Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời “ĐỀ CƯƠNG VĂN HOÁ VIỆT NAM (1943-2023)”, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận Trung ương đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đến dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản… cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ… | |
Lãnh đạo tỉnh dự Hội thảo |
Phát biểu chỉ đạo và đề dẫn, Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định “Hội thảo là hoạt động rất có ý nghĩa để chúng ta tôn vinh, nhận thức rõ hơn về giá trị lịch sử, chính trị, khoa học và tầm vóc thời đại về sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tiến trình phát triển của nền văn hóa và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người trong Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng và kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, quán triệt sâu sắc bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị này. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hóa mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội ” (Trích Báo nhân dân ngày 28/2/2023).
Quang cảnh Hội nghị bàn tròn tại điểm cầu Trung ương
Phát biểu tham luận Trung tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Văn Hùng, đã nêu rõ: “Cách đây 80 năm, vào tháng 2/1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa). Thời điểm và bối cảnh ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Vì vậy, ngày hôm nay, tại Hội thảo quan trọng này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại và khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới nhằm hiện thực hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và cụ thể hóa lộ trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”.
Hội thảo cũng được nghe các nhà quản lý, nhà nghiên cứu phân tích làm rõ thêm giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp tiếp tục cụ thể hoá Đề cương về văn hóa Việt Nam gắn với việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Đảng về lĩnh vực Văn hoá.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyễn Trọng Nghĩa, đánh giá cao việc phối hợp tổ chức Hội thảo, sự tham gia tích cực của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, những người trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực văn hoá, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết Ban tổ chức Hội thảo nhận được 1 báo cáo trung tâm và 173 tham luận của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước./.