Trước thông tin bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở nước ta, bà con mình cảm thấy lo lắng khi bé bỗng nhiên có nổi mụn nước trên da. Để giúp bà con phân biệt mụn nước nào là đậu mùa khỉ, chúng tôi xin được chia sẻ như sau: | |
Ảnh: Vietnamplus.vn |
Bệnh đậu mùa khỉ biểu hiện bằng một hình ảnh điển hình bao gồm nổi hạch nhiều nơi trong cơ thể, trong chuyên môn gọi là hạch bạch huyết, kèm theo sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể và sau đó là có nhiều mụn đỏ gọi là phát ban trên da. Khởi đầu ban xuất hiện ở mặt sau đó lan ra vùng ngoại vi như tay chân nhiều hơn trong thân thể như ngực, bụng. Khác với thủy đậu, thủy đậu nổi ban đỏ ở trong thân như ngực bụng nhiều hơn và hoàn toàn không có nổi hạch. Bệnh đậu mùa khỉ còn thấy ở vùng mũi miệng và bộ phận sinh dục, các mụn nước vỡ ra thành vết loét. Ở mắt như giác mạc và kết mạc được thấy ở một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân. Phát ban ở bệnh nhân đậu mùa khỉ bắt đầu ở dạng nốt ban đỏ sau đó chuyển sang dạng sẩn gồ lên mặt da, rồi có mụn nước, mụn mủ và cuối cùng khô lại để tạo thành lớp vảy bong ra. Số lượng mụn nước cũng có thể thay đổi từ một đến hàng ngàn cái trên da. Nổi hạch được coi là một đặc điểm điển hình của đậu mùa khỉ, nó có thể được sử dụng để phân biệt giữa bệnh đậu khỉ và các bệnh đậu khác.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal for Research in Applied Sciences and Biotechnology năm 2022 cho thấy có 84,2% bệnh nhân bị sốt, 78,9% bị nổi hạch và 100% bệnh nhân bị sốt và phát ban mụn nước. Một nghiên cứu khác vào năm 2004 cũng cho kết quả tương tự. Nhức đầu và tổn thương da xuất hiện ở 100% bệnh nhân trong khi 82% bệnh nhân báo cáo sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh. Ho được báo cáo ở 73% bệnh nhân, nổi hạch được báo cáo ở 55% bệnh nhân và 18% bệnh nhân báo cáo tình trạng khó chịu. Viêm bờ mi, buồn nôn, nghẹt mũi, đau lưng và đau cơ chỉ được báo cáo ở 9% trường hợp.
Như vậy bà con không nên quá lo lắng khi bé bị nổi mụn nước trên da, hãy bình tĩnh đưa bé đi khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị chính xác./.