Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Kinh nghiệm về tăng trưởng xanh của hàn quốc và một số suy nghĩ gợi mở chính sách cho việt nam
(Ngày đăng: 25/06/2022)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu là nguy cơ lớn đối với sự phát triển của nhân loại và những nguồn lực truyền thống cho tăng trưởng kinh tế như tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, tăng trưởng xanh được xem là một trong những phương thức phát triển của thế giới. Đối với Việt Nam, tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo xu hướng tiên phong như tăng trưởng xanh đặt ra những yêu cầu và thách thức không nhỏ. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước như Hàn quốc sẽ đem lại những gợi mở chính sách cần thiết và thực tiễn cụ thể để nước ta có những bước đi phù hợp, đúng đắn trong lộ trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

   

          Cho đến nay, hàng loạt tuyên bố và thỏa thuận quốc tế đã đưa ra những quan niệm riêng, từ đó xây dựng nên mô hình “tăng trưởng xanh” của mình. Dù theo hướng tiếp cận nào, những mô hình tăng trưởng xanh đều bao gồm 3 trụ cột chính: 1) Phát triển kinh tế bền vững, như đảm bảo tăng trưởng bền vững, cơ cấu kinh tế tiến bộ, tạo việc làm,…; 2) Đảm bảo môi trường bền vững thông qua giảm phát thải carbon, hạn chế suy giảm các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường: 3) Gắn kết xã hội thông qua giảm nghèo đảm bảo bình đẳng trước các cơ hội mà nền kinh tế xanh tạo ra, đem lại môi trường sống trong lành…


          Báo cáo “Hướng tới nền kinh tế xanh - Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” của Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) cho rằng, không có sự hoán đổi giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Quá trình “xanh hóa” không cản trở các cơ hội tạo ra của cải, việc làm, thậm chí nhiều khu vực kinh tế xanh lại là những cơ hội lớn để đầu tư sinh lợi nhuận và tạo ra việc làm. Tăng trưởng xanh không phải chỉ phù hợp với các nước giàu mà thực tế cho thấy, quá trình nầy đang diễn ra thành công ngay cả ở những nền kinh tế đang phát triển. Vấn đề quan trọng là thiết lập một khuông khổ chính sách, chiến lược mới và phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh.


          Tiến trình thực hiện tăng trưởng xanh của Hàn Quốc


          Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đặt ra tầm nhìn đưa Hàn Quốc trở thành 1 trong những 7 quốc gia “xanh” nhất thế giới vào năm 2020 và trở thành 1 trong 5 quốc gia “xanh” nhất thế giới vào năm 2050. Chiến lược nầy đưa ra 3 mục tiêu: 1/ Thúc đẩy quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; 2/ Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy cách mạng xanh trong lối sống; 3/ Đóng góp cho các nổ lực quốc tế về chống biến đổi khí hậu và một số biện pháp cụ thể để thực hiện.


          Chính Hàn Quốc đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng và sau đó ráo riết triển khai chiến lược và các chính sách tăng trưởng xanh. Ngay từ tháng 1/2009, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố “Tầm nhìn và chiến lược phát triển cho động lực tăng trưởng mới” với 17 động cơ tăng trưởng. Chính phủ cũng khuyến khích khu vực tư nhân tham gia bằng gắn các động cơ tăng trưởng nầy với Gói kích thích kinh tế xanh và Dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh.


          Nhiều dự án, chương trình cụ thể đã được thực hiện nhằm xanh hóa nền kinh tế Hàn Quốc. Chính hủ Hàn Quốc đã triển khai Dự án cải tạo 4 dòng sông lớn cùng với 14 nhánh sông nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo nguồn nước, ngăn chặn lũ lụt, tạo không gian và khôi phục văn hóa cho cộng đồng địa phương. Trong lĩnh vực an ninh năng lượng, Hàn Quốc tập trung vào bảo tồn và tiết kiệm năng lượng, coi đây là một dạng “nhiên liệu mới”. Trong lĩnh vực đô thị xanh, Chính phủ Hàn Quốc ban hành bản hướng dẫn xây dựng đô thị để đạt được các tiêu chuẩn về một thành phố xanh ít cac bon. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hiện xem Hàn Quốc là nước có hệ thống quản lý rác thải tốt nhất thế giới nhờ chuyển từ mô hình quản lý theo hướng phòng tránh ô nhiễm môi trường sang mô hình quản lý toàn diện thông qua tái chế và nâng cao năng suất.


