Giải pháp canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tiên tiến, tiết kiệm nước là một giải pháp hữu hiệu, có tính đột phá cho vùng khô hạn, thiếu nguồn nước và trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông sản, cải thiện đời sống người dân. | |
Tập huấn cho nông dân tham gia các mô hình |
Thị xã Gò Công thuộc các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang, có diện tích sản xuất cây rau màu – thực phẩm tương đối lớn trên 5.000 ha. Tuy nhiên do tình trạng hạn hán xâm nhập mặn ngày càng gay gắt trong năm 2019 – 2020, vì vậy tình hình sản xuất nông nghiệp, cụ thể là cây rau màu gặp nhiều khó khăn do chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Trong thời gian vừa qua, việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu là xu hướng hiện nay được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Gò Công.
Nông dân tham quan thực tế mô hình trồng dưa leo
ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại nhà màng ông Việt.
Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Gò Công đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh Tiền Giang tổ chức lớp Tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác dưa leo cà chua bi thuộc Dự án sản xuất thử nghiệm “Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp nhà màng trong canh tác rau ăn quả trên địa bàn thị xã Gò Công – tỉnh Tiền Giang” với 30 nông dân nòng cốt tại nhà màng ông Nguyễn Văn Việt ngụ ấp 5, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công và dẫn nông dân tham quan nhà màng trồng dưa leo và cà chua bi ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để nông dân trao đổi học tập chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong sản xuất rau ăn quả trong nhà màng.
Nội dung buổi tập huấn bao gồm quy trình trồng dưa leo và cà chua bi gồm các khâu chọn giống, chuẩn bị hạt giống, giá thể, chuẩn bị bầu trồng, trồng, chăm sóc và thu hoạch.
Nội dung chi tiết của quy trình:
* Chọn giống: Chọn giống của công ty uy tín, có chất lượng quả tốt, năng suất cao ổn định, thị trường ưa chuộng, kháng bệnh tốt. Ví dụ: chọn giống dưa leo tự thụ năng suất cao, giống cà chua bi Thúy Hồng, giống Laila, giống Picota….
Nông dân tham quan thực tế nhà màng trồng dưa leo tại nhà màng ông Việt
* Chuẩn bị hạt giống:
+ Khâu ủ, ươm hạt: ngâm 2 giờ, rửa sạch, để ráo, ủ riêng hạt chìm và nổi, pha thuốc ngấm, ngâm 3 phút để xử lý bề mặt hạt tránh nhiễm mầm bệnh, ủ 24 – 30 giờ, hạt sẽ nứt mầm.
+ Ra khay tưới nước: Gieo hạt vào khay khi hạt đã nứt mầm khoảng 1-3 mm, phương pháp tưới ngấm có tác động cho lá bền vững và lượng nước được đồng đều ở các lỗ khay, giai đoạn này cần chú ý nhện đỏ, nấm sẽ gây hại đến lá mầm làm cho cây không đủ dinh dưỡng khi bộ rễ đang yếu.
+ Khâu ủ, ươm hạt: Chú ý thành phần phối trộn giá thể bao gồm: 70% vụ xơ dừa và 30% trùng quế ẩm độ 50 – 55% (tránh dùng phân chuồng chưa được ủ hoai), có thể bổ sung vi sinh bột để khống chế nguồn nấm bệnh hay vi khuẩn.
+ Ra, bầu, tưới nước: Tưới nước trước khi trồng 30 phút, bổ sung dinh dưỡng N-P-K cho giá thể 1 đến 2 ngày đầu, chú ý phun định kỳ Mg, Fe, N sau 10 ngày trồng vì giai đoạn này bộ rễ cây không đủ khỏe.
Nông dân tham quan tập huấn mô hình cà bi-2022
* Chuẩn bị giá thể và bầu trồng: Vật liệu để sử dụng làm giá thể là mụn dừa đã qua xử lý, phân chuồng ủ hoai tỷ lệ 8 phần xơ dừa và 2 phần phân chuồng và bổ sung 200 kg phân hữu cơ vi sinh cho 1.000 m2 diện tích trồng, các bầu trồng chứa khoảng 8 lít giá thể.
* Trồng và chăm sóc: Cây dưa leo sau khi gieo khoảng 7 ngày là có thể đem trồng, cây có 2 lá mầm và 1 lá thật, cây khỏe mạnh, tươi tốt. Cây cà chua bi sau khi gieo khoảng 20 ngày là có thể đem trồng, cây cao khoảng 15 cm có 4 cặp lá. Mật độ trồng đối với dưa leo và cà chua bi trong mùa nắng: 2500 – 2800 cây/1000 m2, trong mùa mưa: 2000 – 2200 cây/1000 m2.
* Phòng trừ các loại côn trùng gây hại như: bọ phấn trắng, bọ trĩ và nhện đỏ. Các loại bệnh hại trên Dưa leo: Nứt thân xì mủ, phấn trắng, sương mai… Trên cà chua bi gồm bệnh mốc xám (đốm lá) do nấm Cercospora sp.: Sử dụng các biện pháp cơ học để phòng trừ, cách ly sau mỗi vụ, phun thuốc xử lý và rải vôi khử trùng trong giai đoạn không có cây trong vườn để tiêu diệt mầm bệnh và sâu bọ. Sử dụng một số loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc... để phòng trừ.
* Thu hoạch: Đối với dưa leo có thể thu hoạch sau 32 ngày trồng, thời gian thu hoạch khoảng 30 ngày, cà chua bi thu hoạch sau khoảng 80 ngày trồng, thời gian thu hoạch kéo dài 80 – 90 ngày.
Theo ông Nguyễn Văn Việt cho biết: “Canh tác rau ăn quả sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, gia đình tôi không còn phải vất vả tưới nước cho cây hàng ngày, đặc biệt là vào mùa khô lại còn tiết kiệm được các chi phí điện, nước, năng suất tăng rất nhiều so với trước. Bởi vì, với hệ thống tưới nhỏ giọt nước được cấp trực tiếp cho cây trồng, không bị thất thoát do bốc hơi và nước thấm sâu hơn. Tưới nhỏ giọt còn có khả năng giữ được độ ẩm đồng đều trong tầng đất canh tác”.
Theo Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã Gò Công cho biết: “Xây dựng mô hình sản xuất dưa lưới và cà chua bi trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhằm nâng cao giá trị, cải thiện thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Gò Công và xu hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị góp phần đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới góp phần chuyển dần hình thức sản xuất rau màu theo hướng nhỏ lẻ, thủ công sang sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và tăng năng suất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”./.