 70.000 ha trồng cây ăn trái, dự kiến tăng thêm 10.000 ha và tái cấu trúc thành vùng chuyên canh.

Việt Nam vốn có thế mạnh về trái cây nhiệt đới và Tiền Giang cũng là một trong những tỉnh có vựa trái cây lớn nhất cả nước. Vậy Tiền Giang đã có những giải pháp gì để trái cây của Tiền Giang nói riêng và Việt Nam nói chung chiếm lĩnh thị trường trong nước và có thương hiểu trên thị trường thế giới?

Chúng tôi luôn ý thức được sự cạnh tranh rất mạnh mẽ của trái cây nhập khẩu. Riêng đối với Tiền Giang, tỉnh đã xây dựng những vùng tập trung, trồng và sản xuất những trái cây đặc sản chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay tại Tiền Giang có 7 loại trái cây đặc trưng có lợi thế để phát triển và xuất khẩu.

Tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở hạ tầng, cây giống cho năng suất và chất lượng cao, xây dựng thương hiệu. Cho đến nay đã có vú sữa, thanh long, sơri đạt tiêu chuẩn Global GAP (một tiêu chuẩn tự nguyện để chứng nhận trên toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa có lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng), sắp tới Tiền Giang sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu cho trái xoài, dứa, sầu riêng để đạt tiêu chuẩn này.

Mặt khác, Tiền Giang đã tập trung xây dựng các Hợp tác xã hoa quả đặc trưng như HTX: Xoài Hòa Lộc, Bưởi Long Cổ Cò, Vú Sữa Vĩnh Kiêm, Thanh Long Chợ Gạo… tạo điều kiện cho việc sản xuất tập trung đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, từ đó xây dựng thương hiệu, tăng sản lượng xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Kiều Liên (thực hiện)
chinhphu.vn
Tin liên quan