Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Sáng chế thiết bị đào đường lắp ống nước sinh hoạt nông thôn tiện dụng
(Ngày đăng: 07/07/2023)

Anh Dương Quốc Thái, Giám đốc Công TNHH Cơ khí Quốc Thái (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) vừa nghiên cứu, sáng chế thành công thiết bị đào đường lắp ống nước sinh hoạt nông thôn (SHNT) rất tiện dụng.
Anh Dương Quốc Thái bên cạnh thiết bị đào đường do anh sáng chế


          Anh Dương Quốc Thái cho biết, qua đặt hàng của một số doanh nghiệp ngành cấp nước SHNT phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho bà con các xã nông thôn mới, anh bắt tay vào nghiên cứu thiết bị đào đường nhằm thay thế lao động thủ công, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cấp nước ở nông thôn.


          Thiết bị này có cấu tạo gồm một đĩa phay bằng thép hình tròn có đường kính từ 1,2 – 1,5 mét (tùy theo công suất của đầu kéo), bề mặt đĩa phay rộng 15cm, được hàn 40 mũi thép hợp kim đảm bảo độ cứng có thể phay được bề mặt đường đất có lẫn đá, sỏi… một cách dễ dàng. Lưỡi phay được bao bọc bởi vỏ thép (hay còn gọi là cạc-te) để gom lượng hỗn hợp đất, đá, sỏi, bêtông trong quá trình đào và thải về một phía của đường rảnh cặp theo đường giao thông.

 

Thiết bị đang vận hành đào đường


          Đĩa phay vận hành nhờ hệ thống trục cạc-đăng, bánh răng truyền động kết nối với cốt máy của đầu kéo Yanmar và hộp giảm tốc với tỷ số truyền được thiết kế phù hợp với tốc độ vòng quay của điã phay (tốc độ chậm, lực phay mạnh). Thiết bị này có trọng lượng khoảng 1 tấn, tùy theo yêu cầu về công suất, đường kính lưỡi phay có thể thiết kế từ 1,2 – 1,5 mét tương ứng với công suất của đầu kéo phải đạt tối thiểu 72 HP trở lên.


          Theo anh Thái, thiết bị này mỗi giờ có thể đào trên200 mét đường có bề ngang khoảng 20cm, sâu từ 45 – 60cm. Điểm đặc biệt là đường rảnh đào được nén chặt, không gây sạt đất, đá con và xà bần (đất, đá, sỏi lẫn lộn) được thải gọn về một phía đường rảnh nên việc lắp đặt hệ thống ống nướcrất thuận lợi. Để tạo ra phiên bản hoàn chỉnh này, anh phải mất hơn 1 tháng mày mò nghiên cứu và bán phế liệu hết 4 bộ đĩa phay mới tạo ra thiết bị hoàn chỉnh theo ý muốn. Theo tính toán của anh Thái, thiết bị đào đường do anh sáng chế có giá bán khoảng 130 triệu đồng (chưa bao gồm đầu kéo có giá khoảng 220 triệu đồng).


          Ông Nguyễn Văn Mến, Tổ trưởng tổ hợp tác nước SHNT ấp Bình Thuận, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo cho biết, qua giới thiệu của người quen, lần đầu tiên ông thuê anh Thái đào 500 mét đường rảnh để lắp đường ống nước 
Ø90 cặp đường nhựa ấp Bình Thuận cung cấp nước sạch cho bà con trong xã với giá khoán gọn 10 triệu đồng. Theo ông Mến, thiết bị này đào rất nhanh, chỉ mất khoảng 2 giờ đã hoàn thành đoạn đường rảnh dài 500 mét, trong khi lao động thủ công mỗi ngày chỉ đào được tối đa khoảng 20 – 30 mét (tùy theo đường đất hay đường có lẫn nhiều đá, sỏi) với chi phí thuê mướn từ 380 – 400 ngàn đồng/người/ngày. Như vậy, so với thuê lao động thực hiện bằng biện pháp thủ công, thiết bị này vừa giúp ông Nguyễn Văn Mến tiết kiệm chi phí, vừa giúp rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo cung cấp nước sạch kịp thời cho bà con, nhất là trong mùa nắng.


          Hiện anh Dương Quốc Thái đang hoàn chỉnh thiết bị trên để gửi hồ sơ đăng ký tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV, năm 2022 – 2023.

 

Hồng Yến
Tin liên quan