Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tăng cường công tác kiểm tra, thu mẫu phân tích dư lượng thuốc BVTV trong thực hiện quản lý, đảm bảo chất lượng nông sản trong sản xuất trồng trọt
(Ngày đăng: 21/11/2023)

Trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng cho nông sản, việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn nông sản thực phẩm luôn được các cấp, các ngành và người tiêu dùng quan tâm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản.
Hình ảnh: Thu hoạch rau tại thị xã Gò Công

 

          Từ năm 2020 đến 2023, với mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và nâng cao uy tín nông sản trên thị trường trong và ngoài nước, tăng hiệu quả quản lý nhà nước về việc chấp hành các qui định an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, ngành đã triển khai hơn 12 cuộc kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các qui định về an toàn vệ sinh nông sản tại các vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh. Qua đó, đã kịp thời thông báo địa phương thu hồi sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến qui định về an toàn vệ sinh nông sản cho người dân.


          Với những kết quả đã đạt được và nỗ lực tuyên truyền, chấn chỉnh qua từng năm. Trong năm 2023, sau thực hiện 04 đợt kiểm tra định kỳ đánh giá các điều kiện thực tế sản xuất ngoài đồng, trao đổi về cách thức, quy trình canh tác của các tổ chức, cá nhân và thực hiện thu 32 mẫu rau, quả để phân tích, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhận thấy ý thức tuân thủ các qui định về an toàn thực phẩm trong sản xuất của người dân ngày càng nâng cao, thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây trồng, tuân thủ tốt các quy trình, kỹ thuật bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất rau, quả, thời gian cách ly đúng quy định quá trình canh tác, kể cả việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đều được người dân thực hiện tốt.

 

Hình ảnh. Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV đang thu mẫu xà lách
tại huyện Gò Công Đông


         Hiệu quả rõ rệt nhất từ việc tuân thủ các qui định vệ sinh an toàn thực phẩm là qua kết quả phân tích 32 mẫu cho thấy, số lượng mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm phospho hữu cơ và carbamat đã giảm tương đối (chỉ có 02/32 mẫu có dư lượng nhưng ở mức an toàn) và không có mẫu có dư lượng vượt mức cho phép so với năm 2022 (có 3/48 mẫu có dư lượng vượt mức cho phép và 04/41 mẫu còn lại có dư lượng nhưng ở mức an toàn).


          Nhằm tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được và nâng cao hiệu quả quản lý nhiệm vụ này trong thời gian tới, trước tiên, cần làm cho người sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm hiểu được ý nghĩa cao cả của việc sản xuất sản phẩm an toàn, xem việc sản xuất sản phẩm an toàn là bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, cao cả hơn nữa là góp phần bảo vệ giống nòi cho quốc gia, nếu đi ngược lại, làm trái với quy định của pháp luật, không tuân thủ tốt các hướng dẫn về sản xuất an toàn vệ sinh cho nông sản và thực phẩm cũng có nghĩa đang làm hại người khác, làm ảnh hưởng kinh tế sản xuất của gia đình và tác động gián tiếp làm suy thoái chất lượng giống nòi của quốc gia.


          Để làm được điều đó, chúng ta cần tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông qua các kênh thông tin đại chúng với những thông điệp thiết thực như “Sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, vì một tương lai khỏe mạnh”; “Sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn là trách nhiệm của người dân với thế hệ tương lai” v.v… Những thông điệp này cần được phát đi rộng khắp trên các đường phố, ngõ xóm, khu dân cư thông qua những băng rôn, khẩu hiệu, nhất là tại các vùng sản xuất trọng điểm.


          Song song với công tác tuyên truyền, cần tăng cường kiểm tra, thu mẫu và mạnh dạn triển khai thực hiện các chế tài, xử phạt vi phạm đối với các nông hộ sản xuất nhỏ, lẻ để mang tính răn đe, thông qua đó, giúp người sản xuất, kinh doanh từng bước ý thức về việc cộng đồng, xã hội đang rất cần được sử dụng những nông sản an toàn.

 

 

Trần Thị Phương Thảo – Chi cục Trồng trọt và BVTV
Tin liên quan