Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Khai thác hiệu quả tiềm năng nuôi thủy sản ven biển Gò Công thích ứng biến đổi khí hậu
(Ngày đăng: 18/10/2022)

Tiền Giang có bờ biển dài trên 30 km, án ngữ các cửa sông lớn: Soài Rạp trên sông Soài Rạp ở phía Bắc và Cửa Tiểu, Cửa Đại trên sông Tiền ở phía Nam; nhiều cù lao, cồn bãi ven biển có tiềm năng lớn về phát triển nuôi thủy sản nước mặn, lợ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững vùng duyên hải phía Đông đồng thời xây dựng nông thôn mới tại những địa bàn khó khăn sớm thành công.
Nuôi tôm công nghệ cao ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông


          Tùy theo đặc thù địa phương, các huyện ven biển Gò Công: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông định hướng phát triển ngành nuôi thủy sản nước mặn, lợ một cách phù hợp gắn với qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kiến thiết hạ tầng vùng nuôi, khuyến khích nông dân áp dụng và nhân rộng những mô hình nuôi hiệu quả, hàm lượng khoa học công nghệ cao, đảm bảo an toàn cho sức khỏe và môi trường sinh thái.


          Với việc thực hiện mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng nuôi thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nhân dân những địa bàn khó khăn ổn định sản xuất và đời sống, các huyện ven biển Gò Công hiện đã đưa gần 11.000 ha mặt nước vào nuôi thủy sản lợ, mặn phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.


         Trong 9 tháng đầu năm 2022, nông dân các địa phương trên đã thu hoạch được gần 42.000 tấn thủy sản các loại, chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ, nghêu… có giá trị kinh tế cao.


          Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết, Tân Phú Đông là huyện cù lao nằm hạ lưu sông Tiền tiếp giáp biển Đông. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển ngành nuôi thủy sản mặn, lợ mạnh mẽ và bền vững, giúp người dân miền đất khó tạo dựng cơ nghiệp. Theo ông Bùi Thái Sơn, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, Tân Phú Đông qui hoạch vùng nuôi trồng thủy sản ven biển gần 5.000 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích đất nông nghiệp hiện có của địa phương với sản lượng hàng năm trên 31.000 tấn sản phẩm.


          Để đảm bảo thành công cho nông dân, một mặt huyện chuyển giao khoa học công nghệ thâm canh, một mặt khuyến khích bà con chuyển đổi từ những mô hình nuôi truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế sang nhân rộng những mô hình nuôi ứng dụng khoa học công nghệ cao và thích ứng biến đồi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, bền vững với môi sinh, môi trường và sức khỏe con người.


          Hiện nay, nhiều mô hình nuôi đang khẳng định tính hiệu quả cao và an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai như: nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh, mô hình tôm – lúa, kết hợp nuôi nhiều đối tượng thủy sản có giá trị: tôm – cua – cá trong ao nuôi tôm quảng canh,…


          Năm 2022, tình hình nuôi thủy sản tại huyện Tân Phú Đông thuận lợi, các loại thủy sản nuôi có giá, nông dân rất phấn khởi, tích cực khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau đại dịch COVID-19. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, qua hai vụ nuôi liên tiếp trong năm, toàn huyện thả nuôi 7.280 ha, vượt 1,4% chỉ tiêu năm 2022. Đến đầu tháng 10/2022, bà con thu hoạch đạt sản lượng trên 26.000 tấn, tăng gần 9.500 tấn so với cùng kỳ năm trước và đạt trên 90% chỉ tiêu cả năm.


          Nông dân Phạm Văn Lẹ, cư ngụ tại ấp Kênh Nhiếm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông có 3 ha mặt nước nuôi tôm thẻ. Mỗi năm ông nuôi 3 vụ tôm thẻ. Trung bình mỗi vụ kéo dài trong thời gian khoảng 100 ngày. Thời gian còn lại cho ao nghỉ, xử lý nền đáy ao, xử lý mầm bệnh để chuẩn bị tốt cho các vụ nuôi tiếp theo trong năm.


          Ông Phạm Văn Lẹ chia sẻ, trung bình mỗi năm ông đạt sản lượng tôm thương phẩm khoảng 24 tấn, bán trừ chi phí còn lãi ròng từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/ năm. Nhờ phát huy tiềm năng đất nhiễm mặn đưa vào nuôi tôm thẻ thích ứng biến đổi khí hậu, ông Phạm Văn Lẹ đã tạo dựng cơ nghiệp bền vững, trở thành điển hình nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi ở huyện cù lao Tân Phú Đông.


         Huyện Gò Công Đông nằm duyên hải Gò Công cũng xác định phát huy tiềm năng nuôi thủy sản mặn, lợ làm trụ cột cho nền kinh tế địa phương. Theo Trưởng phỏng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, tôm sú, tôm thẻ, nghêu và nhuyễn thể hai mãnh võ đang là những đối tượng nuôi chủ lực của huyện ven biển.


         Ông Nguyễn Văn Quí cho biết, trước mắt, Gò Công Đông đã định hình những vùng nuôi thủy sản quan trọng như: vùng nuôi Bắc Gò Công, vùng nuôi Nam Gò Công, vùng nuôi nghêu ven biển Tân Thành,…Đặc biệt, Gò Công Đông từ lâu đã nổi tiếng với vùng nuôi nghêu Tân Thành rộng 2.200 ha kết hợp phát triển du lịch sinh thái biển, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động miền biển, giúp nhiều hộ dân dựng nên cơ nghiệp bền vững.


          Trong 9 tháng đầu năm 2022, huyện Gò Công Đông cũng đã thả nuôi dứt điểm vụ I và vụ II với tổng diện tích tôm sú, tôm thẻ theo mô hình thâm canh gần 850 ha đồng thời các sân nuôi nghêu cũng thả giống lấp vụ trở lại. Sản lượng tôm, nghêu nuôi thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt gần 15.000 tấn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.


          Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, để giúp các huyện ven biển phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh nuôi thủy sản mặn, lợ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, Ngành Nông nghiệp tích cực chuyển giao khoa học công nghệ cho vùng nuôi, khuyến khích nông dân chuyển đổi các mô hình nuôi ao đất, diện tích ao nuôi lớn, quản lý ao nuôi khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả không cao sang các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm 02 – 03 giai đoạn có qui mô diện tích mặt nước nhỏ nhưng mật độ thả cao, chủ động được thời vụ sản xuất, năng suất cao, thích ứng biến đổi khí hậu…


          Ước tính, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở các huyện ven biển tỉnh Tiền Giang hiện phát triển lên gần 300 ha, năng suất dao động trong khoảng 40 – 60 tấn tôm/ha, cao gấp chục lần so với nuôi tôm theo mô hình truyền thống./.

 

Minh Trí
Tin liên quan