          Trong lĩnh vực giao thông, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua Chiến lược thúc đẩy giao thông “xanh”, ít cac bon, trong đó không chỉ yêu cầu hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn khuyến khích những hành động hết sức đơn giản như đi bộ và sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông hàng ngày. Để đưa lối sống xanh vào trong dân cư, Chính phủ Hàn Quốc đã phát động những chiến dịch gần gũi, mang đến những thay đổi dù chỉ rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng lại đóng góp lớn vào quá trình tăng trưởng xanh của quốc gia.


          Chính phủ Hàn Quốc cũng có những kế hoạch phát triển lực lượng lao động phục vụ cho nền kinh tế xanh trên toàn quốc gắn liền với tạo ra việc làm xanh và xây dựng nền giáo dục xanh. Trong hợp tác quốc tế, Hàn Quốc tích cực tạo ra một mạng lưới xanh toàn cầu và xây dựng đối tác với các nước đang phát triển trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc đã gia tăng nguồn vốn hỗ trợ phát triển để thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện chính sách tăng trưởng xanh tại các nước đang phát triển ở châu Á.


          Mặc dù tiến trình tăng trưởng xanh của Hàn Quốc đã đạt được thành tựu khả quan, song cũng đã bộc lộ một số điểm yếu. Xanh hóa một quốc gia là quá trình lâu dài. Trong thời gian đầu, những người ủng hộ tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc đã coi phát triển bền vững là một khái niệm của phương Tây và không phù hợp với Hàn Quốc. Vì vậy, trong quá trình thiết lập những thể chế cho tăng trưởng xanh, ban đầu ở Hàn Quốc có những “phân biệt đối xử” so với quan điểm phát triển bền vững truyền thống. Vì vậy, sau năm 2010 đã có những sự thay đổi, điều chỉnh lại chính sách tăng trưởng xanh mà thời kỳ trước đã đặt ra cho phù hợp với tình hình mới. Nhờ vậy tăng trưởng “xanh” của Hàn Quốc mới đạt được những thành tựu cho đến ngày hôm nay.


         
Suy nghĩ về một số gợi mở cho quá trình thực hiện tăng trưởng xanh của Việt Nam


          Từ kinh nghiệm thực hiện tăng trưởng xanh của Hàn Quốc, có thể rút ra một số gợi mở chính sách cho nước ta như sau:


          Thứ nhất, tăng trưởng xanh là bước đột phá trong chủ trương, chính sách chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trình độ phát triển không phải là yếu tố quyết định để bắt đầu tăng trưởng xanh. Hơn nữa, việc bắt đầu thực hiện tăng trưởng xanh cũng không nên lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ hiện đại. Thực tiễn của Hàn Quốc cho thấy, xanh hóa có thể tiến hành từng bước, trước hết từ những điều đơn giản như tạo ra ý thức tiết kiệm năng lượng của người dân, thay đổi thói quen sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng.


          Thứ hai, việc thực hiện tăng trưởng xanh cần sự ủng hộ và quyết tâm chính trị cao nhất. Những diều chỉnh trong chính sách tăng trưởng xanh gần đây của chính quyền mới ở Hàn Quốc cho thấy, các nhà hoạch định chính sách cần nhận thức rõ về chi phí và lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn đối với việc thực hiện tăng trưởng xanh, từ đó đưa ra những quyết sách nhất quán, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của đất nước, nếu không “tăng trưởng xanh” dễ bị biến thành một khẩu hiệu chính trị và chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền.


          Thứ ba, việc phát triển tăng trưởng xanh cần có sự ủng hộ rộng rãi của xã hội. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, việc nâng cao nhận thức của người dân là một quá trình mất nhiều thời gian và cần tập trung nhiều hơn vào vấn đề giáo dục về môi trường và tăng trưởng xanh cho thế hệ trẻ.


          Thứ tư, Việt Nam đang cần xây dựng và ban hành nhiều chính sách về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và các vấn đề liên quan đến xanh hóa nền kinh tế. Bên cạnh chiến lược tăng trưởng xanh. Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chiến lược và chính sách khác nhau như Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược bảo vệ môi trường. Mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu… Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, cần đảm bảo phối hợp trong thực thi các chiến lược, chính sách nầy để tạo ra sự đồng bộ và tập trung nguồn lực vào những mục tiêu ưu tiên.


          Cuối cùng, để thực hiện tăng trưởng xanh cần huy động nguồn lực mới và chuyển dịch nguồn lực sang các lĩnh vực mới có hiệu quả kinh tế cao hơn, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững hơn. Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và đẩy mạnh thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào các lĩnh vực kinh tế xanh. Ngoài ra, thực tiễn của Hàn Quốc cho thấy có thể thí điểm áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù, đột phá cho một số địa phương và lĩnh vực kinh tế có tiềm năng tăng trưởng xanh./.

 

KS. Nguyễn Văn Re
Tin liên quan