Chăn nuôi phát triển sẽ tạo ra những rủi ro cho môi trường sinh thái, nếu các chất thải chăn nuôi, đặc biệt là phân chuồng không được xử lý hiệu quả sẽ là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe của cộng đồng dân cư, trước mắt cũng như lâu dài. Một trong những yếu tố quan trọng, góp phần cho việc định hướng và phát triển chăn nuôi nhưng phải bền vững để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm và bảo vệ được môi trường sinh thái. | |
Hỗ trợ giống và vật tư cho các hộ tham gia mô hình |
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhiều công nghệ đã được áp dụng như: biogas, ủ phân hữu cơ vi sinh, ứng dụng đệm lót sinh học đã góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm và giảm đáng kể mùi hôi từ chất thải chăn nuôi. Xuất phát từ thực trạng trên, Hội Nông dân và Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện việc “Ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi gà tại nông hộ” tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
1. Xây dựng mô hình
Xây dựng mô hình “Ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi gà tại nông hộ”, áp dụng kỹ thuật đồng bộ từ khâu kỹ thuật nuôi gà, quản lý dịch bệnh (phòng bệnh) đến khâu ứng dụng quy trình đệm lót sinh học. Mức hỗ trợ cho 12 hộ với tổng số 2.400 con gà nòi (giống 100%), 30% vật tư gồm thức ăn 3.816 kg, thuốc thú y 36 gói, vaccin 2.880 liều (THT, Gumboro, dịch tả), chế phẩm vi sinh 12 kg (mỗi hộ 200 con, thức ăn 318 kg, thuốc thú y 3 gói, vaccin 240 liều, chế phẩm sinh học 1 kg).
Với kiến thức học được từ buổi tập huấn và lớp đào tạo nghề ngắn hạn các hộ đã áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, ban quản lý dự án còn phối hợp với ngành thú y huyện, xã phòng chống dịch bệnh cúm H5N1 cho các hộ tham gia dự án và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các mô hình trong suốt thời gian thực hiện dự án
Mục đích xây dựng mô hình nâng cao nhận thức, kiến thức cho hội viên, nông dân trong việc đổi mới phương thức sản xuất theo hướng phát triển chăn nuôi bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Góp phần phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và nhân rộng mô hình.
Nhìn chung, các hộ tham gia mô hình đều nhiệt tình, phấn khởi và quyết tâm thực hiện tốt mô hình.
Hỗ trợ giống và vật tư cho các hộ tham gia mô hình
2. Công tác tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà và ứng dụng đệm lót sinh học
Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 01 cuộc tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà và ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi cho 60 lượt và cấp phất 60 bộ tài liệu cho hội viên, nông dân trong vùng thực hiện dự án.
Với nhu cầu ham học hỏi các hộ thực hiện dự án cũng tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi gà thả vườn với kiến thức học được đã ứng dụng vào thực tiễn như: xây dựng chuồng trại, chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho gà.
Cán bộ chuyển giao khoa học kỹ thuật
3. Kết quả triển khai thực hiện mô hình
Qua đánh giá thực tế tại các hộ tham gia thực hiện mô hình Ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi gà tại nông hộ thu được kết quả như sau:
Thứ nhất, về hiệu quả việc ứng dụng khoa học kỹ thuật
Việc ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi gà tại nông hộ được triển khai mở rộng, thông qua xây dựng mô hình, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, báo cáo, sơ tổng kết, thông tin báo, đài phát thanh truyền hình huyện và tiếp tục nhân rộng mô hình.
Thứ hai, về hiệu quả kinh tế mô hình
Đối với con gà: Kết quả bước đầu cho thấy nuôi gà nòi phù hợp với điều kiện thả vườn tại địa phương. Sau 2 tháng nuôi tỷ lệ nuôi sống bình quân trên 93%, gà tăng trọng nhanh trung bình 1kg/con, tỷ lệ tiêu tốn 2kg thức ăn/kg tăng trọng; đều đạt so với yêu cầu đề ra. Trừ các khoản chi phí như: con giống, chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vaccin, lưới rào vườn chăn thả, lợi nhuận thu được bình quân là 3.945.633 đồng/hộ. Trong đó, hộ ông Lâm Văn Lòng đạt lợi nhuận 6.784.600 đồng; ông Nguyễn Minh Thuận lợi nhuận 5.359.000 đồng; thời gian hoạch toán kinh tế là 02 tháng nuôi và sau 2 tháng nuôi các hộ đã chuyển sang cho gà ăn lúa, giá thành sẽ giảm đáng kể.
Hội viên nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật
Đối với đệm lót: Khi sử dụng chế phẩm vi sinh, mùi hôi giảm nhẹ sau 3 - 5 ngày, sau đó không có mùi hôi, giảm công quét dọn chuồng, dịch bệnh ít xảy ra, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chuồng nuôi cũng như môi trường xung quan khu vực, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm an toàn. Nguyên liệu làm đệm lót dễ tìm, dễ thực hiện, kinh phí đầu tư không nhiều, phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, bền vững, nhất là trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án có một vài hộ chưa áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà cũng như ứng dụng đệm lót sinh học dẫn đến chi phí tăng, lợi nhuận thấp.
Gà phát triển tốt và đệm lót không mùi hôi
Thứ ba, về hiệu quả xã hội
Các hộ tham gia dự án đảm bảo phòng bệnh bằng vắc-xin đúng quy trình kỹ thuật, làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất sát trùng định kỳ, thức ăn đảm bảo chất lượng, giúp đàn gà sinh trưởng và phát triển khá tốt.
Cán bộ hướng dẫn hội viên nông dân tiêm phòng vaccin
Dự án đã góp phần tạo việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho thị trường. Đồng thời giúp cho hội viên, nông dân nâng cao kiến thức, ý thức và tích tũy kinh nghiệm trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới gắn với bảo vệ môi trường nông thôn trên diện rộng.
Thứ tư, về hiệu quả môi trường
Khi sử dụng chế phẩm Balasa-N01 rải lên nền chuồng nhằm tiêu hủy mùi hôi, giảm khí độc chuồng nuôi và xung quanh, tạo môi trường trong lành. Đây là giải pháp thích hợp nhất về ô nhiễm môi trường để phát triển chăn nuôi với quy mô gia đình cho hiệu quả cao. Bên cạnh đó, nguyên liệu làm đệm lót (trấu) tái sử dụng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng (ủ phân hữu cơ).
Như vậy, mô hình “Ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi gà tại nông hộ” được đánh giá thành công là tiền đề giúp cho hội viên, nông dân có kiến thức và kinh nghiệm trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi đã mang lại hiệu quả khả quan về kinh tế, xã hội, môi trường, có ý nghĩa lớn trong việc tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và định hướng cho việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất.