Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Chợ Gạo từng bước cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn
(Ngày đăng: 10/07/2012)

Chợ Gạo ổn định diện tích sản xuất lúa hơn 9.000 ha qua từng vụ, trong đó giữ vững diện tích nếp hơn 4.000 ha, chiếm 45% tổng diện tích xuống giống. Nhờ làm tốt công tác thủy lợi nội đồng và tác động của dự án Ngọt hóa Gò Công, dự án Bảo Định, huyện đã chuyển từ 1 vụ lúa bấp bênh tăng lên 3 vụ/năm.
Trong những năm gần đây, Chợ Gạo xuống giống đồng loạt nhằm né rầy nâu gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá nên thu hoạch rộ. Điều này đã gây khó khăn cho người trồng lúa trong việc tìm kiếm nhân công thu hoạch. Trước thực trạng đó, nhiều nông dân từng bước đầu tư kinh phí trang bị máy móc cơ giới hóa nông nghiệp. Từ máy bơm nước, máy cày, máy sạ hàng, máy suốt lúa, máy cắt xếp dãy đến máy gặt đập liên hợp đã thay thế dần cách làm thủ công giúp cho người trồng lúa giải quyết bài toán khó về công lao động nông nghiệp.

Với 4 ha lúa, mỗi lần vào vụ thu hoạch, ông Dương Minh Trí ngụ ấp Bình Khương I, xã Bình Phục Nhứt gặp khó khăn trong việc thuê công cắt lúa, suốt lúa. Ông cho biết: khi cánh đồng Bình Phục Nhứt hơn 1.100 ha lúa thu hoạch đồng loạt thì việc tìm nhân công thu hoạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thế là ông đầu tư 150 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp để vừa phục vụ cho việc thu hoạch lúa cho gia đình vừa phục vụ cho người dân trong vùng. Một năm có 3 vụ lúa, mỗi vụ máy gặt đập khoảng 30 ha với giá gặt đập từ 130.000 đến 150.000 đồng/công lúa, mỗi vụ ông thu khoảng 45 triệu đồng, trừ hết chi phí ông có lãi trên 10 triệu đồng. Từ khi đầu tư máy gặt đập liên hợp, ông đã tạo công ăn việc làm cho các con trai trong gia đình và các thanh niên trong xóm. Ngoài nhận gặt đập lúa, ông còn nhận hợp đồng vận chuyển để tạo việc làm cho thanh niên trong xóm.

Khâu thu hoạch được cơ giới hóa sẽ giúp nông dân giảm bớt hao hụt, khâu bảo quản lúa sau thu hoạch quyết định đến chất lượng sản phẩm, do đó nhu cầu sấy lúa ngày một tăng. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều lò sấy lúa ra đời. Mặc dù chỉ giải quyết được một phần nhỏ tổng sản lượng lúa trên địa bàn, nhưng cũng cho thấy sự nhạy bén của người nông dân trong ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Trong đó có anh Lâm Quang Thạnh ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Phục Nhứt đã đầu tư 3 lò sấy với công suất 25 tấn/lò giải quyết 20 đến 26 công nhân. Mỗi công nhân tham gia lao động ở tại lò sấy có thu nhập bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Với 3 lò sấy lúa này , anh đã giải quyết một phần nhu cầu sấy lúa của nông dân trong vùng, với giá thành sấy 170 đồng/kg trừ đi chi phí đầu tư, nhân công , mỗi kg lúa anh Lâm Quang Thạnh còn 50đồng/kg.

Nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được nhiều nông dân trồng lúa quan tâm, nhất là khâu sau thu hoạch. Tuy nhiên, do hầu hết bà con nông dân đều có diện tích sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung nên việc ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước đầu tư trang bị các thiết bị phục vụ cho sản xuất và thu hoạch lại khó đến với người nông dân. Do đó rất cần một tổ chức đứng ra vận động tập hợp nông dân cùng đầu tư trang thiết bị để diện tích lúa hơn 9.000 ha của huyện Chợ Gạo tránh được tình trạng thiếu nhân công trong sản xuất và thất thoát trong thu hoạch, nhằm từng bước hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bài, ảnh: Thanh Thúy - tiengiang.gov.vn
Tin liên quan