Hiện nay, tấm nylon, túi nylon bằng vật liệu PP, PE được dùng rất phổ biến trong sinh hoạt gia đình, trong sản xuất nông nghiệp và ngay cả trên đồng ruộng bằng màng phủ nông nghiệp. Việc ứng dụng vật liệu này mang lại hiệu quả trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ là một thảm họa về môi trường, vì chất liệu PP, PE có thể tồn tại hàng ngàn năm, thậm chí hàng triệu năm trong lòng đất. | |
Màng phủ nông nghiệp bằng vật liệu PE về lâu dài có nguy cơ gây hậu quả xấu về môi trường |
Để giải quyết vấn đề trên, các nhà khoa học có tâm huyết về bảo vệ môi trường đã nghiên cứu ra một loại nylon sinh học có thể tự hủy sau 18 tháng bị thải loại ra bãi rác và nhất là không gây ô nhiễm môi trường.
Ở Việt Nam, từ tháng 12/2002 toàn bộ 2/3 số lượng bao nylon của Co-op được sản xuất từ chất liệu mới này và hiện nay đã nâng lên xấp xỉ 100%. Chất liệu mới vẫn đảm bảo như túi nylon thông thường, nhưng chúng có khả năng tự hủy sau 18 tháng và không gây ô nhiễm môi trường.
Chất liệu Polyethylen được tìm ra vào những năm 30 của thế kỷ trước, nhưng phải đợi tới thập niên 70 thì những ứng dụng của nó mới được sử dụng rộng rãi trong các siêu thị, thời gian phân hủy của một bao nylon rất dài có thể đến hàng triệu năm. Hàng năm có đến 8 tỷ bao nylon dứt vào môi trường bởi người Anh, 2 tỷ bởi người Trung Quốc, một tỷ bởi người Việt Nam… Chúng sẽ tồn tại rất lâu làm ô nhiễm nặng nề môi trường đất mà chúng ta đang sống. Chất liệu sinh học mà họ dùng để làm túi nylon là một chất phân hủy vô hại đối với môi trường và con người. Đó là một loại ion kim loại được đưa vào cuối quy trình trộn Polyethylen sản xuất bao nylon. Tuổi thọ của các bao này tùy theo tính năng sử dụng của nó. Các loại túi nylon bình thường không có tính năng tự phân hủy vì chúng được cấu thành từ các chuỗi phân tử rất dài. Trong khi khối lượng của một phân tử nước là 18, carbon là 4, thì khối lượng phân tử của Polyethylen là 300.000, cao gấp gần 16.000 lần phân tử nước. Theo Michael Stephans, giám đốc kỹ thuật của Symphony plastics, tại Anh người ta đã tìm cách bẻ gãy chuỗi phân tử polyethylene từ năm 1996 để tìm ra một chất liệu mới có các đặc tính của các chất dẻo bình thường: nhẹ, kín, không thấm và dẻo dai, nhưng thời gian tồn tại của nó trong môi trường ngắn. Công nghệ mới của Symphony plastics cho phép giảm khối lượng phân tử của polyethylene từ 300.000 xuống còn 4.000, điều này giúp phân hủy các phân tử bằng vi sinh vật.
Hiệp hội hữu nghị vì môi trường trái đất coi việc phát minh túi nylon tự tiêu như một bước tiến nhỏ tích cực trên một chặng đường dài trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Từ ứng dụng thành công trên, các nhà nghiên cứu đã ứng dụng công nghệ mới này cho các việc đóng gói khác: túi đông lạnh, các loại giấy thô cùng nhiều loại bao bì đóng gói khác.
Các nhà chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu đánh giá nylon sinh học có thể đáp ứng một số ứng dụng như: trong nông nghiệp, phân hữu cơ tổng hợp, nhưng về lâu dài có thể đặt ra những vấn đề trong sử dụng hàng tiêu dùng.
Hy vọng trong thời gian tới vật liệu nylon sinh học sẽ được ứng dụng phổ biến hơn nữa trong các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần đưa trái đất chúng ta tránh được hiểm họa do vật liệu nylon polyethylene gây ra./.