Năm 2009, trong khi cả nước phải chấp nhận sự tụt giảm tăng trưởng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, Tiền Giang vẫn thực hiện vượt kế hoạch tăng trưởng GDP, đạt 9,2%, là một trong vài địa phương có tốc độ phát triển cao nhất ĐBSCL. | |
|
|||||||
Đường lớn đã mở Tại cuộc họp báo nhân dịp đầu năm vừa qua, Giám đốc Sở KHĐT Tiền Giang ông Lê Văn Hưởng vui vẻ "khoe": Ông vừa đi thử bằng xe hơi từ TPHCM về Mỹ Tho trên đường cao tốc TPHCM Trung Lương chỉ mất 40 phút, thay vì gần 2 giờ nếu đi trên QL1A như hiện nay. Ông Hưởng cũng thông báo "tin vui": Tiền Giang tăng 6 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009, xếp thứ chín cả nước. Nếu như con đường cao tốc là thuận lợi khách quan đang đến, thì sự vươn lên trong năng lực điều hành là nỗ lực chủ quan của bộ máy công quyền. Hiếm có địa phương nào cùng lúc đứng trước nhiều cơ hội phát triển như Tiền Giang. Gần nhất là cây cầu lịch sử Rạch Miễu được thông xe nối liền hai bờ sông Tiền, kích thích phát triển thương mại, du lịch, sản xuất... ở 2 bên bờ sông. Cùng với cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông cũng chuẩn bị thông xe, sẽ giúp thông tuyến QL60, làm giảm khoảng cách từ Mỹ Tho đi vùng duyên hải miền Tây 50 70km. Đường cao tốc TPHCM Trung Lương sắp thông xe, cùng lúc đường cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận khởi công xây dựng, làm vị thế "cửa ngõ" từ TPHCM đi miền Tây của Tiền Giang càng rõ rệt hơn, vai trò của địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam của Tiền Giang sẽ được phát huy đầy đủ hơn. QL50 cùng với cầu Mỹ Lợi từ TPHCM qua Long An, rồi qua các vùng ven biển của Tiền Giang, kết thúc tại Mỹ Tho sẽ là động lực lớn giúp vùng phía đông của tỉnh bừng tỉnhhhh. Kênh Chợ Gạo - một "đại lộ dưới nước" nối miền Tây với TPHCM, đang được đầu tư nâng cấp sẽ có giá trị không thua một cảng biển. Còn phải kể tới "đại dự án" đường xe lửa TPHCM Mỹ Tho đang ngày càng rõ nét, tuyến đường đã từng giúp cho Mỹ Tho xưa phát triển mạnh. Các KCN ở Mỹ Tho, Châu Thành, Gò Công Đông, Tân Phước đã và đang ra đời để thu hút làn sóng đầu tư sau khi đường cao tốc thông xe...
Tìm lại ánh hào quang xưa Cách đây hơn tuần lễ, tỉnh Tiền Giang đã kỷ niệm 225 năm Ngày Chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút. Cuộc chiến chống ngoại xâm đã biến "Mỹ Tho đại phố" thành hoang tàn. Bây giờ, với hào khí Rạch Gầm Xoài Mút và với quyết tâm, trí tuệ của người Tiền Giang hiện đại, thời kỳ vàng son của "Mỹ Tho đại phố" như đang trở lại. Một chương trình xúc tiến đầu tư khổng lồ với 116 dự án và tổng số vốn gần 200 ngàn tỉ đồng đang được tỉnh Tiền Giang tiến hành rất bài bản. Không ồn ào nhưng rất hiệu quả, nhiều biện pháp chuẩn bị đón dòng vốn đầu tư như "đào tạo nguồn nhân lực", "cải cách thủ tục hành chính"... đang phát huy tác dụng. Chỉ với 10 dự án lớn (trong tổng số 116 dự án nói trên) được nghiên cứu, triển khai đang đánh thức cả một vùng ven biển và vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước. Các dự án cụm cảng tổng hợp và công nghiệp Soài Rạp và Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) hứa hẹn sẽ biến vùng ven biển Gò Công trở nên sôi động không thua kém các vùng ven biển khác trên cả nước trong thời gian không xa. Với những gì đang đến, người Tiền Giang có thể nghĩ tới một thập niên đầy ý nghĩa, như là điểm hẹn của quá khứ và tương lai, để đến năm 2020 vùng đất nằm bên sông Tiền sẽ cơ bản công nghiệp hoá với thu nhập bình quân đầu người trên 4.000USD/năm.
Nguồn: báo Lao động - Kỳ Quan
web.tiengiang
|