Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội, kết quả và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới
(Ngày đăng: 27/10/2023)

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Toàn cảnh Hội thảo


          Quyết định số 14/QĐ-TTg, ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tại Điều 1 về Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Mục 1 về phạm vi điều chỉnh: quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đối với các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức. Điều 2, những quy định chung, đã làm rõ: Tư vấn là hoạt động cung cấp tri thức, kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cùng với sự phân tích, đánh giá, kiến nghị cho cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền. Phản biện là hoạt động đưa ra nhận xét, đánh giá, phê bình và các khuyến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu và các điều kiện đã quy định hoặc thực trạng đặt ra. Giám định xã hội là hoạt động xác định tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi của đề án hoặc một vấn đề, một sự việc cụ thể. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và các thành viên là hoạt động mang tính xã hội, không vì mục đích lợi nhuận.

 

Đại biểu thảo luận


          Qua gần 10 năm thực hiện Quyết định số 14/QĐ-TTg, ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ, công tác TVPB&GĐXH đã được Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp Hội các tỉnh trong cả nước (trong đó có Liên hiệp Hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) chú trọng, đẩy mạnh, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến khách quan, thẳng thắn và có chất lượng cao về những vấn đề hệ trọng liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. Kết quả TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp Hội các tỉnh đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.


           Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu của Ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội, thuộc liên hiệp Hội Việt Nam, cho rằng:


           Trong thời gian qua, chỉ có một số ít Liên hiệp Hội địa phương triển khai hoạt động giám định xã hội một cách độc lập.


          Chưa có sự phân dịnh rõ nhiệm vụ tư vấn, nhiệm vụ phản biện và giám định xã hội. Phần lớn Liên hiệp Hội địa phương coi TVPB&GĐXH là một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời, vì vậy tư vấn, phản biện và giám định luôn song hành với nhau rong mọi hoạt động; nhiệm vụ giám định xã hội lồng ghép và ẩn vào nội dung tư vấn, phản biện.


          Cách hiểu về Giám định xã hội còn khác nhau. Mặc dù khái niệm “giám định xã hội” đã nêu trong quyết định số 14/2014/QĐ-TTg, nhưng dường như nội hàm của “giám định xã hội” chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau đối với hoạt động này. Thậm chí, có những tổ chức, cá nhân hiểu chức năng giám định xã hội của Liên hiệp Hội đồng nhất với chức năng giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc.

 

Tập huấn công tác TVPB&GĐXH


          Để làm rõ hơn công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp Hội các tỉnh khu vực phía Nam (TP. HCM và các tỉnh Tây Nam bộ), Liên hiệp Hội Việt Nam đã phối hợp với Liên hiệp Hội tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo khoa học về: “Tư vấn, phản biện và giám định xã hội, những vấn đề đặt ra trong thời gian tới”. Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề như:


          - Đánh giá thực trạng công tác TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố phía Nam, nhất là những thành tựu và hạn chế, khó khăn.


            - Những vấn đề đang đặt ra trong công tác TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố phía Nam.


          - Đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố phía Nam trong thời gian tới.


          Tại Hội thảo, ngoài báo cáo trung tâm của Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội, thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam về “Thực trạng triển khai công tác giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp Hội địa phương”, đại biểu đã nghe phát biểu tham luận của Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre; nội dung các tham luận đã giới thiệu khái quát công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội mà các địa phương đã thực hiện theo tinh thần Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ, những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện do cơ chế chính sách chưa phù hợp; nhận thức về tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn khác nhau, còn lúng túng trong cách thực hiện...


          Liên hiệp Hội các tỉnh, thông qua tham luận đã kiến nghị Liên hiệp Hội Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh những quy định không còn phù hợp, đồng thời có sự hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện Quyết định 14 được thuận lợi.


          Cũng tại Hội thảo, Liên hiệp Hội Việt Nam đã dành thời gian tập huấn một số về tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho các đại biểu là thành viên Liên hiệp hội các tỉnh.

 

Hữu Đạt
Tin liên quan