Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất tại các vùng thuần nông và thường xuyên ngập lũ sông Cửu Long, nông dân trong tỉnh đang nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản trên chân ruộng theo kiểu lúa + cá, lúa + tôm càng xanh, ương dưỡng cá giống trên ruộng lúa, VAC, khai thác bãi bồi nuôi cá da trơn xuất khẩu, nuôi thủy sản trên hệ cồn bãi cù lao... được đánh giá là cho hiệu quả kinh tế lớn gấp 3 - 5 lần khi độc canh cây lúa. Nhờ vậy, thực sự mở ra những hướng đi mới cho nông nghiệp - nông thôn, đồng thời cụ thể hóa chủ trương chung sống với lũ lụt sông Cửu Long. | |
Mô hình làng ương dưỡng cá giống Tân Hội và Nhị Mỹ (Cai Lậy), ương dưỡng cá giống trên ruộng lúa tại các xã Đồng Tháp Mười: Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B (Cái Bè), cá + lúa ở Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) và Tân Hội (Cai Lậy) đang được tỉnh nhân rộng thành phong trào nhằm giúp nông dân khai thác tốt các nguồn lực đất đai, lao động để làm giàu. Theo ông Âu Văn On, một kiện tướng nuôi cá giống trên ruộng ở Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè), mỗi năm nông dân có thể thu lợi từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/ ha chỉ riêng từ nguồn lợi bán cá giống. Từ một miền đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng đặc trưng cho Đồng Tháp Mười, khu vực ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A, nơi 100% diện tích áp dụng mô hình ương dưỡng cá giống trên ruộng lúa đã trở thành làng triệu phú với những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ và cuộc sống người nông dân thay đổi đến tận gốc rễ.
Để tạo thuận lợi cho việc phát triển và nhân rộng những mô hình nuôi thủy sản nước ngọt hiệu quả hướng đến xuất khẩu, tỉnh Tiền Giang đã qui hoạch các vùng nuôi tập trung: cá da trơn, tôm càng xanh, các đối tượng thủy sản khác một cách phù hợp gắn với công nghiệp chế biến xuất khẩu tùy theo đặc điểm từng vùng và tập quán, trình độ canh tác của bà con. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đưa nội dung trên vào kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ tỉnh đến tận cơ sở trong giai đoạn từ nay đến 2010 và tầm nhìn 2020. Tiền Giang mở rộng diện tích mặt nước đưa vào nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu lên trên 5.400 ha, tăng trên 10,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung tại các huyện phía Tây tỉnh: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước. Đến cuối năm nay, tỉnh phấn đấu mở rộng diện tích mặt nước đưa vào nuôi thủy sản nước ngọt lên gần 6.500 ha./.