Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Phát triển nông nghiệp Tiền Giang trong mối liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long
(Ngày đăng: 10/07/2012)
Nằm ở vị trí giao thoa giữa các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Tiền Giang là cửa ngõ giao thương quan trọng về nông - thủy sản hàng hóa giữa các vùng nhất là đối với thành phố Hồ Chí Minh, là tỉnh trọng điểm về sản xuất lượng lương thực, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời đây cũng là địa bàn thuận lợi trong phát triển kinh tế thủy sản.
 

Xuất phát từ địa thế đặc biệt đó và để phát huy tốt lợi thế của tỉnh, những năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang đã triển khai thực hiện rất nhiều chương trình, dự án để đẩy nhanh tốc độ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã và đang mang lại nhiều kết quả khả quan: cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, nhiều trang trại sản xuất mới hình thành với quy mô và chất lượng ngày một tốt hơn, chất lượng cuộc sống của nông dân được nâng lên rõ rệt, và xu hướng đó ngày càng lan tỏa rộng hơn trên địa bàn tỉnh.

Với tổng diện tích đất trên 248.400 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp của Tiền Giang chiếm 77%, với giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 6,7% (năm 2008), cơ cấu kinh tế theo GDP của tỉnh thì khu vực I đã chiếm tới 49,5%. Trong đó cây lúa là cây lương thực trọng điểm của tỉnh, thích ứng hầu hết các vùng đất trên địa bàn, sản lượng hàng năm khoảng 1,3 triệu tấn (năng suất bình quân 53 tạ/ha). Năm 2008, tuy gặp nhiều khó khăn do lạm phát và tiếp đến là suy thoái kinh tế toàn cầu tác động, song sản lượng lương thực xuất khẩu của tỉnh vẫn đạt được 130.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu là 80 triệu USD. Cây ăn trái là thế mạnh của tỉnh nhất là xoài cát Hoà Lộc, bưởi lông Cổ Cò (Cái Bè), vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim Châu Thành), sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy), thanh long (Chợ Gạo), nhãn, chôm chôm (Cái Bè, Cai Lậy)... với sản lượng hàng năm đạt rên 800.000 tấn. Chăn nuôi trong những năm qua phát triển với mức độ khá, đàn vật nuôi chính là gia cầm và heo. Năm 2009 ước tính đàn gia cầm gần 6 triệu con, đàn heo trên 552.000 con, đàn bò 65.400 con...

Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với các sản phẩm chủ lực như nghêu, tôm sú, cá tra... Sản lượng thủy sản thu hoạch hàng năm là khoảng 190.000 tấn (trong đó thủy sản nuôi là 110.000 tấn). Ngoài các sản phẩm chủ lực, tỉnh còn phát triển nuôi cá bè trên sông Tiền mà phổ biến là cá điêu hồng với sản lượng hàng năm khoảng 15.000 tấn. Sản lượng thủy sản xuất khẩu năm 2009 là có khả năng sẽ hơn 100.000 tấn với kim ngạch là khoảng 270 triệu USD.

Tiền Giang là vùng đất giàu phù sa, thích hợp cho việc sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi thủy sản chất lượng cao. Trên địa bàn tỉnh hiện đã có 4 cơ quan nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoạt động rất hiệu quả là Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và Trường Cao đẳng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nam Bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Song song đó, hạ tầng nông thôn Tiền Giang đang được đầu tư phát triển ngày càng hoàn thiện - nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, thông tin, điện, nước sạch.v.v...Quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn, các vùng sản xuất tập trung, các làng nghề đã được hoạch định và cập nhật bổ sung kịp thời đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Những năm gần đây tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư và đã được các nhà đầu tư hưởng ứng tích cực. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như chế biến thức ăn thủy sản, thức ăn gia súc, gia cầm, chế biến thủy sản xuất khẩu trong những năm qua đều đạt hiệu quả tốt. Tiến trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn được tỉnh rất quan tâm. Với nguồn lao động trẻ, dồi dào, được cập nhật thường xuyên về kỹ thuật sản xuất, Tiền Giang đã từng bước khẳng định sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh của mình như vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, gạo Mỹ Thành, cá tra Hòa Hưng, thanh long Chợ Gạo,

