Sáng ngày 28/8/2022, tại Hội trường Bệnh viện K120, Quân khu 9 (P.6, TP. Mỹ Tho), Hội Sinh vật cảnh tỉnh Tiền Giang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức khai giảng lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây kiềng. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật cùng hơn 50 học viên là cán bộ, công chức chức đã nghỉ hưu, viên chức bệnh viện K120 cùng nhà vườn, nông dân yêu thích hoa kiểng tham dự lớp học. | |
Ông Phạm Văn Chính – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh phát biểu khai giảng lớp dạy nghề |
Tham dự lớp học, học viên được các nghệ nhân (cấp tỉnh và trung ương) hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và tạo dáng cho cây kiểng. Theo kế hoạch, lớp học sẽ kéo dài trong 20 buổi (học vào thứ bảy và chủ nhật); trong đó, thời gian học lý thuyết chiếm khoảng 20%, 80% thời gian còn lại dành cho thực hành.
Trong phần lý thuyết, học viên được hướng dẫn các bước chuẩn bị đất và trồng, tưới nước, bón phân, phòng bệnh cho cây kiểng… giới thiệu một số hình ảnh cây kiểng mẫu có dáng, thế chuẩn để học viên tham khảo. Trong thời gian thực hành, học viên sẽ trực tiếp uốn, tạo dáng cho cây kiểng (tạo dáng bonsai, kiểng cổ) theo hướng dẫn của nghệ nhân (học viên được khuyến khích mang theo cây kiểng để thực hành). Sau đó, Ban tổ chức lớp sẽ bố trí cho học viên đi thực hành tại một số vườn kiểng trong tỉnh.
Quang cảnh buổi khai giảng
Cuối khóa học, học viên được Hội Sinh vật cảnh cấp thẻ hội viên và được Tring tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) cấp giấy chứng nhận.
Được biết, đây là lớp dạy nghề thứ 5 do Hội Sinh vật cảnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức (trước đó, khai giảng 3 lớp tại huyện Cai Lậy và 1 lớp tại huyện Chợ Gạo) miễn phí (nguồn kinh phí do Hội Sinh vật cảnh tỉnh vận động dưới hình thức xã hội hóa).
Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Phạm Văn Chính, Chủ tịch hội Sinh vật cảnh tỉnh thông tin: Trước đây, sinh vật cảnh được xem là nghề giúp mang lại thú vui tao nhã hay chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của giới thượng lưu nhưng ngày nay nghề sinh vật cảnh đã trở thành ngành kinh tế thật sự. Theo Nghị định 52 của Chính phủ, sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh được công nhận là một trong bảy ngành nghề nông thôn được hưởng một số chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đặc biệt, trong năm 2022, Chính phủ ban hành Quyết định 919, quy định nhóm sinh vật cảnh (gồm hoa, cây cảnh, động vật cảnh) là một trong sáu nhóm sản phẩm được ưu tiên phát triển thành sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) gắn với xây dựng vùng nguyên liệu theo các tiêu chí quy định. Từ đó, mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển của nghề sinh vật cảnh gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.