Sáng ngày 18/10/2022, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến thông tin kết quả Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì và trực tiếp thông tin. | |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị (ảnh tư liệu) |
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hội nghị còn có các đồng chí nguyên Bí thư, Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đang sinh hoạt trên địa bàn thành phố Mỹ Tho; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đang công tác trên địa bàn thành phố Mỹ Tho; thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh. Hội nghị được tổ chức kết nối 290 điểm cầu trong toàn tỉnh, với gần 36 ngàn đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh dự.
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 3/10/2022 đến ngày 9/10/2022, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ sáu để xem xét thảo luận, cho ý kiến các tờ trình, đề án, báo cáo của Bộ Chính trị liên quan một số vấn đề lớn, cơ bản và quan trọng: (1) Về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 (2) Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (3) Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (4) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (5) Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị một số công việc quan trọng khác và về công tác cán bộ.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ,
Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang.
VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023; KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 3 NĂM 2023 - 2025; PHƯƠNG ÁN ĐIỀU CHỈNH TIỀN LƯƠNG, LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ TRỢ CẤP ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG TRONG NĂM 2023
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất ban hành Kết luận về kinh tế - xã hội năm 2022 – 2023, như sau:
Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo tại thời điểm xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột quân sự Nga - U-crai-na xảy ra và còn kéo dài; lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khoá dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng; nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực ngày càng hiện hữu... Trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống.
Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Kết luận số 20-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức khoảng 4%, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt 14,3% dự toán; xuất khẩu tăng khoảng 9,5%, tiếp tục xuất siêu; an ninh năng lượng (điện, xăng, dầu), an ninh lương thực, thực phẩm được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi nhanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai các kết luận của Bộ Chính trị về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 - 2023) và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả, góp phần kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tập trung tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; vừa xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm, vừa ứng phó kịp thời với những biến động của tình hình thế giới, khu vực và giải quyết những vấn đề mới phát sinh. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu, cả 3 khu vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh; tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 8% (mục tiêu đề ra là 6 - 6,5%).
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng và có hiệu quả.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm; an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được bảo đảm; tỉ lệ hộ nghèo giảm 1%. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển; quan tâm bố trí nguồn lực của Nhà nước, đồng thời phát huy các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hoá. Phát triển nguồn nhân lực gắn với nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số được đẩy mạnh. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần củng cố và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
…
Đại biểu dự tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Từ những kết quả đạt được và hạn chế, khó khăn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2022 là:
- Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế để sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
- Theo dõi chặt chẽ, dự báo diễn biến chính sách tài khoá, tiền tệ của các nước lớn, là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; thường xuyên cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, hạn mức tín dụng, các cân đối lớn để chủ động trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành; có giải pháp về nguồn hàng, điều tiết sản xuất, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, đời sống, nhất là các mặt hàng thiết yếu, điện, xăng, dầu.
- Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà, hiệu quả với điều hành chính sách tài khoá nới lỏng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm cung cấp đủ tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
- Thúc đẩy tăng thu ngân sách nhà nước, kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo tinh thần vướng mắc ở cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động sửa đổi, hoàn thiện; đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch.
- Tập trung giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế lớn; quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội; có các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội.
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện bộ máy bên trong tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất cần rà soát, có giải pháp huy động đủ nguồn lực để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công; củng cố vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phát huy tính chủ động, sáng tạo của ngân sách địa phương. Đẩy mạnh công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, thất thu thuế trong thương mại điện tử, quản lý chặt chẽ hoàn thuế; đôn đốc thu hồi, giảm tỉ lệ nợ đọng thuế. Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh giá các hàng hoá quan trọng, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá, nhất là giá xăng, dầu, điện, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đời sống và kiểm soát lạm phát.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2023.