Là cửa ngỏ giao thương của khu vực đồng bằng sông Cửu Long với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cả giao thông thủy, bộ, Tiền Giang rất thuận lợi để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhất là các giống loài giá trị kinh tế đang được thị trường cả trong và ngoài nước mến chuộng. Đây cũng là mũi tập trung của ngành trong những năm gần đây. Việc đầu tư các công nghệ lai tạo giống, tuyển chọn giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả đang là nhu cầu thiết yếu nhằm từng bước cải tạo các vườn cây đang có hiện tượng thoái hóa dần, song song đó việc phát triển các giống hoa kiểng phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật sinh vật cảnh ngày càng gia tăng khi mà thu nhập đời sống của người dân không ngừng phát triển.

Là tỉnh có 32 km bờ biển tiếp giáp với biển Đông với 3 cửa sông thông ra biển có hệ sinh thái vùng cửa sông ven biển phong phú và đa dạng, thích nghi cho nhuyễn thể sinh sản và phát triển, Tiền Giang hàng năm cung cấp cho thị trường trên 20.000 tấn nghêu được nuôi tại khu vực ven biển Gò Công. Tuy nhiên giống nghêu đáp ứng nuôi chỉ đạt 15% nhu cầu thực tế. Trong những năm qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhận chuyển giao thành công công nghệ sản xuất nghêu giống nhân tạo, song cũng còn rất khiêm tốn. Việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nghêu giống tại Tân Thành là nhu cầu cấp thiết, không chỉ phục vụ nhu cầu nuôi tại chỗ mà còn phát triển ra các vùng lân cận như Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre), Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh),...

Cây thanh long với diện tích gần 2.000 ha tập trung tại huyện Chợ Gạo đã cho sản lượng hàng năm trên 30.000 tấn và đã được xuất sang thị trường Nhật. Theo quy hoạch đến năm 2015, diện tích cây thanh long sẽ phát triển đến 5.000 ha. Việc đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế biến thanh long tại Chợ Gạo là nhu cầu thiết yếu vừa đảm bảo yêu cầu cung ứng dịch vụ khách hàng, vừa góp phần tăng giá trị sản phẩm thanh long trên thị trường quốc tế.

Rau màu tại Tiền Giang ngày càng phát triển diện rộng và chất lượng không ngừng nâng lên, được thị trường ưa chuộng nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích rau màu hiện tại đã đạt 34.300 ha với sản lượng hàng năm trên 573.000 tấn. Chất lượng, vệ sinh, an toàn rau, củ, quả ngày càng đòi hỏi cao và là xu hướng tất yếu trong đời sống của người dân. Vì thế cho nên việc đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế rau, củ, quả là yêu cầu cần thiết có tính bền vững trong hiện tại và cả tương lai. 

Tỉnh Tiền Giang đã và đang thực hiện thành công quy trình GlobalGap trên cây vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim - Châu Thành, gạo xuất khẩu ở Mỹ Thành Nam - Cai Lậy, đã và đang mở rộng triển khai áp dụng cho cây thanh long ở Chợ Gạo, cây xoài cát Hòa Lộc ở Cái Bè, một số vùng lúa chất lượng cao ở Cai Lậy và Gò Công Tây.v.v...bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Quy trình nuôi cá tra theo tiêu chuẩn SQF 1000CM ở Hòa Hưng đã được Công ty SGS cấp chứng chỉ chứng nhận và ngành cũng đang xúc tiến việc mở rộng ứng dụng nuôi các sản phẩm chủ lực khác như tôm sú, nghêu. Đây là những quy trình nhằm đảm bảo việc không ngừng nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn nông, thủy sản hàng hóa, đảm bảo sản phẩm làm ra ngày không những càng có uy tín cao trên thị trường cả trong và ngoài nước, mà còn đáp ứng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi có yêu cầu.

Làm ăn thời kỳ hội nhập cần có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu để đáp ứng được các yêu cầu của đối tác. Với tiềm năng và lợi thế vừa nêu trên, Tiền Giang sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đầu tư vào Tiền Giang để khai thác một cách có hiệu quả nhất vừa đáp ứng lợi ích thiết thực của các nhà đầu tư, vừa góp phần cùng Tiền Giang phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

Nguồn Web Tiền Giang
Tin liên quan