Đã nổi tiếng vì trồng lúa theo tiêu chuẩn Global G.A.P, nay nhà nông hợp tác xã Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm chuyện gây chú ý khi trồng hoa trên ruộng lúa để diệt sâu rầy. Nói như tiến sĩ Il Ryong Choi, chuyên gia virút học của viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), thì đây là một thực tế tuyệt vời! | |
Trên cánh đồng lúa bạt ngàn ôm những khóm hoa rực rỡ của nông dân ấp 5 xã Mỹ Thành Nam, ông tiến sĩ người Hàn Quốc hấp háy cặp kiếng cận, giải thích: chương trình trồng hoa xen trong ruộng lúa để thu hút, dẫn dụ côn trùng có ích (thiên địch) đến hút mật và tiêu diệt sâu rầy do IRRI nghiên cứu, đến nay chỉ mới thực hiện được vài mô hình trình diễn trong phạm vi rất hẹp ở Thái Lan, Trung Quốc. Riêng tại Việt Nam, chương trình này thí điểm lần đầu tiên trong vụ lúa đông xuân 2009 – 2010 ở hai huyện Cai Lậy và Cái Bè tỉnh Tiền Giang, nhưng các chuyên gia của IRRI hoàn toàn bất ngờ vì ở ấp 5 xã Mỹ Thành Nam, chương trình được áp dụng trên quy mô rất lớn (35ha) với sự tham gia của cả cộng đồng nông dân và thành công ngoài mong đợi.
Hoa thay thuốc
Giữa cánh đồng lúa Global G.A.P oằn bông vàng ươm chuẩn bị thu hoạch, ông Bảy Phước (Trương Văn Phước) ngồi săm soi mấy cây hoa xướng chi, cúc vàng trồng trên bờ mẫu, cho biết: “Năm nay tôi 71 tuổi, gắn bó với nghề nông từ năm 16 tuổi, nhưng đây là lần đầu tôi mới thấy cách làm ruộng lạ lùng như vầy”. Ông Bảy kể, trước ngày gieo sạ đông xuân một tháng, giữa lúc nhà nông đang tất bật chuẩn bị giống má, phân bón thì mấy nhà khoa học đến. Họ nói, mấy ông làm ruộng Global G.A.P thành công rồi, vụ đông xuân này sẽ canh tác theo cách mới. Rồi họ đưa cho nhà nông một mớ hạt giống, nói là hạt của hoa, để trồng trên bờ ruộng, khỏi phun thuốc trừ sâu rầy. Ươm xong 20.000 cây hoa đủ loại, tới lúc gieo sạ đông xuân, cả xóm gần 40 gia đình cùng kéo nhau ra đồng, người đi trước sạ lúa thì người đi sau trồng hoa trên bờ ruộng, khoảng cách từ 0,5 – 1m/cây.
Ông Bảy cười khà khà, nhớ lại: “Lúc trồng hoa trên ruộng, mấy ông nông dân ở các ấp khác đến xem, cười ha hả chọc quê: tết nay mấy ông Bảy và nông dân ấp 5 khỏi tốn tiền mua hoa chưng tết, làm tui mắc cỡ quá. Tui nói với bà nhà: bà lãnh nhiệm vụ trồng hoa, tui sẽ chịu trách nhiệm phần tưới. Nói thiệt, mấy nhà khoa học biểu làm, chắc họ có lý do, nhưng tui vẫn thủ mấy chai thuốc trừ sâu rầy trong nhà, đề phòng bất trắc. Lúa chưa trổ đòng thì hoa đã đâm bông, mỗi ngày tui đều ra ruộng thăm chừng, thấy ong bướm dập dìu, vạch gốc lúa ra xem thì chẳng thấy sâu rầy gì ráo, chỉ có nhện, bọ xít mù xanh và nhiều loài côn trùng có ích ở khắp nơi, nên tui dẹp luôn mấy chai thuốc trừ sâu rầy. Cả vụ lúa chỉ tốn tiền phun thuốc trừ cỏ và trừ bệnh cháy lá”.
Ở một góc ruộng, nông dân Lê Thị Phương ngồi cặm cụi hái từng bông hoa sắp khô để làm giống cho vụ sau. “Lợi ích của việc trồng hoa diệt rầy thì đã thấy rõ, nhưng điều chị em phụ nữ chúng tôi thích nhất là nhờ có mấy cây hoa mà đồng ruộng đẹp hơn, không còn nghe mùi thuốc trừ sâu, thuốc rầy nồng nực như trước”, Phương khoe.
Ông Trương Văn Hạnh, phó chủ nhiệm hợp tác xã Mỹ Thành, cười hết cỡ, nói: “Trong số 20.000 cây hoa giống có mấy ngàn cây đậu bắp, nên vừa rồi cả xóm ăn đậu bắp mệt xỉu, hết nấu canh đến luộc chấm chao, xào mỡ. Ăn không hết kêu bà con ở xóm khác hái về ăn phụ”.
Hoa đã toả hương
Vụ đông xuân 2009 – 2010 gần 40 gia đình nông dân ở ấp 5 xã Mỹ Thành Nam tham gia trồng hoa thu hoạch đạt 8 tấn lúa/ha, trong khi nhiều nơi năng suất chỉ có 7,5 tấn/ha trở xuống. Ông Bảy Phước cho biết, tính ở mức thấp nhất, nông dân tiết kiệm được 400.000 đồng tiền mua thuốc trừ sâu rầy và 100.000 đồng tiền thuê nhân công phun thuốc cho một hécta ruộng. Còn theo ông Trương Văn Hạnh, tính chung toàn bộ diện tích ruộng trồng xen canh hoa để diệt sâu rầy, nhà nông tiết kiệm được hơn 17 triệu đồng, trong khi các nhà khoa học chỉ tốn có 4 triệu đồng hỗ trợ cho nông dân trồng hoa với giá 200 đồng/cây.
Ông Trương Văn Bảy, chủ nhiệm hợp tác xã Mỹ Thành, nói hiện nay dù vụ lúa đông xuân thu hoạch chưa xong nhưng rất nhiều nông dân ở xã Mỹ Thành Bắc đã nài nỉ những nhà nông ở ấp 5 xã Mỹ Thành Nam “thông cảm” chia lại hạt giống hoa. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trung, một nông dân xã Mỹ Thành Bắc, bộc bạch: “Nói thiệt, hồi thấy mấy ổng trồng bông trên bờ ruộng, tụi tui cười muốn bể bụng. Nhưng không ngờ mấy chả làm ăn hiệu quả quá, ruộng đẹp, không khí trong lành, nên tui phải xuống nước xin chia lại giống hoa”. Trước nhu cầu trên, huyện Cai Lậy đã đồng ý sẽ thực hiện thêm 20ha lúa xen hoa ở xã Mỹ Thành Bắc.
TS Lê Hữu Hải, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, thông báo một tin vui: IRRI quyết định sắp tới sẽ tổ chức một hội thảo khoa học quốc tế về mô hình này ngay tại ấp 5 xã Mỹ Thành Nam, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực canh tác lúa.