Bé trai Trương Việt Đ, 8 tuổi, nhà ở Cái Bè, Tiền Giang, ngay từ nhỏ mỗi lần Đ té ngã hay bị trầy xước, bé bị bầm tím và rất khó cầm máu. Có một lần bé đứt tay, máu chảy nhiều phải vô bệnh viện, bác sĩ nói bé bị bệnh máu không đông di truyền. Mẹ bé Đ hỏi bác sĩ bé tiêm vắc xin phòng Covid-19 được không? Bác sĩ nói cần thiết phải tiêm, nhưng thận trọng vì có thể gây chảy máu hoặc bầm chỗ chích, chứ bản thân thuốc tiêm ngừa không ảnh hưởng tới các bệnh chảy máu khó cầm. | |
Về chuyên môn, khi mạch máu bị tổn thương hoặc đứt, quá trình cầm máu phải đáp ứng nhanh chóng, khu trú lại vùng tổn thương, cầm máu tức thì. Quá trình cầm máu tự nhiên được thực hiện qua bốn bước: co mạch, hình thành nút tiểu cầu, đông máu, tan cục máu đông hoặc phát triển mô xơ trong cục máu đông để đóng kín vết thương. Những bệnh lý liên quan đến thành mạch, tiểu cầu và các yếu tố đông máu như bệnh thiếu vitamin C, xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu di truyền, bệnh chảy máu di truyền Hemophilia, sẽ gây chảy máu khó cầm nếu chẳng may mạch máu bị đứt, bể.
Khi tiêm ngừa, mũi kim tiêm vào cơ bắp sẽ làm tổn thương mạch máu chằng chịt trong cơ. Trẻ bình thường chỉ cần 15 giây là chỗ tiêm sẽ cầm máu ngay. Nhưng đối với các bé có bệnh về máu khó cầm thì chỗ tiêm sẽ khó cầm máu được liền. Chỗ tiêm bị chảy máu kéo dài hoặc hình thành khối máu tụ, sưng bầm nơi kim đâm vào.
Do đó khi tiêm ngừa cho trẻ bệnh máu khó cầm, nhân viên y tế sẽ thực hiện biện pháp để ngăn ngừa chảy máu và ngăn việc tạo ra khối máu tụ. Có hai biện pháp: Thứ nhất là dùng kim nhỏ để tiêm. Cây kim có kích thước càng nhỏ thì càng ít tổn thương mạch máu. Nên dùng kim kích thước 25G (Gauge) tới 27G để tiêm chủng. Số G càng lớn, thì kim càng nhỏ. Kim 25G, tức là có đường kính kim là 1/25, tức nhỏ cỡ 1,01mm. Thứ hai là sau khi tiêm, dùng ngón tay ấn đè vào chỗ tiêm 5- 10 phút, chỉ ấn mà không day, không chà sát.
Bà con nên báo với bác sĩ chuyên khoa đang điều trị cho bé trước khi tiêm ngừa, để bác sĩ có thể được hướng dẫn dùng thuốc chống đông trước và sau tiêm cho phù hợp với bệnh của bé. Sau khi tiêm chủng, khu vực chỗ tiêm nên được theo dõi sự chảy máu hoặc hình thành máu tụ trong 10 phút. Về nhà tiếp tục theo dõi 2-4 giờ nữa để đảm bảo rằng không có tụ máu trong những trường hợp muộn. Sự khó chịu như đau tức ở cánh tay trong 1-2 ngày sau khi tiêm không đáng lo ngại, trừ khi nó trở nên xấu hơn và kèm theo sưng phù, bầm tím.
Tóm lại, bà con mình nhớ khi đưa bé đi tiêm dù có bệnh hay không có bệnh nền nào, bé cần phải được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút, rồi về nhà tiếp tục theo dõi 28 ngày nữa, đặc biệt là trong vòng 7 ngày sau tiêm, trong đó 3 ngày đầu sau tiêm luôn có người hỗ trợ và chăm sóc 24/24, tránh để bé vận động mạnh sau tiêm ngừa Covid-19./.