Giai đoạn 2006-2008, ngành công nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và công nghiệp Tiền Giang nói riêng có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp toàn Vùng đạt 92.521,08 tỷ đồng vào năm 2008, tăng bình quân 21,8%/năm, trong đó Tiền Giang đạt 6.121,2 tỷ đồng, tăng bình quân 18,4%/năm | |
Vì vậy, để nâng cao thu nhập của người dân, ngoài việc tiếp tục khai thác lợi thế về tự nhiên để phát triển sản xuất nông nghiệp, trong những năm gần đây vùng ĐBSCL đã có nhiều cố gắng trong phát triển sản xuất công nghiệp, bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung đời sống của nhân dân chưa được nâng lên tương xứng với lợi thế của vùng đất trù phú vốn giàu tiềm năng và thế mạnh; nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn có khả năng cạnh tranh thấp, sản xuất kém hiệu quả; chưa tận dụng có hiệu quả lao động nông nhàn, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng cách biệt.
Trong khi đó, sau gần 03 năm Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức khi tham gia vào tổ chức thương mại có quy mô toàn cầu này. Vì vậy, hội nghị ngành Công Thương Đồng bằng sông Cửu Long năm 2009 ,do Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang đăng cai tổ chức đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL khai thác được những thuận lợi, khắc phục các khó khăn, đề ra hướng đi và giải pháp thích hợp, đảm bảo công nghiệp nông thôn trong vùng phát triển bền vững, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Cụ thể:
1. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn:
Tranh thủ nguồn vốn Trung ương trong việc xây dựng, mở rộng các trục giao thông chính như đường cao tốc TPHCM - Trung Lương- Cần Thơ, đường cao tốc Cần Thơ - An Giang, mở rộng tuyến quốc lộ 1A hiện hữu, nâng cấp sân bay Cần Thơ thành sân bay quốc tế, nâng cấp cảng biển Cần Thơ; xây dựng mới Cảng biển Soài Rạp và một số cảng khác trong khu vực; triển khai xây dựng tuyến đường sắt TP HCM-Trung Lương- Cần Thơ- Cà Mau, nguồn và lưới điện, cấp thoát nước. Tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương kết hợp với việc huy động đóng góp của các thành phần kinh tế để xây dựng đường giao thông, chợ các loại.
2. Tăng cường đào tạo, nhân cấy nghề:
Tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng, sắp xếp lại hệ thống các trường dạy nghề, thu hút lao động học nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động, gắn chương trình giảng dạy với lao động thực tiễn tại doanh nghiệp. Thường xuyên đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động và lực lượng quản lý trong ngành; nâng cao những kiến thức và kỹ năng tiếp cận và mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trao đổi, học hỏi với nước ngoài. Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn.
3. Tổ chức sản xuất, duy trì và phát triển sản xuất ở các làng nghề:
- Tổ chức liên kết trong sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng hàng hóa và thời gian giao hàng theo hợp đồng đã cam kết nhằm nâng cao uy tín, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
- Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các làng nghề, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm; hỗ trợ có chọn lọc doanh nghiệp trong làng nghề để làm đầu tàu phát triển sản xuất.
- Hình thành các hội ngành nghề tạo ra sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
4. Cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh:
- Nhanh chóng đổi mới công nghệ phù hợp, không nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
- Liên kết với các Viện nghiên cứu, Trường đại học nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất.
5. Tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm:
- Tổ chức các hội chợ, thường xuyên tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Hợp tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chung cho cả vùng; định kỳ tổ chức hội chợ quốc tế chuyên ngành, tổ chức quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm,,,,
- Phát triển hệ thống thông tin thương mại điện tử; thực hiện cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng hàng hóa, nhu cầu tiêu dùng, cho doanh nghiệp.
6. Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường:
- Đối với các dự án sản xuất phải có đánh giá tác động môi trường và được kiểm tra trước khi đi vào hoạt động; đình chỉ sản xuất đối với doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng.
- Xây dựng, thực hiện lộ trình di dời các cơ sở thường xuyên gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẻ các khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp; có hệ thống thu gom và xử lý chất thải, nước thải tập trung theo quy định.
7. Nâng cao khả năng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn:
- Các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy nạnh việc cho vay, nhất là các nguồn vay ưu đãi. Xây dựng cơ chế bảo lãnh từ ngân sách địa phương để bảo lãnh cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển khi có dự án khả thi nhưng thiếu tài sản đảm bảo nợ vay.
8. Liên kết vùng:
Liên kết đầu tư phát triển vùng, phát triển mạnh những ngành, lĩnh vực mà các tỉnh, thành có lợi thế trên cơ sở Quy hoạch đồng bộ từ phát triển kinh tế - xã hội đến các quy hoạch ngành, các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương. Có sự phân công, phối hợp giữa các địa phương như: Cần Thơ phát triển sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, Hậu Giang phát triển sản xuất các sản phẩm từ mía; Kiên Giang và Vĩnh Long, phát triển sản xuất vật liệu xây dựng; Tiền Giang phát triển sản xuất sản phẩm từ rau quả; Bến Tre phát triển sản xuất sản phẩm từ dừa; Kiên Giang phát triển du lịch biển, Bến tre, Tiền Giang, Vĩnh Long phát triển du lịch sinh thái và TP Cần Thơ là trung tâm thương mại của cả vùng...
9. Đẩy mạnh thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ:
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các gói kích cầu của Chính phủ nhằm chống suy giảm kinh tế, tạo điều kiện cho công nghiệp, thương mại phát triển.
10 Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư:
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành của Chính phủ giai đoạn II (2006-2010) trên các lĩnh vực: cải cách thể chế hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính công; đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nghiên cứu triển khai một số dịch vụ công trực tuyến trên mạng. Tổ chức các diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án hoặc trong sản xuất kinh doanh.